Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Yếu tố then chốt là người đứng đầu
Khánh An - 17/05/2017 09:51
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết 35.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2017 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, tinh thần và nội dung của Nghị quyết 35 cần phải được quán triệt và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.

“Người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh, cán bộ công chức phải thay đổi tư duy, thái độ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Về kiến nghị cụ thể, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 7 nhóm kiến nghị.

Một là, xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; khuyến khích các hộ, cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

“Các bộ ngành khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, việc rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan để giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ; báo cáo Chính phủ Đề án Luật sửa các luật về thuế để trình Quốc hội cũng cần được đẩy nhanh.

Các Bộ, ngành rà soát các danh mục hàng hóa thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành, bổ sung mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với mặt hàng xuất nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý.

Hai là, về tiếp cận đất đai: rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các mức thuế sử dụng đất, nhằm tháo gỡ khó khăn tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp; rà soát quy hoạch đảm bảo tính nhất quán và công khai minh bạch thông tin quy hoạch.

Ba là, về mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh. Bộ trưởng đề nghị khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam; xử lý nghiêm và công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường...

Người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả.

“Các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực mua sắm công; Quyết định số 58 thu hẹp các lĩnh vực mà DNNN nắm giữ, để tạo thị trường cho khu vực tư nhân tham gia vào các ngành, lĩnh vực quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bốn là, minh bạch quy định, thủ tục, điều kiện vay; rà soát quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm tài sản thế chấp vay vốn tại ngân hàng.

Triển khai mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Đẩy nhanh triển khai hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng tạo kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Năm là, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến yêu cầu khắc phục ngay các bất cập trong quản lý dự án BOT, mức thu phí, vị trí thu phí; chuyển sang thu phí điện tử không dừng, áp dụng công nghệ phù hợp để giám sát thu phí; đấu thầu công khai trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT.

Sáu là, các giải pháp phù hợp để giảm lãi suất; đẩy nhanh xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản để trả nợ cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp cũng được nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một doanh nghiệp không quá một lần trong năm, Bộ trưởng lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành ở cấp địa phương, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động…

Bảy là, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh; chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, nhất là về trách nhiệm xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Hôm nay Thủ tướng gặp 1.500 doanh nghiệp tư nhân: Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt (phần 3)
Hôm nay (17/5), khoảng 1.500 doanh nghiệp tư nhân trong số khoảng 2.000 đại biểu sẽ có mặt tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư