Bất động sản TP.HCM: Quá nhiều điểm đen gây tắc nghẽn thị trường
Gia Huy - 09/01/2019 10:11
 
Dấu hiệu giảm sút nguồn cung, lệch pha cung cầu và những điểm nghẽn của thị trường bất động sản TP.HCM cần có ngay những giải pháp tháo gỡ.

Dấu hiệu sụt giảm

Năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm rõ nét cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Cụ thể, trong năm qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận 77 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn nhà (27.166 căn hộ và khoảng 1.200 căn nhà thấp tầng) có tổng giá trị huy động vốn đạt 49.277 tỷ đồng.

Như vậy, số lượng dự án bất động sản tại TP.HCM năm 2018 giảm 13% so với năm 2017, tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm đến 34,1%, trong đó, phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh nhất (44,1%).

Cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối, lệch pha cung - cầu, chưa đảm bảo phục vụ mục tiêu an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 24,7%, trong khi đó, phân khúc cao cấp chiếm khoảng 1/3 thị trường (tỷ lệ 30%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung. Đây là điều mà các chủ đầu tư cần hết sức lưu ý để điều chỉnh kế hoạch đầu tư và kinh doanh phù hợp.

Cũng trong năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM xuất hiện 2 đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Vụ cháy tại tầng hầm chung cư Carina Plaza đã tác động rất lớn đến thị trường bất động sản trong phân khúc chung cư.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), có 7 điểm nghẽn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2018, bao gồm các điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), tín dụng và thủ tục hành chính. Những điểm nghẽn này đã gây cản trở doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, các dự án thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công - tư…

Hiến kế khơi thông thị trường

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRE, để khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2019, trước hết, cần tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng của các dự án đang bồi thường dở dang. Bên cạnh đó, ông Châu hiến kế, doanh nghiệp và chính quyền cần nghiên cứu chứng khoán hóa bất động sản theo mô hình mã hóa bất động sản áp dụng công nghệ blockchain và sử dụng mã Token (chữ ký số dạng mã OTP).

Từ góc độ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, TP.HCM phải tháo bỏ ngay điểm nghẽn về thủ tục hành chính để tạo hanh thông trong đầu tư, tạo đà cho thị trường bất động sản TP.HCM phát triển. Đặc biệt, theo ông Nam, thời gian qua, đã có hiện tượng nhiều dự án bất động sản của các nhà đầu tư trong nước không được hoặc chậm được phê duyệt, cấp phép do “vừa làm, vừa nghe” hoặc đẩy lên cấp trên, làm chậm thời gian triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Đại diện doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông cho biết, các doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó khăn trong việc được công nhận là chủ đầu tư dự án. Cụ thể, để được công nhận là chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp phải có 100% đất ở hợp pháp. Vì vậy, Thành phố cần có phân loại cụ thể, ví dụ, dự án có 100% “đất ở” do doanh nghiệp đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thì giao Sở Xây dựng thụ lý, xem xét công nhận chủ đầu tư dự án cho doanh nghiệp; dự án chưa phải là 100% “đất ở” thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thụ lý, xem xét công nhận chủ đầu tư; nếu dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, theo các chuyên gia bất động sản, TP.HCM cần có những động thái tích cực hơn trong việc cấp phép dự án mới; tập trung xử lý, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và chủ động kiến nghị để tháo gỡ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

“Từ năm 2017 tới nay, khi thị trường bất động sản gặp khó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng ra các tỉnh ngoài TP.HCM để phát triển dự án. Nếu tình trạng này tiếp tục trong năm 2019, TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều tới nguồn thu”, ông Châu nói.

Chứng khoán hóa bất động sản - mô hình đầu tư mới và triển vọng

Chứng khoán hóa bất động sản theo mô hình mã hóa bất động sản áp dụng công nghệ Blockchain và sử dụng mã Token (chữ ký số dạng mã OTP) là mô hình đầu tư bất động sản rất mới, có phương thức hoạt động tương đồng với quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), áp dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực bất động sản, mở ra tiền tệ mã hóa tài sản là bất động sản thực tế cho những người mà trước đây không thể đầu tư do hạn chế về địa lý hay nguồn tài chính ít ỏi.

Đây cũng là giải pháp bổ sung và có triển vọng thay thế cho các phương pháp đầu tư bất động sản truyền thống đã dần lỗi thời trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ tin học, cụ thể là công nghệ blockchain.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản