Nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ mới giải ngân được 1%; Bắc Giang kêu gọi đầu tư sân golf hơn 6.000 tỷ
Thanh Vũ - 16/03/2024 08:20
 
Nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1%; HoREA “hiến kế” thúc đẩy tín dụng tiêu dùng bất động sản; TP.HCM thu hồi gần 150 ha đất để triển khai 32 dự án.

Nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1%

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện các nhà băng mới chỉ giải ngân 640 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 6 tỷ đồng cho người mua nhà. Với những con số trên, tỷ lệ giải ngân mới dừng ở mức 1%. Lý giải điều này, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang gặp nhiều khó khăn, do nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. 

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Lê Toàn

Cụ thể, các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Nhiều dự án còn đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng nên chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm.

Bên cạnh đó, người mua nhà có xu hướng lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi hơn. Mức lãi suất tại đây chỉ khoảng 4,8%/năm. Còn với gói 120.000 tỷ đồng, con số này sẽ tăng lên thành 7 - 8,2%/năm.

HoREA “hiến kế” thúc đẩy tín dụng tiêu dùng bất động sản

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2), được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8 - 5%/năm với thời hạn tối đa 25 năm.

Dư nợ tiêu dùng bất động sản vẫn chưa ghi nhận chiều hướng đi lên. Ảnh: Lê Toàn


Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75% so với cuối năm 2022.Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản (chiếm tỷ trọng 36%) tăng 22% so với cuối năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm 64%) lại giảm 0,7%.

TP.HCM thu hồi gần 150 ha đất để triển khai 32 dự án

Trong phiên họp mới đây, UBND TP.HCM đã đề xuất cần thu hồi đất gần 150 ha để triển khai 32 dự án. Phía HĐND thành phố đã thông qua tờ trình này.

Đối với danh mục các dự án cần thu hồi đất, UBND TP.HCM đã đề xuất 13 dự án với tổng diện tích thu hồi 27,85 ha. Ngoài ra, 19 dự án khác với diện tích 119,05 ha, vốn đã được HĐND TP.HCM thông qua trước đó nhưng đã quá thời hạn 3 năm, nay được UBND thành phố đề xuất thu hồi lại trong năm 2024.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, các dự án này đều là công trình công cộng, phục vụ nhu cầu cần thiết của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ chỉnh trang, phát triển đô thị. Tất cả dự án này đều đã đầy đủ pháp lý để triển khai trong năm nay. 

Bắc Giang kêu gọi đầu tư sân golf hơn 6.000 tỷ đồng

Mới đây, UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đã thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang và xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng.

Theo đó, tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 134,01 ha. Trong đó, khu vực phát triển du lịch thể thao - sân golf rộng 88,18 ha. Còn khu vực phát triển đô thị sẽ có diện tích khoảng 45,83 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 6.380 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư rơi vào khoảng 566 tỷ đồng.

Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng hơn 7.000 ha đất nông nghiệp

HĐND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đã thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cũng như quy hoạch cụ thể cho năm 2024.

Theo đó, diện tích huyện Vạn Ninh đến năm 2030 dự kiến đạt 56.202 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm tới 74,82%, tương đương với 42.052 ha; đất phi nông nghiệp là khoảng 25%, tương ứng với 14.051 ha và đất chưa sử dụng là 0,18%, khoảng 99 ha.

Để đạt con số theo kế hoạch, huyện sẽ chuyển đổi gần 7.027 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, huyện sẽ đưa vào sử dụng 5.377 ha đất, bao gồm 2.689 ha đất nông nghiệp và 2.688 ha đất phi nông nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản