Quy hoạch đô thị miền Trung: Bài toán cân bằng giữa công nghiệp và du lịch
- 25/09/2017 13:09
 
Việc cân bằng giữa phát triển công nghiệp và du lịch đang là bài toán lớn trong công tác quy hoạch phát triển đô thị tại các địa phương miền Trung.
TIN LIÊN QUAN

Quy hoạch để tạo động lực

Du lịch được xem là một lĩnh vực “vàng” có khả năng tận dụng được những lợi thế sẵn có về cảnh quan, địa mạo… Thời gian qua, miền Trung được xem là điểm sáng của du lịch cả nước, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Du lịch đang tạo ra nguồn thu lớn cho các địa phương, thúc đẩy nhiều ngành dịch vụ phát triển, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế khu vực.

Song, không vì thế mà vị thế của các ngành công nghiệp thuần túy bị giảm đi. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Quảng Bình cho biết, phát triển công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho số đông người dân địa phương, tận dụng và phát huy được những lợi thế sẵn có của tỉnh. Do đó, phát triển công nghiệp hiện đang được các địa phương miền Trung hết sức coi trọng.

Phát triển cân bằng giữa du lịch - dịch vụ và công nghiệp là thách thức không nhỏ đối với các tỉnh miền Trung.
Phát triển cân bằng giữa du lịch - dịch vụ và công nghiệp là thách thức không nhỏ đối với các tỉnh miền Trung.

PGS-TS-KTS Lưu Đức Cường, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết, việc định hướng quy hoạch phát triển đô thị có một vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, trong đó, giải bài toán giữa phát triển công nghiệp và du lịch dịch vụ là một vấn đề hết sức quan trọng.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Đà Nẵng đánh giá: “Công nghiệp và du lịch cần phải có sự cân bằng, vì công nghiệp giúp du lịch phát triển bền vững. Phát triển công nghiệp, nếu làm tốt và đảm bảo môi trường, sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển mạnh. Tuy nhiên, công nghiệp phải vì lợi ích phát triển kinh tế, không ảnh hưởng hay đánh đổi đời sống người dân, đánh đổi môi trường”.

Bài toán phát triển cân bằng

Nói về việc cân bằng, hài hòa giữa phát triển công nghiệp và du lịch trong phát triển đô thị, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế vẫn là những địa phương tiêu biểu nhất.

Theo KTS. Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triên đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng), cân bằng giữa đầu tư công nghiệp và phát triển du lịch chính là bài toán tổng hợp trong mối quan hệ nhiều mặt về không gian, thời gian, chủ trương chính sách, lợi thế cạnh tranh…

Ở góc độ phát triển đô thị, Đà Nẵng đang chú trọng cả 2 mũi nhọn kinh tế này trong việc hoạch định cơ cấu đô thị. “Du lịch được phát triển ở các khu vực có cảnh quan đẹp như Hải Vân, Sơn Trà, Sông Hàn, Ngũ Hành Sơn, dọc theo dải bờ biển, các khu vực rừng núi có giá trị du lịch cao. Công nghiệp được phát triển tại các khu vực có quỹ đất đủ lớn, nhưng ít giá trị cảnh quan, tiếp cận tốt các tuyến vận tải”, KTS. Trí nói.

Cũng theo KTS. Bùi Huy Trí, với yêu cầu đó, không gian đô thị Đà Nẵng cần tiếp tục phát triển về phía Tây, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp mới, các trọng điểm du lịch mới. Ngoài ra, các kết cấu hạ tầng đầu mối sẽ được chỉnh trang, nâng cấp hoặc có thay đổi lớn, như nâng cấp Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, hình thành Khu đô thị cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt về phía Tây…

Tại Huế, theo quy hoạch chung, đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai cũng sẽ được hình thành bởi nhiều đô thị quy mô vừa và nhỏ, bao gồm khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó, TP. Huế là đô thị di sản văn hóa, được ưu tiên phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch và văn hóa. Các đô thị khác có vai trò hỗ trợ đô thị di sản Huế về phát triển nhà ở, dịch vụ, công nghiệp đa ngành, đào tạo, y tế và đầu mối giao thông.

Với riêng Chân Mây - Lăng Cô, đô thị này không chỉ được quy hoạch để phục vụ phát triển công nghiệp - công nghiệp chế biến trên cơ sở ưu thế của cảng Chân Mây, mà trong tương lai cũng sẽ là một đô thị du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đô thị du lịch Chân Mây - Lăng Cô đã hình thành từ năm 1995 khi xác định tam giác Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương là khu du lịch trọng điểm của vùng du lịch Bắc Trung bộ”.

Không chỉ Đà Nẵng, Huế, các địa phương khác ở miền Trung như Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Tuy Hòa (Phú Yên)… cũng đang bắt đầu đi theo xu hướng này khi vừa quy hoạch những cụm đô thị công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, nhưng đồng thời vẫn dành không gian cho phát triển du lịch - du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh góp ý: “Thị trường du lịch đang hết sức sôi động, nếu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho du lịch - khách sạn thì hiệu quả sẽ rất lớn. Lý do là tại miền Trung hiện vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất trang thiết bị phục vụ khách sạn và du lịch chất lượng, thậm chí công cụ dọn dẹp buồng phòng hay khăn trải bàn cũng đang phải nhập khẩu”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản