Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Liều thuốc bổ... tinh thần
Thị trường bất động sản cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang “thăng hoa” qua báo cáo 6 tháng đầu năm từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, đến các công ty nghiên cứu thị trường.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Những đối tượng có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng khó có cửa tiếp cận vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thị trường thời gian tới được dự báo sẽ tăng nhiệt hơn khi các sắc luật quan trọng đã có hiệu lực, cùng với kiến nghị từ cơ quan quản lý về việc tăng cường giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với diễn biến vừa qua và sắp tới, dường như cơ hội có nhà ở của người thu nhập thấp đang trở nên khó hơn.

Trước hết là về giá nhà. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, chỉ số giá nhà ở quý II/2015 đạt mức 139 điểm, tăng 27 điểm theo quý và 38,7 điểm theo năm. Giá nhà trung bình trên thị trường Hà Nội ở mức 25,4 triệu đồng/m2, tức cao hơn mức giá cao nhất đối với nhà cho người thu nhập thấp (dưới 15 triệu đồng/m2 - tiêu chuẩn theo Nghị quyết 02) tới 59%.

Còn nhớ, trong thời kỳ đóng băng từ năm 2011 đến cuối năm 2013, giá bất động sản ở nhiều dự án của Hà Nội đã giảm khoảng 30%, cá biệt có dự án giá giảm đến 50%, nhưng từ 2014 đến nay, giá tại nhiều dự án đã âm thầm tăng trở lại. Theo nhiều “cò nhà đất” đánh giá, có nhiều dự án hiện đã lên mức bằng, thậm chí là cao hơn thời kỳ thị trường “sốt nóng” năm 2010.

Cũng theo thống kê của Savills Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có hơn 10.000 căn hộ đã được giao dịch, con số này bằng cả năm 2014. Thế nhưng, 2 năm trước, phân khúc nhà giá thấp và bình dân đã không còn giữ được thế chủ đạo của thị trường, mà thay vào đó là phân khúc căn hộ cao cấp. Người mua có một bộ phận lớn đến từ các nhà đầu tư với mục đích mua để cho thuê lại. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang bấp bênh, thì bất động sản đang là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn thời điểm nay. Đó cũng chính là lý do vì sao thị trường căn hộ cho thuê đang gặp khó, bởi bị cạnh tranh gay gắt từ các nhà đầu tư này. Cụ thể, giá cho thuê căn hộ loại này tung bình vào khoảng 12-15 USD/m2/tháng, thấp hơn giá căn hộ dịch vụ cho thuê hạng C hiện giờ (16 USD/m2/tháng).

Trong khi giá nhà ở thương mại đang có xu hướng tăng và nhiều chủ đầu tư bắt đầu hướng đến phân khúc căn hộ cao cấp, khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp ngày càng xa, thì sự trông đợi vào nguồn cung nhà ở xã hội cũng không mấy sáng sủa.

Bằng chứng là hiện cả nước có 62 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhưng đến thời điểm này, có không quá 10 dự án được chuyển đổi và rất ít được triển khai. Đã có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi trước đó chủ yếu là để “câu giờ”, tránh bị thu hồi dự án, nhằm chờ thị trường sôi động trở lại sẽ thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Thêm một động thái nữa từ cơ quan quản lý làm giấc mơ sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp xa dần, đó chính là kiến nghị mở rộng tối đa đối tượng để giải ngân gói 30.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, bộ ngày đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các đối tượng mà không cần phải chứng minh thu nhập, thay vì là những đối tượng có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng như hiện nay. Các trường hợp này chỉ cần đơn vị nơi công tác hoặc chính quyền địa phương xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, chứng minh thu nhập thuộc diện có hay không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Với quy định này, vô hình trung đã khiến hàng vạn lao động có thu nhập thấp khó có cửa thực hiện “giấc mơ an cư lạc nghiệp”, bởi dù quy định không bắt buộc chứng minh thu nhập, nhưng các ngân hàng thương mại sẽ chọn những người có khả năng trả nợ cao, mà những người này dĩ nhiên không phải là những người có thu nhập thấp!

Có thể nói, mỗi thời điểm, thị trường cần có những chính sách cho phù hợp với thực tế. Gói 30.000 tỷ đồng có thể là liều thuốc bổ tinh thần cho thị trường và khá chậm trễ trong tốc độ giải ngân, nhưng nó dường như đã làm khá tròn nhiệm vụ lịch sử của mình, nên đã đến lúc cần kết thúc để nhường chỗ cho giải pháp, chính sách mới. Nếu cứ cố gượng ép để thực hiện, rất có thể sẽ đẩy nó đi sai mục đích và dễ bị lợi dụng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản