Nhận diện 2 dòng vốn lớn vào thị trường địa ốc
- 09/01/2015 08:28
 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế ấm lên, bất động sản hút hàng
Lựa chọn kênh đầu tư 2015: M&A mạo hiểm nhưng dễ kiếm bộn tiền
Giao dịch căn hộ vượt mốc 10.000 căn sau nhiều năm
Biệt thự, liền kề sẽ không có cú nhảy vọt nào
Giải bài toán niềm tin trên thị trường địa ốc

Gọi vốn từ sàn

Từ năm 2010, nhiều DN BĐS niêm yết đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, tại các kỳ đại hội cổ đông hằng năm, kế hoạch này vẫn chỉ là... kế hoạch. Việc huy động vốn bằng nhiều phương thức để tiếp tục triển khai dự án gần như giẫm chân tại chỗ.

Song, năm 2014, tín hiệu tích cực đã trở lại với DN BĐS. Chẳng hạn, với Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Năm Bảy Bảy), suốt hơn 2 năm kêu gọi nhà đầu tư (NĐT) chiến lược vẫn không bắt được tín hiệu tốt, thì vào giữa tháng 12/2014, Năm Bảy Bảy đã chính thức giới thiệu sự tham gia của một đối tác Nhật Bản.

Kể từ quý I/2014, cổ phiếu Năm Bảy Bảy đã liên tục tăng giá, từ 18.500 đồng/cổ phiếu lên 26.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng một tuần lễ. Giữa tháng 6/2014, đã có không ít thông tin về việc Năm Bảy Bảy cơ cấu lại hoạt động để đón NĐT lớn từ Nhật.

Nói về duyên cớ hợp tác với Creed Group, ông Mai Thanh Trúc - Giám đốc Kinh doanh Năm Bảy Bảy, cho biết, thông qua "mai mối" của VietBridge Capital (công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Singapore, từng là cổ đông chiến lược của Năm Bảy Bảy), Creed Group nhận thấy Năm Bảy Bảy có quỹ đất khá lý tưởng tại TP.HCM để phát triển các dự án căn hộ, phù hợp với tiêu chí đầu tư của Tập đoàn.

Tính đến tháng 12/2014, Năm Bảy Bảy sở hữu quỹ đất 1.000ha trên cả nước, riêng TP.HCM có 5 dự án với quy mô khoảng 60ha. Cũng vào cuối năm 2014, Creed Group trở thành cổ đông chiến lược của Năm Bảy Bảy sau khi hoàn tất việc mua lại 4,6 triệu cổ phiếu của DN này.

Đồng thời, theo chia sẻ của ông Trúc, dự kiến vào tháng 6/2015, Creed Group & Partner (đối tác trong nước) sẽ mua thêm 10 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Năm Bảy Bảy.

Nhiều DN địa ốc đã tìm được nguồn tài chính từ các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các dự án còn dang dở.
Nhiều DN địa ốc đã tìm được nguồn tài chính từ các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các dự án còn dang dở

Được biết, mục tiêu của Creed Group là đầu tư khoảng 100 - 200 triệu USD tại thị trường Việt Nam. Riêng với trường hợp của Năm Bảy Bảy, Creed Group sẽ cùng phát triển hơn 10.000 căn hộ tại TP.HCM thông qua rót từ 50 - 80% vốn đầu tư tại một số dự án (City Gate Towers - Q.8, Diamond Riverside - Q.8, NBB Garden II, III).

Cùng với Năm Bảy Bảy, hiện nay, một số DN BĐS niêm yết cũng đang kêu gọi thêm nguồn tài chính từ các đối tác trong và ngoài nước để khởi động các dự án nhà ở, đón đầu thị trường dự báo sẽ bùng phát trở lại trong năm 2015. Hoặc tăng vốn từ việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hoặc kết hợp cả hai phương án.

Điển hình như trường hợp của Công ty CP BĐS Phát Đạt (PDR), vào ngày 9/1/2015, tại đại hội cổ đông bất thường, Công ty sẽ thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, tỷ lệ chi trả sẽ là 5%/vốn cổ phần theo tỷ lệ 20:1. Dự kiến, tổng giá trị phát hành sẽ là 65,1 tỷ đồng.

Tìm sang vốn ngoại

Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT của Công ty, tiết lộ, Phát Đạt cũng đã chốt được đối tác chiến lược trong năm 2015 để triển khai một số dự án đã hoàn tất khâu chuẩn bị như: The EverRich II, III, dự án Long Thạnh Mỹ...

Lợi thế của Phát Đạt được nhìn nhận trong năm 2015 là kinh doanh dần được cải thiện và công ty hiện đang sở hữu quỹ đất sạch (đã đền bù) tương đối lớn trong bối cảnh giá đất năm 2015 tại TP.HCM tăng khoảng 1,6 lần.

Được biết, 2014 là năm đầu tiên, kể từ 2010, Phát Đạt có được kết quả kinh doanh khả quan, cụ thể, tính từ đầu năm đến quý III/2014, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 8,3 tỷ đồng so với 1,4 tỷ đồng cùng kỳ 2013, doanh thu bán hàng từ các dự án BĐS trong quý III/2014 ghi nhận được 49,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 11,2 tỷ đồng.

Đại diện Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) chia sẻ, năm 2014, Công ty có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 250 tỷ đồng nhưng điều kiện chưa thuận lợi. Do đó, dự định này sẽ được dời sang năm 2015 nhưng sẽ có sự điều chỉnh vì lãi suất ngân hàng hiện đang ở mức thấp nên đây cũng là nguồn tài chính quan trọng mà Thuduc House hướng đến.

"Vấn đề này sẽ được bàn bạc và quyết định tại đại hội cổ đông sắp tới", ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Thuduc House nói. Còn về phương án tìm đối tác chiến lược để bổ sung nguồn vốn triển khai dự án, đại diện Thuduc House cho biết đang tiếp xúc với một vài NĐT cả trong và ngoài nước.

Nói về khả năng huy động vốn của các DN BĐS, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng (GLS), nhìn nhận, từ giữa năm 2014, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực. Gần đây, giá dầu giảm đã tác động đến thị trường chứng khoán nhưng cổ phiếu BĐS vẫn được NĐT quan tâm, vì họ nhìn thấy được tiềm năng của thị trường trong tương lai.

Đặc biệt, một số quy định như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)... thông thoáng hơn cùng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ (Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, sẽ giảm tỷ lệ rủi ro cho khoản vay đầu tư kinh doanh BĐS), kiên quyết xử lý nợ xấu, vốn là "cục máu đông" của nền kinh tế, sẽ lấy lại niềm tin của các NĐT, nhất là các NĐT nước ngoài.

Song, theo ông Chinh, việc huy động vốn theo phương thức nào là thích hợp còn tùy thuộc vào quy mô DN, phân khúc sản phẩm DN theo đuổi, uy tín thương hiệu...

Thị trường nhà ở tại TP.HCM năm 2014

- Trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã giải quyết được 8.208 căn (56,64%); riêng 11 tháng đầu năm 2014 giải quyết được 3.131 căn. 6.282/14.490 căn hộ tồn kho còn lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, các căn hộ ở các dự án có vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án xây dựng chậm tiến độ. (Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM).

- UBND TP.HCM đã chấp thuận cho chuyển đổi 8 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đồng thời với việc cơ cấu lại căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ, với số lượng căn hộ trước khi xin chuyển đổi là 3.522 căn, số lượng căn hộ sau khi chuyển đổi là 7.613 căn.

- UBND TP.HCM cũng đã xem xét 24 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ và đã cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 9 dự án đủ điều kiện với quy mô 4.736 căn hộ, tăng lên 1.386 căn hộ thành 6.122 căn hộ sau khi chuyển đổi.

FDI vào địa ốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015

() Đó là nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, dựa trên những tín hiệu thu hút đầu tư nước ngoài trong năm qua.

Tự tin đổ tiền vào dự án lớn

() Thị trường bất động sản năm 2014 đánh dấu sự trở lại của những dự án lớn sau nhiều năm chủ đầu tư ẩn mình chờ thời.

Điểm lại 10 sự kiện địa ốc nổi bật 2014

Thị trường bất động sản khép lại năm 2014 với niềm lạc quan thận trọng của hầu hết thành viên thị trường. Hãy cùng Đầu tư Bất động sản nhìn lại 10 sự kiện địa ốc nổi bật nhất năm qua để hướng tới một năm mới sáng sủa hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản