Bài học từ dự án cáp treo Tây Thiên
Ngọc Anh - 31/05/2015 09:25
 
Sau 3 năm vận hành, Dự án cáp treo Tây Thiên đã góp phần thay đổi vùng rừng núi hoang vu thành điểm du lịch sầm uất với lượng khách tăng dần đều.
.
Khung cảnh dự án Cáp treo Tây Thiên giống như 1 khu resort cao cấp

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về khoản vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng cho Dự án cáp treo Tây Thiên, ông Lê Xuân Trường – Tổng giám đốc Công ty cho biết, việc đầu tư vào dự án này thực sự là một cơ duyên. Theo ông Trường, nếu ban đầu, nhìn vào lượng khách du lịch đến Tây Thiên, nhà đầu tư tính toán sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thu hồi vốn. Thực tế tại dự án này trước đó, cũng đã có những doanh nghiệp, nhà đầu tư khác đến Tây Thiên “đếm” khách và lặng lẽ rút lui. Tuy nhiên, khi đặt chân đến vùng đất này, sự hồn hậu của người dân và nguồn năng lượng mạnh mẽ của vùng đất khiến ông quyết tâm phải làm một điều gì đó có ít với vùng đất giàu truyền thống văn hóa – tâm linh nhưng cuộc sống vật chất của người dân lại gặp vô vàn khó khăn.

Cùng sẻ chia, cùng thành công

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc, dự án có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực di tích hay không, Tổng giám đốc Công ty Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng trả lời một cách khẳng khái: “- Có. Nhưng theo hướng tích cực”! Theo ông Trường, lẽ thông thường, khi đầu tư thực hiện dự án, đặc biệt là dự án cáp treo dẫn lên khu du lịch, nhà đầu tư sẽ mong muốn di dời các hộ dân trong tuyến đường dẫn lên khu di tích để tối đa hóa lượng khách hàng đi cáp treo. “Nhưng Lạc Hồng đã không chọn cách như vậy”!

Để có sự ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương, ngay từ đầu, khi đầu tư vào Dự án, Lạc Hồng đã cam kết sử dụng nguồn lao động tại địa phương. Đến thời điểm này, hàng chục lao động tại các xã Đại Đình, Tam Quan, Hợp Châu đã qua đào tạo và ký hợp đồng lao động dài hạn với công ty để vận hành dự án cáp treo. Công ty cũng khuyến khích các hộ dân trong khu vực vào kinh doanh dịch vụ tại dự án bằng việc xây dựng các kios bán hàng trên đường lên nhà ga cáp treo và cho người dân thuê lại với mức giá “tượng trưng” 500.000 đồng/tháng để giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp trong vùng và các mặt hàng lưu niệm. Trong cả quá trình xây dựng, chỉ có đúng 1 hộ dân bị ảnh hưởng đến đất sản xuất và được đền bù thỏa đáng.

.
Ấn tượng đặc biệt của khu di tích là sự ngăn nắp, sạch sẽ và dịch vụ chu đáo.

Thay vì lấy đi khách hàng của những người dân bao đời nay sống dựa vào việc bán hàng trong khu di tích, Dự án mang lại sản phẩm du lịch mới, thêm trải nghiệm cho khách hành hương, cùng với những trải nghiệm mà họ đã có trong quá khứ. Có người chọn cách đi lên bằng cáp treo, đi xuống bằng đường bộ và ngược lại để có điều kiện ngắm cảnh núi rừng Tây Thiên huyền ảo trong khi vẫn được leo đèo, lội suối. Theo ông Trường, lượng khách trung bình đến Tây Thiên khoảng 50.000 người/tháng, chỉ có từ 12.000 đến 15.000 khách đi cáp treo.

Doanh nghiệp cũng đặt ra mức giá dịch vụ “vừa đủ” để khách hàng phải suy nghĩ khi lựa chọn dịch vụ cáp treo. “Đó là cách nhà đầu tư và người dân cùng chia sẻ khách hàng, không triệt tiêu lợi ích của nhau. Muốn chắc chắn, nhà báo hãy hỏi người dân xung quanh – ông Trường hóm hỉnh”!

Chị Nguyễn Thị Mậu, thôn Đền Thoỏng, xã Đại Đình, chủ một kios bán hàng trong khu di tích cho biết, từ khi có dự án, công việc bán hàng của chị cũng ổn định hơn do lượng khách du lịch hành hương quanh năm thay vì chỉ có mùa lễ hội như trước kia. Người dân trong thôn cũng không còn phải vào rừng săn bắn, chặt củi như trước. “Cuộc sống dễ dàng hơn”, chị Mậu vui vẻ nói.

Tôn trọng tự nhiên

Rảo bước trên tuyến đường dẫn lên nhà ga cáp treo Tây Thiên với hoa cỏ ngâp tràn lối đi, câu chuyện mà ông Trường say sưa nhất khi nói đến là trong suốt quá trình thực hiện dự án, đã không có 1 cây cổ thụ, một tán rừng nguyên sinh nào bị đốn hạ. Thậm chí, khi thi công tuyến cáp vướng phải một cây đa, ông Trường đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng. Sau khi bàn bạc, trao đổi với đơn vị tư vấn, chủ đầu tư đã quyết định thay đổi thiết kế dự án, mua thêm vật tư, nâng cao đường cáp để không ảnh hưởng đến cây rừng. “Rừng có trước mình, phải mất hàng trăm năm mới có được những cây cổ thụ rợp bóng. Mình sống, cây cũng phải sống – mà phải sống dựa vào bóng cây chứ(?)”, ông Trường triết lý.

.
Đường cáp treo đi qua rừng nguyên sinh với k hung cảnh hùng vĩ.

Trong quá trình thực hiện Dự án, Công ty cũng đầu tư, nâng cấp lại toàn bộ hệ thống đường giao thông trong khu di tích và nhận luôn nhiệm vụ dọn vệ sinh cho cả khu di tích. Thế nên, hiếm có khu di tích nào sạch và đẹp như Tây Thiên. Chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch khi đến Tây Thiên đã phát biểu cảm tưởng rằng, như đang dạo chơi trong 1 khu resort cao cấp nào đó. Nhẹ nhàng, thanh tịnh và trong lành.

Chính nhờ sự tôn trọng tự nhiên và con người Tây Thiên, Dự án cáp treo Tây Thiên sau 3 năm đi vào vận hành đã mang lại doanh thu trung bình khoảng 70 tỷ đồng/năm. Và quan trọng hơn, dự án đã góp phần biến vùng rừng núi hoang vu thành điểm du lịch sầm uất với lượng khách tăng dần đều. Thay vì mất hàng chục năm, chủ đầu tư dự kiến dự án sẽ thu hồi vốn trong khoảng thời gian 7 – 8 năm đổ lại. Và câu chuyện sẻ chia lợi ích của nhà đầu tư với người dân tại Dự án này mới thực sự là bài toán đầu tư khôn ngoan.

Khu danh thắng Tây Thiên quy mô khoảng 160 ha, bao gồm: Khu di tích Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu; Khu nhà dịch vụ, nhà Ban quản lý khu vực Đền Thượng; Hệ thống điện chiếu sáng, đèn chiếu sáng, đèn trang trí; Đường trục chính và hạ tầng Khu di tích danh thắng Tây Thiên; hệ thống cáp treo Tây Thiên; khu dịch vụ, nhà khách và bến xe điện; Đại Bảo tháp; chùa Phù Nghì, Chùa Báng... Tháng 4/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khánh thành giai đoạn I Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên trong sự hân hoan của phật tử, du khách và người dân địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản