Dự án địa ốc ở TP.HCM “ách tắc, dừng hình”
Gia Huy - 31/10/2019 10:17
 
Số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tính đến hết quý III/2019, TP.HCM chỉ có 17 dự án hoàn thành, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 61 dự án.
.
Từ năm 2017 tới nay, Tập đoàn Đất Xanh chưa mở bán bất kỳ dự án bất động sản nào tại TP.HCM.

Thiếu do bị “ách tắc, dừng hình”

Là một doanh nghiệp đứng top đầu về quỹ đất, nhưng từ năm 2017 tới nay, Tập đoàn Đất Xanh chưa mở bán bất kỳ dự án bất động sản nào tại TP.HCM. Năm 2018, doanh nghiệp này định mở bán Dự án Gem Riverside tại quận 2, với 3.175 căn hộ, nhưng dự án này bị dừng triển khai vì theo UBND Thành phố thì dự án chưa hoàn thiện xong pháp lý chuyển nhượng đất sản xuất sang đất ở.

Công ty cổ phần Thương mại - Địa ốc Việt (Vietcomreal) cũng chung cảnh ngộ. Từ năm 2016 tới nay, doanh nghiệp này không thể phát triển được dự án mới, dù có những quỹ đất “vàng” ở trung tâm TP.HCM. Một lãnh đạo Vietcomreal cho biết, sau khi bàn giao Dự án chung cư Viva Riverside tại quận 6, thì tới nay doanh nghiệp không có dự án mới.

Các doanh nghiệp như Hung Thinh Corp, Tập đoàn Hà Đô, HimlamLand, Công ty cổ phần Nhà Mơ, Phú Long… cũng trong cảnh không thể triển khai dự án mới dù quỹ đất có nhiều.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, năm 2018, thị trường TP.HCM vẫn khả quan khi có 61 dự án hoàn thành, cung cấp 35.370 sản phẩm, trong đó có 32.167 căn hộ chung cư, nhưng sang năm 2019, tình hình thay đổi hẳn, khi kết thúc 3 quý của năm, số lượng dự án nhà ở hoàn thành đã sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án, với 12.453 sản phẩm, trong đó có 10.085 căn hộ chung cư, chỉ bằng khoảng 36% về số lượng dự án và khoảng 49% tổng diện tích sàn xây dựng so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Châu, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, dừng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu sản phẩm, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

“Tình trạng mất cân đối cung - cầu do nguồn cung quá ít, trong khi nhu cầu cao, làm cho giá nhà bị đẩy lên, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, lướt sóng”, ông Châu khuyến cáo.

Khó khăn là nhất thời?

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn đầy triển vọng khi tổng cầu về nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao và sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt. Khó khăn của thị trường chỉ là nhất thời, song, nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể thị trường còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy, sau giai đoạn "đóng băng" (2011 - 2013), thị trường bất động sản TP.HCM đã bắt đầu phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Nhưng, kể từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản Thành phố bị sụt giảm, cả về số lượng dự án và số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền, căn hộ bình dân.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do một số quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra ách tắc trong quá trình áp dụng pháp luật”, đại diện HoREA nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty VNGREAL cho biết, quy định tại Luật Nhà ở là phải có 100% đất ở thì mới được "chỉ định chủ đầu tư" dự án nhà ở thương mại. Quy định này xung đột với Luật Đất đai và không sát với thực tế, vì đa số dự án nhà ở thường có quỹ đất hỗn hợp, phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư. Điều này khiến nhiều dự án ách tắc.

Một nguyên nhân nữa được giới nghiên cứu thị trường chỉ ra, đó là khó khăn về tiếp cận tín dụng. Các chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, do các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng.

“TP.HCM phải có biện pháp cởi trói những khó khăn cho doanh nghiệp như vướng mắc về chuyển đổi đất sản xuất sang đất ở, rút ngắn thời gian cấp phép dự án. Có như vậy, thị trường mới phát triển trở lại”, đại diện HoREA kiến nghị.

TP.HCM rà soát, thu hồi những mặt bằng sử dụng sai mục đích

UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tất cả các địa điểm đã cho doanh nghiệp thuê đất có thời hạn hoặc ngắn hạn trên địa bàn. Làm rõ thời gian sử dụng còn lại và mục đích sử dụng; đánh giá hiện trạng sử dụng đất của tổ chức và cá nhân và xác định lại nhu cầu sử dụng đất của địa phương để xem xét, xây dựng lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đề xuất phương án xử lý nguồn thu từ việc cho thuê lại này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản