Đà Nẵng thiếu quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn
Ngọc Tân - 11/01/2016 09:11
 
Tại Đà Nẵng, ngành du lịch tăng trưởng ấn tượng nhiều năm liền đã kéo theo việc hàng trăm cơ sở lưu trú, các khách sạn lớn nhỏ mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Tính đến tháng 6/2015, toàn Thành phố có 478 khách sạn với 17.671 phòng, trong đó có 385 khách sạn thuộc phân khúc dưới 3 sao với 8.393 phòng.
.
Nhiều khách sạn có quy mô 1 - 3 sao tại Đà Nẵng đang kinh doanh kém hiệu quả

Tuy nhiên, trong khi các khách sạn 4 - 5 sao vẫn sống khỏe, thì các khách sạn dưới 3 sao tại đang phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Điều đáng nói là, mặc dù đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng khuyến cáo, nhưng các khách sạn 1 - 3 sao vẫn đang ồ ạt mọc lên.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, vừa qua, Sở đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội công bố kết quả một cuộc khảo sát đối với 526 cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố. Kết quả công bố từ cuộc khảo sát cho thấy, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhóm dưới 3 sao trong vòng 3 năm trở lại đây có số lượng tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, khách sạn 1 sao tăng từ con số 189 (năm 2012) lên 242 (năm 2014), khách sạn 2 sao tăng từ con số 85 (năm 2012) lên 122 (năm 2014).

Khu vực nằm gần các tuyến đường ven biển Đà Nẵng như Nguyễn Sinh Sắc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Ngô Quyền, Hoàng Kế Viêm, Đỗ Bá, Phan Tôn, An Thượng… là những nơi các cơ sở lưu trú, khách sạn dưới 3 sao mọc lên nhiều nhất. Mặc dù số lượng tăng nhanh, nhưng công suất hoạt động buồng phòng của nhóm khách sạn dưới 3 sao lại giảm đi so với trước đây. Trong khi đó, nhóm khách sạn 4 - 5 sao tăng đều so với trước.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, đối với khách sạn có quy mô 1 - 3 sao tại Đà Nẵng, hầu hết chủ đầu tư xây dựng một cách tự phát, thiếu thông tin thị trường, thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh. Do vậy, một số khách sạn mới đưa vào hoạt động bị hạn chế về thiết kế và công năng sử dụng, không đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định về cơ sở vật chất trang thiết bị, số lượng dịch vụ, các tiện ích phục vụ, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Trước những hiện tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần có quy hoạch tổng thể chi tiết, định hướng phát triển các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Trong đó, xác định rõ loại hình cơ sở lưu trú cần ưu tiên phát triển, xác định loại hình cơ sở lưu trú phù hợp với từng địa bàn quận, hạn chế xây dựng cơ sở lưu trú quy mô nhỏ dưới 20 phòng nhằm giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở đang khảo sát, ghi nhận thực tế tình hình hoạt động của các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn. UBND Thành phố cũng đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng và các ngành liên quan tiến hành khảo sát để đưa ra phương án quy hoạch tổng thể, chi tiết khu vực có thể cấp phép xây dựng khách sạn, cũng như tìm phương hướng phát triển phù hợp.

“Sở đã phát đi cảnh báo các tổ chức, cá nhân có ý định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn phải tính toán kỹ trước khi đầu tư xây dựng”, ông Cường cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản