Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt
Bảo Duy - 14/05/2017 07:40
 
Chưa bao giờ, vốn của khu vực kinh tế tư nhân ngừng chạy. Chỉ có điều, dòng vốn đó sẽ ngập ngừng, bất an khi phải tìm cách tự vận hành.
TIN LIÊN QUAN

Những đồng vốn không ngừng chạy

Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 cuối cùng đã có thể gấp lại tập đơn kiến nghị.

Công ty đã nhận được công văn trả lời từ Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hòa Bình. Văn bản ký ngày 25/4, Công ty nhận được vào ngày làm việc cuối cùng trong tháng 4/2017.

“Bộ Xây dựng đã chấp thuận kiến nghị bỏ bước thủ tục lập quy hoạch 1/500 với khu  chăn nuôi, trồng trọt cho dự án  tại Hòa Bình của chúng tôi”, ông Thắng hồ hởi.

Mô hình kết nối mà Vingroup tạo dựng với hơn 250 doanh nghiệp đang tạo chất xúc tác cho các doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh. Ảnh: Đức Thanh
Mô hình kết nối mà Vingroup tạo dựng với hơn 250 doanh nghiệp đang tạo chất xúc tác cho các doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Biết tin, nhiều doanh nghiệp trong Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, mà ông là thành viên tích cực, ngay lập tức gửi lời chung vui.

Họ đã theo chân ông suốt 4 tháng, kể từ khi ông lặn lội vào TP.HCM trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, lúc gửi văn bản tới Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ vào cuối năm, cũng như 2 lần gửi đề nghị nhắc trả lời… Chưa kể, ông và các nhân viên đã gửi đi lại không biết bao nhiêu kiến nghị, giải trình tới UBND tỉnh Hòa Bình.

Vướng của T&T 159, nhưng nhiều doanh nghiệp đang nhìn để tiên liệu các bước đi.

“Chúng tôi đã có thể mạnh dạn đổ vốn ra, chứ không cầm chừng, dè xẻn nữa”, ông Thắng thẳng thắn.

Vingroup, Thaco, TH true Milk hay Hòa Phát, Minh Phú… sau chặng đường vất vả, đang bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ thương hiệu của người Việt.

Nhưng, đất nước hơn 93 triệu dân, đang chuyển đổi mạnh mẽ, nền kinh tế thị trường đang hoàn thiện theo hướng hiện đại, hội nhập… cần thêm hàng chục, hàng trăm và hơn nữa các thương hiệu mạnh. Giấc mơ thịnh vượng cho người Việt sẽ không còn xa khi các thế hệ doanh nhân dần có môi trường với thể chế thuận lợi, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo... Đã đến lúc, kinh doanh không còn là cách để kiếm sống, mà là một phương thức để phát triển.

T&T 159 thực ra là “chân mới” trong lĩnh vực nông nghiệp, được khoảng vài ba năm nay, nên buộc phải nghiên cứu rất kỹ quy định để tuân thủ, phát hiện còn nhiều rào cản.

Trước đó, hoạt động chính của những ông chủ hùn vốn lập T&T 159 là xây dựng, kinh doanh bất động sản. Họ từng sống tốt nhờ các dự án đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn nhà nước, nhưng rồi lao đao, bầm dập khi dòng vốn đầu tư công bị chặn lại vào năm 2011.

Song, người kinh doanh không thể để vốn nằm chơi. Dự án đầu tư công khó, họ và nhiều doanh nghiệp xây dựng, giao thông thời điểm đó buộc phải xoay tìm cơ hội. Người tản mát đầu tư bất động sản. Người chuyển sang thương mại, du lịch… Ông Thắng và những người bạn quyết định chuyển vốn vào chăn nuôi.

“Chúng tôi tính, đất đồi Hòa Bình còn nhiều, không nhẽ không thể sinh lời. Chỉ cần chi phí đầu tư, kinh doanh đừng quá đắt, cái gì vướng có thể bàn để gỡ”, ông Thắng lý giải theo cách của người kinh doanh.

Nhưng, với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, sự chuyển dịch này là rất tích cực.

“Việc người kinh doanh đổ tiền vào đâu, một phần do tính toán riêng, nhưng một phần là chỉ dấu của những thay đổi về thị trường, cơ chế chính sách. Nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào nông nghiệp là tin tốt với nền kinh tế Việt Nam, tin tốt với những chính sách mới trong ngành nông nghiệp”, bà Lan chia sẻ quan điểm.

Khi đường ray chưa đều nhịp

Rất hiếm khi bà Phạm Chi Lan nói nhiều về một doanh nghiệp, nhưng lần này, mô hình kết nối mà Vingroup tạo dựng với hơn 250 doanh nghiệp khiến bà đặc biệt quan tâm.

250 doanh nghiệp này thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản, đến từ 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, sẽ cùng với đầu tàu Vingroup và các công ty thành viên thực hiện các gói giải pháp cùng phát triển.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân: 2003-2010: 11,93%/năm; 2011-2015: 7,54%/năm;
97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; 2% quy mô vừa; khoảng 1,2% quy mô lớn;
Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%;
81% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ; khoảng 1% đầu tư vào nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.
Nguồn: Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Riêng doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ quả… được hưởng mức chiết khấu 0% trong vòng 1 năm (đến 6/2017 tới đây). Phần chiết khấu được  hoàn trả 100% về nhà cung cấp, để doanh nghiệp tái đầu tư, thực hiện nghiêm tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm….

Lợi ích nhìn thấy trong mô hình này, theo bà Lan, không chỉ là người tiêu dùng tiếp cận nguồn cung được kiểm soát, mà quan trọng hơn, đồng vốn của doanh nghiệp tư nhân lớn, nhỏ đã kết nối được với nhau.

Mới đây nhất, Thaco cũng đã khởi động một chương trình dài hạn, hỗ trợ giới khởi nghiệp trên diện rộng. Doanh nghiệp lâu năm đang song hành với những người trẻ muốn dấn thân vào thương trường…

Thực tế, sau hơn 30 năm đổi mới, 15 năm sau Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 14-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX), doanh nghiệp Việt Nam đã sang trang.

Lớp doanh nhân có trí tuệ, hoài bão, sức sáng tạo, thành đạt đã xuất hiện. Nhiều người sẵn sàng nhận vai “vác tù và hàng tổng” để tạo kết nối, thu hút nguồn lực, tham gia xây dựng, vận động chính sách liên quan đến kinh doanh.

“Từ mô hình liên kết này, sẽ có doanh nghiệp vệ tinh lớn dần lên, sẽ xuất hiện thêm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chủ động kết nối - một phần nền tảng còn thiếu khiến các doanh nghiệp Việt bao năm vẫn khó lớn - đã bắt đầu được chính doanh nghiệp khai thông”, bà Lan nhận định.

Tuy vậy, bà Lan cũng thận trọng, sự chuyển dịch trên vẫn là những dấu hiệu đơn lẻ, chưa thành xu hướng.

“Nền kinh tế cần những xu hướng. Điều kiện cần cho hình thành xu hướng là môi trường kinh doanh an toàn, tin cậy, có thể dự liệu được. Chỉ có vậy, vốn mới chạy vào những ngành nghề đòi hỏi chiến lược dài hơi, đòi hỏi công nghệ, chuẩn mực cao...”, bà Lan nói.

Trong suy nghĩ của người kinh doanh, tài sản của họ chính là dòng tiền đang chạy, nên có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác rất nhanh. Nếu vì một lý do nào đó dòng tiền bị đọng hay không chạy đúng như dự liệu…, họ sẽ mất rất nhiều.

Còn đó giấc mơ

Trở lại việc của T&T 159, họ vẫn chưa thoát khỏi tình huống khó. Vượt qua được các “kỳ thi” về quy trình chăn nuôi, quy chuẩn chuồng trại… mới thuyết phục được “thầy chăn bò” từ Australia chuyển giao công nghệ, nhưng Công ty chưa thể đổ tiền ra.

doanh nghiệp rất hứng khởi
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 bế mạc vào chiều 10/5, ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch Công ty cổ phần T&T 159 nói: “Doanh nghiệp tư nhân sẽ lớn nhờ sự hậu thuẫn bởi thể chế thuận lợi cho phát triển”.
Theo ông, việc xác định rõ vai trò của Nhà nước là định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh… Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất… sẽ giải quyết nhiều vướng mắc hiện tại trong môi trường kinh doanh, do sự phân định không rõ ràng.
“Khi Nhà nước không can thiệp hành chính vào thị trường, khi các thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được làm rõ, tôi tin là các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hay có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được thể chế hóa. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cống hiến hết sức mình”, ông Thắng chia sẻ.

Sau 2 năm, Công ty chưa xong thủ tục về giao đất thực hiện dự án, dù đã hoàn tất việc thỏa thuận về đất với các nông hộ, đã tiến hành đền bù.

“Chúng tôi đang đợi các hộ hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thường mất nhiều thời gian, rồi mới tiếp tục các thủ tục tiếp theo. Nhưng, thủ tục này không cần thiết, chúng tôi đã kiến nghị bỏ, song được trả lời là quy định hiện hành nên phải tuân thủ. Nếu cứ áp quy định hiện hành, không xem xét xu thế mới, thì làm sao phát triển được”, ông Thắng đã rất khó khăn khi chia sẻ những lời này.

Với ông và nhiều doanh nghiệp kiên trì theo đuổi kiến nghị thay đổi cơ chế, chính sách (chứ không chỉ gỡ vướng thủ tục), cam kết “hành động vì sự phát triển của doanh nghiệp” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói chính là động cơ để họ không ngần ngại dấn thân, không ngại đi lại, gặp gỡ, giải thích với các công chức, cơ quan nhà nước.

“Chúng tôi cần giải pháp cụ thể, có hoặc không thực hiện được, vì sao, chứ không cần  cách trả lời trích dẫn quy định hiện hành…”, ông Thắng nói.

Trong báo cáo Dự án mà T&T 159 trình UBND tỉnh Hòa Bình cách đây 2 năm, mục tiêu  đặt ra là phát triển hệ thống trang trại vùng lõi, gồm khoảng 20 trang trại chăn nuôi, trồng cỏ… Vùng lõi này sẽ tập hợp hộ nuôi bò lẻ tẻ vào hệ thống.

Trong kế hoạch này, vùng trồng ngô hiện tại thu 27,5 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn khoảng 16,5 triệu đồng/năm sẽ chuyển sang trồng cỏ năng suất cao, có thể thu nhập tới 75 triệu đồng/năm…

Song, tất cả tính toán đều đang trên bàn… Ông Thắng và T&T 159 vẫn chưa thể đóng toàn bộ hồ sơ kiến nghị. Các doanh nghiệp và cả hộ nông dân tiếp tục chờ đợi.

Nhưng, chắc chắn không thể chờ mãi vì dòng vốn của họ phải chảy liên tục.(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư