Gia tăng tranh chấp tại các dự án bất động sản
Việt Dũng - 22/03/2021 10:21
 
Tranh chấp tại các dự án bất động sản đang diễn ra với mật độ dày đặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, và có thể tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người mua.
Khu dân cư Thăng Long Hưng Phú

“Cơm không lành, canh chẳng ngọt”

Mới đây, một số cư dân tại Dự án Khu dân cư Thăng Long Hưng Phú (đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã treo hàng trăm băng rôn với nội dung yêu cầu Công ty cổ phần Hưng Phú Invest - chủ đầu tư Dự án - phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ.

Theo phản ánh của những hộ dân này, Hưng Phú Invest có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Khi bán nhà, chủ đầu tư này quảng cáo tuyến đường số 1 (đường trục chính của Dự án) có lộ giới 16 m, giá bán các căn ở tuyến đường này cao hơn các căn ở tuyến đường khác, nhưng khi khách hàng nhận nhà mới tá hỏa, tuyến đường này chỉ có 8 m.

Bên cạnh đó, cư dân cũng bức xúc vì Hưng Phú Invest thu 100% giá trị hợp đồng mua bán khi chưa bàn giao sổ hồng; đơn phương thành lập công ty quản lý dịch vụ cư dân và tự ý áp đặt mức phí dịch vụ khi chưa tổ chức hội nghị lấy ý kiến cư dân.

“Công ty này ép khách hàng đóng phí dịch vụ trước 1 đến 2 năm. Là khu dân cư cao cấp, nhưng đến nay, việc xử lý môi trường vẫn còn rất kém, nước thải sinh hoạt tắc nghẽn, hồ điều tiết chứa nước thải ô nhiễm, xe có tải trọng lớn vẫn thường xuyên đi lại trong khu dân cư…”, ông Hải, chủ căn nhà trên đường số 1 của Dự án Khu dân cư Thăng Long Hưng Phú chia sẻ.

Ngay sau khi tiếp nhận những phản ánh của cư dân, Hưng Phú Invest đã phát đi văn bản “trần tình”. Công ty cho biết, đường trục chính của Dự án được quy hoạch có lộ giới 16 m, nhưng chỉ có 8 m (tính từ tim đường trở vào) nằm trong ranh Dự án theo bản đồ hiện trạng vị trí đã được phê duyệt, nên chỉ có trách nhiệm triển khai phần đường nằm trong ranh Dự án.

Liên quan việc thu 100% giá trị hợp đồng, theo Hưng Phú Invest, khi bàn giao nhà cho khách hàng, tuy chưa nhận được 5% giá trị còn lại của hợp đồng mua bán, nhưng Công ty đã chủ động xuất hóa đơn giá trị gia tăng, kê khai thuế và ứng trước tiền để nộp thuế cho khách hàng. Chỉ sau khi nhận được văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xác định Dự án đủ điều kiện nộp hồ sơ hoàn tất việc cấp Giấy chứng nhận, thì Công ty mới gửi thông báo cho cư dân và đề nghị thanh toán 5% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở còn lại theo quy định.

Ngoài ra, tại văn bản nói trên, Hưng Phú Invest cũng giải thích về việc thực hiện dịch vụ quản lý tại Dự án và thu phí quản lý...

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, trong thời gian qua, tại TP.HCM và các địa phương lân cận, đã xảy ra không ít trường hợp “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa các bên: chủ đầu tư - ban quản trị - ban quản lý tòa nhà - cư dân khi dự án đi vào hoạt động. Đơn cử, tại chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè, TP.HCM), Ban Quản trị tự ý khóa cửa nhà người dân vì cho rằng, chủ đầu tư đã bán những căn hộ này trái phép. Hay tại chung cư  The Central Garden (quận 1, TP.HCM), nội bộ Ban Quản trị chia rẽ khiến ư dân cũng bị vạ lây…

“Chìa khóa” để giải quyết tranh chấp

Tranh chấp xảy ra không chỉ khiến cuộc sống của cư dân tại dự án trở nên ngột ngạt, mà ngay cả các doanh nghiệp trong ngành cũng không khỏi lo lắng vì sợ tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người mua nhà.

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng địa ốc COPiHOME nhìn nhận, một khi tranh chấp bị đẩy đi quá xa, tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả cho cả hai bên. Người mua nhà mất thời gian, chi phí và công sức để biểu tình, phản đối chủ đầu tư, nhưng không dễ đạt được mục đích. Chủ đầu tư chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nặng nề: uy tín suy giảm, dự án rớt giá, thanh khoản kém...

“Đã có không ít nhà đầu tư chấp nhận lỗ để bán được nhà nằm trong dự án có tranh chấp. Vì vậy, các doanh nghiệp và cư dân nên chủ động điều chỉnh, tháo gỡ, tránh để tranh chấp kéo dài và nặng nề hơn”, ông Phi khuyến nghị.

“Chìa khóa” tốt nhất để giải quyết tranh chấp, theo ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà toàn cầu (Global Home), chính là minh bạch thông tin. Đối với tranh chấp có nguồn cơn từ những vấn đề lớn như sử dụng phí bảo trì tòa nhà hoặc năng lực làm việc của đơn vị vận hành, thì cần có sự vào cuộc hòa giải của đại diện chính quyền sở tại.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng Luật Thanh Niên (TP.HCM) tư vấn, khách hàng nên tham khảo ý kiến của các luật sư, văn phòng luật khi mua bán, ký hợp đồng nhà, đồng thời cũng phải quen với việc hai bên có thể khởi kiện ra tòa khi có tranh chấp. Bởi nếu tranh chấp theo hình thức tự phát như hiện nay, người mua nhà rất dễ vướng lao lý khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, như gây rối trật tự công cộng, cố ý hủy hoại tài sản…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản