Đề xuất phạt 160 triệu đồng nếu kinh doanh bất động sản nhưng không lập doanh nghiệp
Thanh Vũ - 17/07/2024 17:06
 
Các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang được quan tâm nhiều hơn, nhất là khi những tiêu chí xác định đơn vị quy mô nhỏ vẫn chưa được công bố chính thức.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Theo đó, tại Điều 60 trong dự thảo, quy định đề xuất phạt tiền từ 120 - 160 triệu đồng đối với việc kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định. Mức xử phạt hiện hành cho lỗi vi phạm này đang tối đa là 120 triệu đồng.

Việc nâng mức xử phạt là một nỗ lực giúp thanh lọc và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Ảnh: Dũng Minh


Ngoài ra, mức xử phạt trên cũng được áp dụng đối với trường hợp sàn giao dịch bất động sản ký hợp đồng với môi giới viên không đủ điều kiện hoạt động; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc nhưng không có cá nhân nào có chứng chỉ môi giới; sàn giao dịch niêm yết, cung cấp thông tin không đúng; sàn hoạt động không có giấy phép…

Bên cạnh các quy định trên, Bộ cũng đề xuất xử phạt nhiều trường hợp khác đối với chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng bất động sản… Độc giả có thể tìm hiểu toàn bộ dự thảo tại đường link này và đóng góp ý kiến qua hộp thư [email protected] hoặc gửi văn bản tới cơ quan của Thanh tra Bộ Xây dựng trước ngày 12/9/2024.

Các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc đang được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là khi các tiêu chí xác định đơn vị quy mô nhỏ vẫn chưa được công bố chính thức. 

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2024, Bộ Xây dựng đang đề xuất tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng và có số lần bán, chuyển nhượng không quá 10 lần một năm.

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, phiên bản dự thảo hiện nay có tính khoa học, khả thi. Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục cho phương án này, Bộ Xây dựng cần cung cấp luận chứng, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để đưa ra định lượng con số 300 tỷ đồng và 10 lần giao dịch trong một năm.

“Một vấn đề quan trọng cũng cần trả lời thỏa đáng là cơ chế bảo đảm thực hiện quy định của Nghị định. Cụ thể, làm thế nào để kiểm soát được và ‘tuýt còi’ các cá nhân kinh doanh bất động sản vượt hạn mức quy mô nhỏ? Chế tài áp dụng là gì? Và nếu một cá nhân cố tình mua, bán bất động sản vượt hạn mức quy mô nhỏ thì các giao dịch vượt hạn mức có vô hiệu không?”, ông Đỉnh bình luận.

Vấn đề trên đã được đề cập trong cuộc họp mới đây của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Theo đó, các đại biểu đã thống nhất quy định về cá nhân kinh doanh địa ốc quy mô nhỏ; không nhằm mục đích kinh doanh và dưới mức quy mô nhỏ theo các tiêu chí về giá trị hợp đồng, số lần bán, chuyển nhượng bất động sản trong một năm. 

Hiện thông tin cụ thể về quy định trên chưa được công bố, Báo Đầu tư sẽ liên tục cập nhật các tin tức liên quan trong thời gian sớm nhất.

Còn về việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc nói chung, Luật kinh doanh bất động sản mới đã có nhiều cơ chế giúp việc mở công ty trở nên dễ dàng hơn. 

Ví dụ, trong Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, nếu tổ chức muốn thành lập sàn môi giới thì cần phải có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề trong đơn vị. Tuy nhiên, tại Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, sàn chỉ cần có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ là đã đủ điều kiện lập doanh nghiệp. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản