Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hôm nay Thủ tướng gặp 1.500 doanh nghiệp tư nhân: Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt (phần 3)
Bảo Duy - 17/05/2017 07:23
 
Hôm nay (17/5), khoảng 1.500 doanh nghiệp tư nhân trong số khoảng 2.000 đại biểu sẽ có mặt tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Từ khóa đang được nhắc tới là đồng hành, cùng với đó là kỳ vọng đột phá của doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng nay, 17/5 (Ảnh: Đức Thanh)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng nay, 17/5 (Ảnh: Đức Thanh)

Lời cảm ơn của doanh nghiệp

Chắc chắn, sẽ có rất nhiều lời cảm ơn gửi tới Thủ tướng Chính phủ từ doanh nghiệp.

Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 đã cất công soạn những lời trân trọng, mong trực tiếp gửi tới Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngay tại Hội nghị. Những gì họ nhận được thời gian vừa qua lớn hơn mong đợi.

Hơn 4 tháng trước, khi quyết tâm theo đuổi kiến nghị bỏ thủ tục về lập quy hoạch 1/500 cho một số hạng mục trong dự án chăn nuôi, ông Thắng và những cộng sự có động cơ rất rõ ràng. Đó là Thủ tướng đã hành động, doanh nghiệp cũng phải hành động, chứ không thể chờ thời hay than thở. Nhưng lúc đó, thực tâm, họ chỉ nghĩ góp thêm một tiếng nói mạnh hơn, thúc đẩy các bộ, ngành xem xét, chưa mong có câu trả lời áp dụng được ngay.

“Các bộ, ngành thực sự muốn cải cách”, ông Thắng nói.

Cảm nhận này khiến họ có được những dòng tâm huyết: “Một công văn trả lời từ cơ quan nhà nước khiến ai còn băn khoăn, nghi ngại về những đổi mới, những cơ hội đầu tư vào nông nghiệp thở phào. Khi cơ quan nhà nước thực tâm đi cùng doanh nghiệp tìm con đường phát triển, doanh nghiệp sẽ trân trọng và không bỏ lỡ cơ hội”.

doanh nghiệp đang chờ thêm quyết sách kiến tạo, thúc đẩy, nâng đỡ sáng kiến, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty TNHH Bá Hải	. Ảnh: Đ.T
Doanh nghiệp đang chờ thêm quyết sách kiến tạo, thúc đẩy, nâng đỡ sáng kiến, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty TNHH Bá Hải . Ảnh: Đ.T

Kể từ cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 4/2016, môi trường kinh doanh Việt Nam có những động thái rất mới.

Lần đầu tiên, chính quyền 63 tỉnh, thành phố ký cam kết với cộng đồng doanh nghiệp – đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Các cuộc đua sáng kiến để làm hài lòng giới đầu tư, kinh doanh - như nhiều lần Thủ tướng nói trong các chuyến làm việc tại địa phương - cũng chưa bao giờ nóng như lúc này.

Quảng Ninh - sau những thành công bước đầu của mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, đã quyết định mở rộng tới cấp huyện.

Bình Dương không ngần ngại công bố sẽ xin lỗi doanh nghiệp, người dân nếu sai hẹn.

TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện…

Đến cả Hà Nội… “không vội được đâu” cũng bắt đầu ghi điểm khi triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 10 ngày, giảm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống 14 ngày…

Khoảng cách còn lại

Nhưng, vẫn còn khoảng 200 kiến nghị được VCCI tập hợp gửi tới Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. So với con số 320 của Hội nghị năm trước, số lượng đã giảm đi, song vẫn còn những kiến nghị được gửi nhiều lần.

Các doanh nghiệp hẳn phải rơi vào thế cực chẳng đã mới phải tiếp tục lên tiếng. Cường độ cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải cải thiện năng lực, năng suất, phải chuyên nghiệp để tồn tại và phát triển, song sự bất ổn trong môi trường kinh doanh đang tác động tiêu cực tới các kế hoạch này.

Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu SIAAI (Phú Thọ) tiếp tục kiến nghị về việc bị đơn phương thu hồi quyền sử dụng đất trước thời hạn. Trước đó, tháng 12/2016, SIAAI cũng gửi công văn đề nghị giải quyết, nhưng chưa có kết quả.

Theo hợp đồng thỏa thuận, Công ty được giao 9.990 m2 để kinh doanh khai thác và đã được chứng nhận quyền sử dụng đất, có thời hạn đến ngày 14/12/2058. Đổi lại, Công ty đầu tư 100% vốn xây dựng chợ Bắc Sơn và được khai thác quản lý, khi hết hạn hợp đồng sẽ bàn giao toàn bộ tài sản (chợ Bắc Sơn) cho UBND phường Bắc Sơn.

“Việc thu hồi đất đã giao khi vẫn còn 4/5 thời gian có đúng với trình tự của pháp luật không?”, Công ty SIAAI tiếp tục đặt câu hỏi. Điều quan trọng là, Công ty chưa kịp hoàn vốn và không biết tiếp tục kế hoạch kinh doanh tới đây thế nào.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dịch vụ và Đầu tư Việt Nam đang lúng túng khi cơ quan trung ương và chính quyền địa phương không thống nhất cách điều hành. Giấy phép khai thác mỏ cát thạch anh Hòa Bình (tại Thừa Thiên Huế) do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty quy định công suất khai thác hàng năm là 185.125 tấn. Nhưng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lại chỉ cho 40.000 tấn/năm 2015; năm 2016 là 50.000 tấn...

Các cuộc đua sáng kiến để làm hài lòng giới đầu tư, kinh doanh - như nhiều lần Thủ tướng nói trong các chuyến làm việc tại địa phương - chưa bao giờ nóng như lúc này.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì sốt ruột khi doanh nghiệp trong vùng khốn khổ tìm cách trốn trạm thu phí trên đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp.

“Doanh nghiệp cho biết, họ chuyển qua đi phà Đại Ngãi nhằm tiết kiệm chi phí. Dù đường tuyến huyện hẹp, tài xế rất mệt, nhưng không có cách nào khác vì không tăng được cước vận chuyển”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng lý giải trong văn bản gửi VCCI để tập hợp.

Tình hình có thể còn khó hơn khi tới đây, đoạn đường Bạc Liêu đi đến Cần Thơ dài chưa tới 120 km sẽ có đến 3 trạm thu phí, mật độ trạm quá dày. Vấn đề là, đường nông thôn bị cày phá, doanh nghiệp vận tải lo chi phí sẽ ăn hết lợi nhuận, còn nhà đầu tư các trạm thu phí chắc cũng khó vui…

Đó là chưa kể tới kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, mỗi doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trung bình là 2 lần. Vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% doanh nghiệp cho rằng, nội dung của các cuộc kiểm tra giống nhau.

Nhiều doanh nghiệp có ý kiến về công tác đối chiếu thuế, lỗi do phần mềm thuế cập nhật chậm dẫn đến, đôi khi doanh nghiệp đã đóng thuế, nhưng vẫn bị thông báo là nợ thuế...

Những người đồng hành

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, VCCI nhận định, những rụt rè, cân nhắc khi đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính của các bộ, ngành đã giảm bớt. Nhưng, sự hài lòng của doanh nghiệp với thay đổi trong đội ngũ công chức vẫn thấp nhất trong các động thái tích cực mà doanh nghiệp cảm nhận được. Doanh nghiệp vẫn sốt ruột vì “trên nóng, dưới lạnh”.

Nhưng, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng, không quá khó giải thích hiện trạng này.

“Bản thân công chức cũng đang bị bó buộc. Nhưng mọi việc sẽ thay đổi”, ông Cung nói và nhắc tới kết quả của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII vừa kết thúc đúng 1 tuần trước (10/5).

Hội nghị đã bàn và thống nhất quan điểm về hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường… Đặc biệt, tư duy về vai trò của khu vực kinh tế tế tư nhân được thống nhất rõ ràng, đó là một động lực quan trọng trong phát triển của nền kinh tế.

Trong khá nhiều nghiên cứu về khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn vừa qua, điểm nghẽn về nhận thức, về lý luận liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân vẫn được xếp hàng đầu. Thậm chí, ông Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn nói, khi Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu rất cao trong phát triển doanh nghiệp tư nhân, bài toán lớn nhất cần phải giải, đó là nếu không có thị trường đầy đủ thì không thể có doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. “Đây là cặp bài trùng, không thể thiếu một trong hai vế”, ông Sâm nói. 

Lúc này, bài toán lớn nhất đang có lời giải. Vấn đề còn lại là quyết tâm và trách nhiệm thực thi.

Tất nhiên, không dễ có được sự phát triển đột phá như các các doanh nghiệp đang kỳ vọng. Bản thân từng doanh nghiệp cũng phải thay đổi rất mạnh, phải chính thống, phải minh bạch, nghĩa là phải chấp nhận trả chi phí để thực sự lớn mạnh và chuyên nghiệp, bắt kịp với những thay đổi sẽ rất lớn của nền kinh tế. Có thể sẽ có những doanh nghiệp buộc phải rời bỏ cuộc chơi khi đối diện với thách thức mới, nhưng sẽ có doanh nghiệp mới trỗi dậy.

“Doanh nghiệp chấp nhận sân chơi lớn này. Mong Chính phủ đồng hành”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ ý kiến mà ông cũng mong gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Phải nhắc lại, ông Đoàn vẫn giữ tham vọng cùng các doanh nghiệp gây dựng thương hiệu Việt trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Nhưng, doanh nghiệp không thể lớn, rất khó mạnh nếu không có sự hậu thuẫn của Chính phủ. “Đó là những định hướng lớn, những khuôn khổ để doanh nghiệp an tâm lớn mạnh”, ông Đoàn nói.

30 năm đổi mới vừa qua,  Chính phủ đã cởi trói, tháo gỡ để doanh nghiệp ra đời, phát triển. Hiện tại, doanh nghiệp cần nhiều hơn. Đó là một môi trường kinh doanh với những quyết sách đủ sức kiến tạo, thúc đẩy, nâng đỡ những sáng kiến, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp.

Sẽ cần một thời gian để mọi thông điệp đi vào thực tế, nhưng chắc chắn, những hành động mới vì doanh nghiệp, vì người dân của Chính phủ đang có dư địa rất rộng.

(Còn tiếp)

Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt
Chưa bao giờ, vốn của khu vực kinh tế tư nhân ngừng chạy. Chỉ có điều, dòng vốn đó sẽ ngập ngừng, bất an khi phải tìm cách tự vận hành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư