Câu chuyện về ngôi nhà mặt tiền
Nhà mặt tiền thời nào cũng có giá. Và cứ mua là được. Người ta đã tính nếu thất nghiệp, thì cứ tậu xe bánh mỳ bán ngay trước cửa nhà cũng sống khỏe qua ngày. Nhưng nhà mặt tiền còn chứa đựng trong nó nhiều câu chuyện khác nữa.

1.

Mấy ngày nay, tôi thường nhận được điện thoại rủ đi cà phê của cô bạn từ thời niên thiếu. Vợ chồng cô từ Hà Nội vào định cư TP. HCM mới chừng 10 năm. Vì công việc làm ăn thuận lợi nên chỉ trong thời gian đó, cặp vợ chồng may mắn này đã sở hữu trong tay khá nhiều tài sản.

Nổi trội nhất là 6.000 m2 đất tại quận Thủ Đức có vị trí đắc địa ven sông Sài Gòn và căn nhà mặt tiền rộng lớn trên con đường ngay trung tâm quận 3. Vài căn hộ khác rải rác nằm tại quận 2, quận 9 hiện đang cho thuê với giá tốt. Cuộc sống của họ diễn ra suôn sẻ và bình an thời gian đầu với sự xuất hiện của 2 con, đủ trai lẫn gái.

Nhưng thói đời “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, nên anh chồng một thời gian sau có bồ nhí. Màn đánh ghen sai lầm của cô bạn tôi khiến anh chồng mất mặt tại nơi làm việc. Hôn nhân rã đám. Cả hai đưa nhau ra tòa ly dị sau hơn 2 năm chỉ tập trung cãi lộn và hờn ghen bực tức.

Ly hôn rồi, quan trọng tiếp theo là phần chia tài sản. Đám đất có trị giá mấy chục tỷ ở Thủ Đức được ông bà nội ngoại hai bên “đạo diễn”, nên cặp đôi ký giấy cho các con. Còn căn nhà mặt tiền và các căn hộ thì sẽ bán hoặc chia ra để mỗi bên mua nhà mới, tiện công việc làm ăn riêng. Trong khi chờ bán nhà, họ vẫn ở chung trong nhà cũ, mỗi người mỗi phòng.

Tưởng như mọi thứ cũng ổn ổn, nhưng cả năm nay đã chia tay rồi mà vẫn thấy họ chung nhà và cãi nhau giống hệt lúc chưa chia tay. Hóa ra vì căn nhà mặt tiền có giá trị lớn, nên mãi chưa gặp được khách hàng như ý. Bán đổ bán tháo đi thì tất nhiên người trong cuộc không đồng ý. Nhưng bán nhà theo giá thị trường, cũng không dễ ngày một ngày hai. Hơn thế, vì “ông chẳng bà chuộc”, nên khách tới coi nhà là thấy có “chuyện gì đó bất hòa”, cũng không thích xuống tiền.

Trong khi đó, việc bán mấy căn hộ thì dễ dàng hơn 1 chút vì giá tiền thấp. Những người đang thuê cũng ngỏ ý muốn mua luôn để ở vì đã sống quen. Việc “gút mắc” khó giải quyết vẫn nằm ở căn nhà mặt tiền quá xịn. Cặp vợ chồng đã hoàn tất ly hôn này, nhìn vào thực tế thì chỉ chia tay trên giấy tờ. Vì sống chung nhà mà vẫn chung bếp, quần áo giặt chung, người giúp việc chăm sóc cặp đôi khi ốm bệnh. Và việc đánh cãi nhau vẫn như cũ, bởi “nhìn thấy nhau là ngứa mắt rồi”.

Tôi khuyên, thôi nếu không bán được nhà, thì nên kết hôn lại cho con cái đỡ phải sống ly tán ba hoặc mẹ. Nhưng bạn tôi nằng nặc chẳng đồng ý, vì đã hết tình hết nghĩa rồi. Phải bán nhà bằng được, rồi mạnh ai nấy đi mà thôi.

2.

Ở phía cá nhân, tôi khoái nhà mặt tiền không giấu diếm. Lớn tuổi rồi, nhà biệt thự rộng rãi quá cũng sợ. Căn hộ chung cư cao cấp rất hay, nhưng ở phía xung quanh gần nhà cũ thì không có căn hộ nào ưng ý. Nhìn xung quanh, cô hàng xóm cho thuê 1 trệt 1 lầu được 13 triệu đồng/tháng - vợ chồng cô và cậu con trai ở 2 tầng lầu trên cùng - cũng đủ thu để chi phí ăn uống sinh hoạt cả nhà. Nhìn sang bên cạnh nữa, chỉ cho thuê tầng trệt cũng có 9 triệu đồng/tháng - lại có người coi nhà cửa, không có ai tới trước cửa nhà ăn vạ, phá phách. Chẳng phải ổn lắm hay sao…

Trong một lần đi cà phê với các anh em làm môi giới bất động sản, mọi người trò chuyện rất xôm về việc ở nhà mặt tiền, chung cư, hay biệt thự. Mỗi loại hình đều có cái hay riêng, cái hạn chế riêng. Không vì “thầy bói xem voi” mà khẳng định sự bao quát tất cả là tuyệt nhất hay tệ nhất. Phù hợp hoàn cảnh gia đình và phong cách riêng, mới chính là câu chuyện cần bàn.

Ở khía cạnh tâm lý xã hội, tôn trọng sự khác biệt mới chính là văn minh. Và ở ngay trong sự hoàn hảo nhất, vẫn có những vết xước. Nhiều câu chuyện khác bên trong nhà mặt tiền, chắc chắn sẽ có dịp hầu tiếp bạn đọc, ở những lần trà dư tửu hậu tiếp theo…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản