Chính quyền đô thị hai cấp: Cơ hội mới cho nhà đầu tư bất động sản quốc tế
Việt Dũng - 02/07/2025 16:31
 
Mô hình chính quyền đô thị hai cấp là bước cải cách hành chính được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt trong công tác quy hoạch, cấp phép đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Tăng tốc thủ tục triển khai dự án

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về sự thay đổi này, bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Toàn quốc Dịch vụ Định giá & Tư vấn, Savills Việt Nam cho biết, mô hình mới sẽ tạo ra những chuyển biến rõ rệt, không chỉ ở tiến độ thực hiện dự án mà còn ở chất lượng điều hành, mức độ minh bạch và sức hấp dẫn đầu tư của từng địa phương.

“Mô hình hai cấp mang đến cơ chế phân quyền sâu hơn cho chính quyền cấp tỉnh, qua đó giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính như cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch”, bà Giang nhận định.

sadasdsa
Bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Toàn quốc Dịch vụ Định giá & Tư vấn, Savills Việt Nam.

Theo đại diện Savills, mô hình mới kỳ vọng sẽ tạo ra một quy trình hành chính tinh gọn, minh bạch và linh hoạt hơn, đặc biệt khi được hỗ trợ bởi hệ thống “một cửa”, nền tảng số và đội ngũ chuyên môn tại chỗ.

Kết quả là tiến độ triển khai dự án có thể được xác lập rõ ràng hơn, giúp nhà đầu tư kiểm soát chi phí, tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro pháp lý phát sinh từ các thủ tục kéo dài.

Gia tăng tính minh bạch

Một trong những lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài khi bước vào thị trường bất động sản Việt Nam là tính ổn định và minh bạch của khung pháp lý. Bà Giang cho rằng, việc hợp nhất thẩm quyền ra quyết định tại cấp tỉnh sẽ giúp khắc phục tình trạng “mỗi nơi hiểu một cách”, từ đó củng cố nền tảng pháp lý nhất quán, rõ ràng hơn.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống cấp phép điện tử, sẽ giảm dư địa cho các can thiệp mang tính chủ quan, nâng cao tính công khai trong tiếp cận thông tin.

“Đây là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiến gần hơn đến chuẩn mực quốc tế về minh bạch thị trường, đồng thời tạo dựng lòng tin cho dòng vốn đầu tư dài hạn”, bà Giang nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, với mô hình mới, chính quyền cấp tỉnh có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc thiết kế chính sách ưu đãi thuế, đất đai và phát triển hạ tầng nhằm thu hút nhà đầu tư. Sự phân quyền này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các địa phương, một tín hiệu tích cực cho sự năng động của nền kinh tế, nhưng cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải có chiến lược chọn điểm đến một cách bài bản hơn.

Theo bà Giang, các doanh nghiệp bất động sản quốc tế sẽ cần phân tích sâu hơn năng lực từng địa phương dựa trên những chỉ số như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), quy hoạch hạ tầng và chiến lược phát triển vùng. Sự hình thành các hành lang kinh tế chuyên biệt như khu công nghệ cao, logistics sẽ trở thành yếu tố then chốt trong quyết định lựa chọn điểm đến đầu tư.

Nền tảng dài hạn cho phát triển bền vững

Không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn về cải cách hành chính, mô hình chính quyền hai cấp được đánh giá có triển vọng tích cực về dài hạn trong việc nâng cao hiệu quả quy hoạch đô thị và cải cách hành chính.

Việc trao thêm quyền cho chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy cách tiếp cận từ dưới lên, phù hợp với bối cảnh đặc thù của từng khu vực. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững và đồng bộ hơn, thể hiện qua một số sáng kiến quy hoạch gần đây tại TP.HCM, nơi định hướng rõ ràng cho hạ tầng và tăng trưởng kinh tế.

Cải cách này cũng tạo điều kiện để các đô thị lồng ghép các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào chiến lược phát triển, từ đó thúc đẩy xu hướng xây dựng xanh, ứng dụng công nghệ đô thị thông minh và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các địa phương có định hướng quản trị tiên tiến như Đà Nẵng được xem là hình mẫu tiềm năng cho quá trình đô thị hóa toàn diện và bền vững trong khuôn khổ mô hình mới.

Theo bà Giang, để mô hình chính quyền đô thị hai cấp thật sự trở thành đòn bẩy cho thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại, cần đảm bảo đồng bộ nhiều yếu tố. Có thể kể đến như cần có hướng dẫn rõ ràng, nhất quán từ Trung ương để tránh chồng chéo giữa các địa phương.

Đào tạo đội ngũ chuyên môn địa phương về quy hoạch, quản lý đầu tư là điều kiện tiên quyết. Tiếp tục cập nhật các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng với các thủ tục rút gọn để tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tiếp đến là đầu tư đồng bộ vào giao thông, logistics và hạ tầng kỹ thuật giúp tăng kết nối và mở rộng không gian đô thị. Thiết lập kênh trao đổi thường xuyên giữa chính quyền và nhà đầu tư để tăng tính minh bạch, giải quyết nhanh vướng mắc và tăng cường sự tin cậy.

“Tổng hòa các yếu tố này sẽ góp phần nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư bất động sản quốc tế, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang mô hình quản trị mới diễn ra suôn sẻ hơn”, bà Giang chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản