“Liều thuốc” hỗ trợ để thị trường bất động sản bật dậy
Thế Hoàng - 04/04/2020 13:30
 
Cùng với việc tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thị trường bất động sản đang rất cần những chính sách hỗ trợ, không chỉ để chặn đà sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm, mà còn có thể bật dậy sau thời gian trầm lắng và chịu tác động của Covid-19.
Đại dịch Covid-19 đang tác động, khiến lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh. Ảnh: Đức Thanh
Đại dịch Covid-19 đang tác động, khiến lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh. Ảnh: Đức Thanh

“Đo nhiệt” thị trường bất động sản 2020

Covid-19 bùng phát khiến yêu cầu tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về chính sách quản lý nhà nước, thể chế, tín dụng… cho doanh nghiệp bất động sản càng trở nên cấp thiết.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản những năm gần đây nhìn chung phát triển khá ổn định, không có biến động lớn. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (2014 - 2018), trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, thị trường có xu hướng chững lại, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018.

Nguyên nhân cơ bản được Bộ Xây dựng chỉ ra là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ Xây dựng dự báo, thị trường bất động sản trong năm 2020 sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Covid-19 đang làm đảo lộn hoạt động của các công ty địa ốc, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và  Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phân tích, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản trong giai đoạn vừa qua được phân thành 2 nhóm chính, gồm: vướng mắc về thể chế, chính sách và vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện pháp luật.

Về thể chế, chính sách, vướng mắc chủ yếu là một số quy định về trình tự thủ tục đầu tư (chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư; đấu thầu dự án, đấu thầu quyền sử dụng đất...) còn chưa thống nhất giữa pháp luật về đầu tư, nhà ở và đất đai; các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng dự án còn rườm rà, gây mất thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn, có một số tình huống phát sinh, nhưng pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời, như các quy định về chế độ sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; quy chuẩn xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel, resort villa…

Đối với việc tổ chức thực hiện, một số địa phương rà soát thủ tục pháp lý của các dự án đang triển khai còn chậm, việc phối hợp triển khai thực hiện các thủ tục hành chính chưa thống nhất...

Gỡ khó để thúc đẩy thị trường

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc nêu trên, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Các bộ, ngành đã ban hành một số văn bản, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản mới (như chế độ sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền  với đất; quy chuẩn xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel, resort villa…).

Các nội dung đấu thầu dự án có sử dụng đất, trình tự thủ tục giao đất đối với dự án đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, việc lập danh mục các dự án đấu thầu… đã được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Các vướng mắc do không thống nhất trong quy định về thủ tục đầu tư cũng đang được nghiên cứu để thống nhất đưa vào một đầu mối theo Luật Đầu tư (sửa đổi). Các vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết về giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền có những cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như hoãn/giãn thời gian đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất vay ngân hàng... nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và bật dậy sau khi dịch bệnh được khống chế.

Liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản mới, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 về quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở; đầu năm 2020, có văn bản gửi sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở như condotel.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản