Công trình sát biển tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm tương lai của đô thị biển
Hoàng Anh - 03/08/2022 20:25
 
Sự phát triển ồ ạt dự án bất động sản, cho phép xây dựng các công trình sát biển, tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị biển.

Lo ngại xu hướng tư nhân hóa bãi biển

Chiều ngày 3/8, tại Quảng Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.

Phát biểu tại hội thảo này, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã chỉ ra nhiều bất cập trong quy hoạch đô thị ven biển.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, tại khu vực ven biển, việc Quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển;

Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai. Phần lớn các quy hoạch cụ thể ở không gian “mặt tiền” này được thực hiện dựa trên tư duy quy hoạch đô thị biển chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.

KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
KTS. Trần Ngọc Chính,  Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường.

Ông Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, với trục đường ven biển chạy song song đường bờ biển để “phân lô”, phát triển thành “hành lang” các khu du lịch nghỉ dưỡng biển liền kề, đã làm giảm hiệu ứng “đóng - mở” đối với cảnh quan biển khi khách du lịch trải nghiệm cảnh quan đô thị và cảnh quan biển.

Việc đầu tư vào các đô thị biển thành đô thị nghỉ dưỡng tại nhiều khu vực ven biển đã đánh mất đi rất nhiều vẻ đẹp lợi thế.

Hơn thế, sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng... án ngữ tầm nhìn còn tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị.

Vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển đô thị ven biển.
Vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển đô thị ven biển.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các vùng biển, vùng ven biển còn yếu kém, đầu tư manh mún và dàn trải, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, khó tạo đột phá.

Các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ, chưa hình thành hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Hầu như địa phương ven biển nào cũng quy hoạch cảng biển, nhưng thiếu kinh phí xây dựng, nhiều công trình đầu tư dở dang.

Không những thế, việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển và thực hiện theo quy chế chưa nghiêm túc.

Thực tế, đã có nhiều dự án chậm hoặc không triển khai được do vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch đô thị và đời sống của người dân ở địa phương, đặc biệt là các đô thị du lịch ven biển…

Quy hoạch bảo đảm lợi ích hài hòa

Đề xuất các giải pháp để quy hoạch đô thị ven biển phát triển bền vững, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.

Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường…

Các địa phương cần lập quy hoạch vùng ven biển.
Các địa phương cần lập quy hoạch vùng ven biển.

Đối với các địa phương, ông Trần Ngọc Chính đề xuất cần kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng.

Ban hành Quy chế Quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Hiện nay, Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Các đô thị biển của Việt Nam mới phát triển tập trung ở dải ven biển như TP. Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu....

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản