Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điểm danh 21 tập đoàn sẽ chuyển về "siêu Ủy ban"
Khánh Linh - 23/02/2018 13:35
 
21 tập đoàn, tổng công ty đã có tên trong danh sách đề xuất doanh nghiệp nhà nước thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ước tính, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại 21 tập đoàn, tổng công ty này tương đương 50% tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.
.
SCIC sẽ không còn thuộc Bộ Tài chính sau khi Dự thảo Nghị định Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức được phê duyệt.

Đứng đầu danh sách là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC sẽ không còn thuộc Bộ Tài chính sau khi Dự thảo Nghị định Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức được phê duyệt.

SCIC cũng là siêu doanh nghiệp khi tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ một số doanh nghiệp đặc thù.

20 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông – Vận tải.

Đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam sẽ chuyển cơ quan đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương về Ủy ban.

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam không còn thuộc quyền đại diện chủ sở hữu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng sẽ tạm biệt Bộ Thông tin truyền thông.

Bộ Giao thông – Vận tải sẽ không còn là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty Cảng Hàng không.

Với danh sách này, có thể thấy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quản lý vốn nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước quản lý vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã, Nhà máy In tiền Quốc gia, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ quản lý ngành quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật.

UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý theo phương án đã được phê duyệt.

UBND cấp tỉnh quản lý vốn nhà nước tại công ty xổ số kiến thiết và doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần chuyên nghiệp, chuyên trách
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đơn vị được giao xây dựng Dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư