Giao dịch bất động sản qua app: Công nghệ chưa thể thay thế con người
Việt Dũng - 18/07/2024 08:14
 
Ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản, cụ thể là công đoạn bán hàng, đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, nhưng việc “chốt đơn” vẫn phụ thuộc lớn vào nhân viên môi giới.
Khách hàng tham gia đầu tư bất động sản trên nền tảng blockchain Moonka. Ảnh: Trọng Tín

Doanh nghiệp “chạy đua” số hóa

Năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) - một doanh nghiệp bất động sản phía Nam - đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên cùng một nền tảng công nghệ ERP, hệ thống quản trị rủi ro ERM. Theo giới thiệu, đây là quá trình quan trọng trong sự phát triển của NLG nhằm tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh và quản lý tài nguyên của Công ty, tăng cường tính linh hoạt của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh nhiều biến động.

Trước đó, nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản lớn cũng đầu tư mạnh cho các trang giao dịch trực tuyến, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng, nhằm kết nối trực tiếp chủ đầu tư và khách hàng trên nền tảng online. Trong đó, có thể kể đến Tập đoàn H.T - nhà phát triển dự án và môi giới bất động sản tại TP.HCM.

Cụ thể, H.T đã công bố chi 10 triệu USD vào proptech - ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản, với tham vọng tạo ra một nền tảng có thể phục vụ tất cả chủ thể tham gia thị trường bất động sản. Theo đó, H.T sẽ đổi mới và xây dựng hệ sinh thái gồm đầu tư và phát triển các loại hình kinh doanh bất động sản, xây dựng, công nghệ proptech và fintech, kinh doanh trên nền tảng số… 

Sunshine Group - nhà phát triển dự án bất động sản có trụ sở ở Hà Nội lại chọn hướng tiếp cận khác, đó là tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng. Theo đó, ngoài chức năng quản lý, ứng dụng Sunshine App còn tích hợp tính năng dành cho đối tượng quan tâm tới đầu tư tài chính hay giáo dục…

Sở dĩ các doanh nghiệp phải “chạy đua” số hóa là bởi số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam ngày càng tăng. Báo cáo và chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam từ batdongsan.com.vn cho thấy, người Việt đang trở nên thích ứng tốt hơn với công nghệ trong hoạt động mua bán nhà đất.

Cụ thể, hiện có tới 72% người mua lựa chọn bất động sản qua mạng; 60% thương lượng giá qua mạng; tỷ lệ ký hợp đồng online là 6%... Vì vậy, việc các doanh nghiệp bất động sản tích cực chuyển đổi số và vận dụng công nghệ để tối ưu hóa việc tiếp cận khách hàng là điều dễ hiểu.

Con người vẫn là chủ đạo

Khi công nghệ được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực bất động sản, thì người làm môi giới có lo bị thay thế? Đây là câu hỏi được đặt ra trong thời gian qua trước sự “bùng nổ” của công nghệ. Theo nhận định của các thành viên thị trường và các doanh nghiệp chuyên về bán hàng, cần rất nhiều thời gian để công nghệ thay thế những hoạt động của nhân viên môi giới.

Giao dịch bất động sản trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Các nhà đầu tư nên có sự quan tâm đúng mức, đầu tư bài bản vào sản phẩm công nghệ của mình, tuyệt đối tránh suy nghĩ “ăn xổi”. Giao dịch bất động sản trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh mạng, an toàn thông tin. Khách hàng có thể bị đánh cắp dữ liệu về sở hữu bất động sản khi giao dịch trên các nền tảng số, kéo theo đó là tình trạng mua bán dữ liệu trái phép.

Theo ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - bất động sản Dat Xanh Services, ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực ngày càng phổ biến và là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc này không thể diễn ra ngay được, mà cần có nhiều thời gian hơn để thay thế những hoạt động mà trước đây con người làm. Công nghệ phát triển là để hỗ trợ con người chứ không thể thay thế hoàn toàn được, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản.

Trước khi quyết định “xuống tiền” mua một sản phẩm nào đó, bên cạnh chất lượng và giá thành, thì khách hàng cũng cần có cảm xúc và niềm tin đối với người bán hàng. Tiếp sau đó là những dịch vụ hỗ trợ, hậu mãi sau khi thực hiện giao dịch… “Đó mới là giá trị khác biệt của người làm môi giới, còn công nghệ chỉ có thể hỗ trợ. Người môi giới lúc này cần có kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu khả năng bán hàng của mình”, ông Tiến nói.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam cho rằng, nền tảng công nghệ và niềm tin khách hàng là 2 rào cản chính mà doanh nghiệp bất động sản cần phải vượt qua khi thực hiện chuyển đổi số. Nếu hạn chế về công nghệ có thể sớm bù đắp được, thì niềm tin khách hàng là thách thức khó giải quyết trong một sớm một chiều.

Giá trị của một sản phẩm bất động sản không hề nhỏ với đa số người mua, cộng thêm các yếu tố về văn hóa, phong thủy... là lý do khiến những người đi mua nhà luôn muốn “xem tận mắt, sờ tận tay”. “Rất nhiều chủ đầu tư đã đầu tư mạnh vào công nghệ như một kênh hỗ trợ, tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái kinh doanh bất động sản có sẵn, nhưng để có thể thay thế hệ thống môi giới truyền thống thì cần thêm nhiều thời gian”, ông Kiệt nói.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc nở rộ giao dịch trên môi trường số là xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi. Song, để tạo ra một app tích hợp đầy đủ công năng không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư dài hơi, nắm vững thị trường… Vì vậy, để xu hướng này phát triển ổn định và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, Nhà nước cần có những định hướng kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản