Điểm nghẽn tại thị trường địa ốc khu Nam TP.HCM
Gia Huy - 21/05/2017 09:16
 
Thị trường bất động sản khu vực phía Nam TP.HCM đang đối mặt quá nhiều điểm đen, như giao thông quá tải, ô nhiễm, ngập lụt…

Nhìn vào thị trường bất động sản khu Nam hiện nay, có thể thấy,  nếu như từ năm 2015 trở về trước, khu Nam là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM, với những dự án nổi tiếng như Phú Mỹ Hưng, Riviera Point… thì nay, khu vực này đã cạn kiệt quỹ đất, trong khi giao thông quá tải...

Đánh giá hạ tầng giao thông của khu Nam, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng, nơi này đang bị kẹt nặng. “Các tuyến đường ở đây đã bắt đầu quá tải, lượng xe lưu thông hàng ngày luôn cao. Các đường Nguyễn Tất Thành nối quận 1 với quận 4 và vào quận 7, đường Hoàng Diệu nối quận 1 với quận 4 và ra đường Nguyễn Hữu Thọ về quận 7, huyện Bình Chánh… đều trong danh sách những tuyến đường kẹt nghiêm trọng của Thành phố. Ngoài ra, giao thông kết nối vào khu Nam cũng đang là bài toán đau đầu với TP.HCM khi lượng dân ngày tăng cao ở khu vực này, nhưng lại chưa có tuyến đường mới nào được mở ra để đồng bộ hóa giữa giao thông và bất động sản”, ông Đực nói.

Dự án River City của Công ty Phát Đạt tại quận 7 (TP.HCM). Ảnh: G.H
Dự án River City của Công ty Phát Đạt tại quận 7 (TP.HCM). Ảnh: G.H

Ngoài ra, thị trường cũng được cho còn nhiều điểm nghẽn, như cuối năm 2016, khu vực này bị ảnh hưởng nặng bởi ô nhiễm môi trường do khu bãi rác Đa Phước lớn nhất TP.HCM. Lãnh đạo một công ty địa ốc cho biết, vì ô nhiễm môi trường, Công ty đã phải dừng phát triển dự án tại đây. Nhiều doanh nghiệp khác cũng âm thầm rút khỏi thị trường khu Nam, trong bối cảnh khu vực này đang bộc lộ nhiều điểm yếu cho thấy không còn là tâm điểm của thị trường.

Ngoài ra, khó khăn nữa của khu vực này là tình trạng ngập lụt do thủy triều đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng ở khu vực này, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, chủ đầu tư Dự án River City đã xin giảm quy mô 8.000 căn hộ, còn 4.600 căn hộ.

Trong khi đó, một số dự án bất động sản vẫn được triển khai, như Phú Mỹ Hưng đang phát triển dự án chung cư mới tại quận 7, Tập đoàn Đất Xanh và Novaland phát triển các dự án tại đầu khu Nam, Himlam Land phát triển Dự án River side giai đoạn III tại quận 7…

Để khắc phục các điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển khu vực phía Nam, UBND TP.HCM đã đưa ra Kế hoạch Phát triển hạ tầng giao thông. Theo đó, sẽ xây dựng 6 cây cầu kết nối khu Nam với các khu vực lân cận, gồm: cầu Nguyễn Khoái nối quận 7 với quận 4; cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7; cầu Rạch Đĩa 1 trên đường Lê Văn Lương nối quận 7 với huyện Nhà Bè, cầu Phước Khánh nối Nhà Bè với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); cầu Bình Khánh nối Nhà Bè với Cần Giờ; cầu Kênh Tẻ 2…

Quy hoạch giao thông khu Nam còn có Dự án tuyến metro số 4 (cầu Bến Cát - quận 1 - quận 7), với vốn đầu tư lên đến 97.000 tỷ đồng; hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư gần 2.600 tỷ đồng…

Đánh giá về sự phát triển của khu Nam trong năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường này sẽ tiếp tục trầm lắng, bởi dù có thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông hay thông tin quỹ đất, dự án đầu tư mới thì thị trường cũng chưa thể có đột phá ngay được.

Chia sẻ vấn đề trên, một chủ đầu tư dự án tại quận 7 nhận định, để khu Nam phát triển thì TP.HCM phải tháo gỡ được nút thắt về hạ tầng giao thông kết nối, bởi hiện nay lượng dân ở khu Nam quá đông. Bên cạnh đó, giá nhà phải giảm bởi mấy năm trước, giá nhà, đất khu này đã bị đẩy lên quá cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản