Chủ đầu tư công trình thờ ơ với vật liệu xây dựng không nung: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần gia tăng chế tài với các chủ đầu tư công trình bắt buộc nhưng không sử dụng vật liệu không nung. Tuy nhiên, việc không tìm được chỗ đứng trên thị trường đa phần do chính bản thân loại vật liệu này.
Vật liệu không nung là xu hướng tất yếu nhưng cần tăng chất lượng và sự tiện lợi
Vật liệu không nung là xu hướng tất yếu nhưng cần tăng chất lượng và sự tiện lợi

Tự trách mình

Sự thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng gạch không nung là điều đã được thừa nhận khi việc sản xuất các sản phẩm này không sinh ra chất gây ô nhiêm, không tạo ra chất thải độc hại và tiêu thụ năng lượng ít.

Nhận thấy những ưu điểm và xu thế tất yếu về phát triển các công trình, vật liệu xanh, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg và một số nghị định, văn bản hướng dẫn về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020.

Trong đó, có nhiều ưu đãi về vốn, lãi suất cho các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Thậm chí, yêu cầu các công trình xây dựng phải sử dụng một tỷ lệ nhất định vật liệu xây dựng không nung, riêng với một số công trình đầu tư bằng vốn đầu tư công bắt buộc phải sử dụng loại vật liệu này.

Cụ thể, từ năm 2015, các công trình từ 9 tầng trở lên phải xây bằng 50% vật liệu xây không nung trở lên (tính theo thể tích khối xây).

Hơn nữa, nguồn nguyên vật liệu chính để sản xuất gạch không nung là tro, xỉ, thạch cao, đá, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng… hiện nay rất dồi dào, phù hợp để phát triển loại vật liệu xây dựng không nung.

Thế nhưng, cho tới giờ, loại vật liệu xây dựng mới này vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường khi không thể cạnh tranh nổi với những sản phẩm vật liệu đất nung truyền thống. Các nhà máy, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng không nung thi nhau mọc lên ở các địa phương nhằm đón đầu xu thế, nhưng đã nhanh chóng "gãy cánh" chỉ sau vài năm.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản dọc tuyến Quốc lộ 21B qua Hòa Lạc, Xuân Mai, không quá khó để thấy rất nhiều nhà máy, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng không nung đóng cửa, dây chuyền sản xuất bỏ không.

Tại Hội thảo khởi động chuẩn bị cho Diễn đàn doanh nghiệp vật liệu xây dựng (BMF2019) diễn ra giữa tháng 8/2019, khi nói về thực trạng đáng buồn này, ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trên làm để chạy đua theo chính sách, chứ không phải vì tương lai của ngành vật liệu xây dựng. 

"Các doanh nghiệp này chỉ biết đầu tư mà không nghiên cứu, không khảo sát, đánh giá thị trường và đặc biệt không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thiết bị công nghệ thì sao chép, học mót. Trong khi cơ chế giám sát đầu ra của cơ quan quản lý gần như không có. Như vậy, thử hỏi làm sao mà tồn tại được", ông Nga nhấn mạnh và cho biết, hệ quả là vật liệu xây dựng không nung ngay khi còn bỡ ngỡ ra thị trường đã tạo ấn tượng xấu trong mắt khách hàng.

Theo ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CotecCons, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường là tiêu chí hàng đầu của đơn vị, nhưng thân thiện cũng phải đi cùng tiện ích và hiệu quả. Một số loại gạch không nung đưa vào xây thí nghiệm bị nứt, chỉ có 1 - 2 loại được dùng, chủ yếu là cho các vách ngăn.

“Không phải nhà sản xuất tìm kiếm mình, mà chính mình đang phải tìm kiếm loại gạch phù hợp”, ông Dương cho biết.

Ngoài điểm yếu về chất lượng “vàng thau lẫn lộn”, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, gạch không nung còn bị “mất điểm” về chi phí xây dựng.

Theo tính toán, việc đưa gạch không nung vào tiết kiệm được từ 10 - 25% tổng mức dự toán công trình, nhưng các chủ đầu tư cho rằng, đây là cách tính hết sức khiên cưỡng. Cụ thể, dù được đánh giá là dễ dàng trong xây dựng, sử dụng ít nhân công, nhưng trên thực tế, việc sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng công trình không đơn giản.

Chẳng hạn, chi phí hệ số nhân công cho công trình sử dụng gạch không nung là 3,5/7 so với định mức thông thường. Tuy nhiên, loại vật liệu này thường lớn hơn nhiều gạch nung truyền thống, nên để thi công gạch không nung, người thợ không thể một tay bê cả hòn gạch to (có những loại gạch bằng 4 - 8 lần viên gạch đỏ), mà ít nhất phải có 2 người, rồi nhiều loại phải có con vít để cố định viên gạch, sau khi xây xong còn phải tháo vít… Tính ra, nhân công còn tốn hơn cả xây gạch đỏ.

Chưa kể, khi thi công với gạch đỏ, chỉ cần dùng dao xây chặt nhẹ, chia nhỏ viên gạch để khớp nối giữa các viên gạch, to nhỏ tùy ý, xử lý linh động, còn gạch xây không nung phải dùng máy cắt.

Cần tăng cường công tác giám sát

Gạch không nung trên thị trường Việt Nam có nhiều loại, bao gồm bê tông khí chưng áp (AAC), bê tông bọt khí và xi măng cốt liệu, nhưng nhà sản xuất cũng chưa đưa ra được khuyến cáo cụ thể loại gạch nào dùng cho công trình nào, dùng xây vách ngăn hay tường chính, tường rào…

Chẳng hạn, tại Bến Tre, khi địa phương này thực hiện chủ trương sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, một số công trình sử dụng gạch không nung tại địa phương này đã bị nứt tường. Khi gặp sự cố, tỉnh Bến Tre đã có văn bản xin được hoãn dùng gạch không nung với lý do “chưa quen sử dụng”. Sự cố này sau đó được xác định là do dùng gạch không đúng quy cách, chứ không phải gạch không đạt chất lượng.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn vật liệu xây dựng, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, để vật liệu xây dựng không nung đi vào cuộc sống thì phải phân loại gạch không nung, chứ không thể nói chung chung là vật liệu xây dựng không nung, loại nào dùng cho công trình nào, ở đâu...

Ngoài điểm yếu về chất lượng “vàng thau lẫn lộn”, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, gạch không nung còn bị “mất điểm” về chi phí xây dựng.

“Phải tìm hiểu, phân tích thị trường để phân loại đối tượng sử dụng là những ai. Chẳng hạn, gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, bê tông bọt khí… phải phân loại ra, vì viên gạch không phải là viên chịu lực thì làm sao bắt nó phải chịu lực, dùng sai nó hỏng là chuyện đương nhiên. Khi thiết kế phải sử dụng chúng đúng chức năng, mục đích. Bản chất của gạch AAC là xốp, cách nhiệt thì phải dùng chúng đúng với chức năng đó”, ông Chánh phân tích.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân cho rằng, tương lai của vật liệu xây dựng không nung vẫn rất tiềm năng và hiện có nhiều doanh nghiệp đang sản xuất loại vật liệu này.

Theo ông Long, hiện các tiêu chuẩn và các hướng dẫn sử dụng gạch không nung đã có tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cơ chế giám sát, kiểm soát chất lượng không được đảm bảo khi cơ quan quản lý gần như bỏ ngỏ. Hệ quả là tình trạng “vàng thau lẫn lộn” về chất lượng sản phẩm, khiến người tiêu dùng mất niềm tin và ảnh hưởng tới cả những nhà sản xuất chân chính.

Ngoài ra, thực tế triển khai, các cơ chế ưu đãi cũng không được đảm bảo đúng theo những cam kết, dẫn đến việc cạnh tranh của các sản phẩm không nung đạt tiêu chuẩn khó khăn hơn nhiều so với vật liệu xây dựng truyền thống.

“Biên lợi nhuận của một viên gạch không nung thấp hơn rất nhiều so với biên lợi nhuận của gạch nung truyền thống” ông Long nói và cho biết, điều này dẫn đến nhiệt huyết với việc sản xuất gạch không nung của nhiều doanh nghiệp giảm đi khá nhiều.

Còn theo ông Lê Hoài An, Tổng giám đốc Công ty Gạch Khang Minh, xu hướng phát triển đô thị thông minh, công trình xanh đang được chú trọng chính là thời cơ cho các vật liệu xây dựng xanh phát triển. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tăng cường cơ chế giám sát, cũng như công tác tuyên truyền, thì sẽ ngày càng khó để đưa loại vật liệu này tới tay người tiêu dùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản