Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
AEC trở thành tâm điểm của ASEAN
Khánh An - 14/11/2014 08:39
 
() Các nhà lãnh đạo ASEAN đã có những thỏa thuận cấp cao về xây dựng tầm nhìn ASEAN sau năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon
Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25
Lộ tuyên bố bày tỏ lo ngại ở Biển Đông của Hội nghị ASEAN
Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn biển ASEAN

Đánh giá cao những hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN, song trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 diễn ra trong hai ngày 12 - 13/11/2014 tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ rõ quan điểm phải làm nhiều việc hơn nữa và liên kết cao hơn nữa trong thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

   
  Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, các nhà lãnh đạo đã có những thỏa thuận cấp cao về xây dựng tầm nhìn sau năm 2015. Ảnh: Đức Tám  

“Trước hết, mỗi quốc gia và cả khu vực đều phải nỗ lực thực hiện đúng thời hạn lộ trình xây dựng Cộng đồng. Cùng với việc đẩy mạnh chất lượng của gần 80% dòng hành động đã và đang được triển khai, ASEAN cần ưu tiên thực hiện 20% phần còn lại”, Thủ tướng Chính phủ phát biểu với các vị đồng cấp của ASEAN cùng với cam kết Việt Nam ủng hộ việc thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN làm văn kiện định hướng cho các hoạt động trong năm 2014.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015 nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Như vậy, AEC sẽ biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với 5 yếu tố cơ bản, gồm: chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề, chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư.

Theo đó, hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ từng bước bị xóa bỏ. Các nhà đầu tư ASEAN sẽ được tự do đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong khu vực. Các chuyên gia và lao động có tay nghề sẽ được luân chuyển tự do trong khu vực. Những thủ tục hải quan và thương mại khi đã được tiêu chuẩn hóa hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch.

Cho tới thời điểm này, mặc dù phần việc còn lại chỉ là 20%, song đây đều là những việc không dễ dàng. Nhìn vào tỷ lệ triển khai Lộ trình ASEAN (trụ cột chính trị - an ninh đạt 85%, kinh tế đạt 81% và văn hoá - xã hội đạt 97%), có thể thấy, các vấn đề liên quan đến kinh tế còn nhiều việc hơn cả.

Mới đây nhất, vào ngày 20/10/2014, theo thông cáo báo chí của Ban thư ký ASEAN, Hệ thống Quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa nội khối qua đường bộ sẽ được thí điểm tại Malaysia, Singapore và Thái Lan trước khi áp dụng chính thức. Tuy nhiên, thời gian để hoàn thành hệ thống này là 18 tháng kể từ bây giờ. Như vậy, phải đến sau tháng 10/2016, hiệu lực trên toàn khối của hệ thống này mới được phát huy.

Tính riêng Việt Nam, một trong 4 thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC, đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo Hiệp định ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Tuy nhiên, khoảng cách không nhỏ về trình độ phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ khiến quá trình thực hiện Cộng đồng ASEAN của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

AEC mở ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới

AEC mở ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới

Đặc biệt, việc kết nối và xây dựng một ASEAN thống nhất, bớt chia cắt hơn có thể biến ASEAN trở thành tâm điểm của những nguồn vốn lớn. Đây sẽ là thách thức không nhỏ với cộng đồng giới đầu tư - kinh doanh của khu vực, nhất là ở các thành viên có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN.

Phát biểu với các vị lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu xác định Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 phải là sự tiếp nối và phát huy các thành tựu đã đạt được trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009 - 2015.

“Sau khi trở thành Cộng đồng, ASEAN cần hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn trên cả ba trụ cột; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực, chủ động thúc đẩy và mở rộng liên kết ở khu vực Đông Á”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Đây cũng là quan điểm của các vị lãnh đạo các nước ASEAN. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Tổng thống Myanmar U Thein Sein cũng nhấn mạnh việc hướng tới giai đoạn phát triển mới sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào cuối 2015. Theo đó, ASEAN cần đề cao hơn nữa văn hóa thực thi, tuân thủ các nguyên tắc và quy định của ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối, duy trì đà tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, đồng đều, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác hiện có và cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Cũng trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tăng cường phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực, cũng như ứng phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra.

“ASEAN cần đẩy mạnh đối thoại xây dựng lòng tin, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung cũng như phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Thủ tướng khẳng định, ASEAN cần tiếp tục giữ vững đoàn kết và thống nhất, đề cao trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, góp phần bảo đảm tốt hơn môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn tiếp theo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư