Khắc phục bong tróc cục bộ mặt đường tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
Hà Minh - 10/10/2018 08:23
 
Mưa lớn đầu mùa kéo dài 3 ngày qua khiến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, nhất là đoạn tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ xuất hiện cục bộ một số điểm bong tróc phần bê tông mặt. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương khắc phục đảm bảo an toàn giao thông.

Chiều 9/10, vừa kiểm tra từ hiện trường mặt đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi trở về, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Thành đưa ra nhận định: “Việc xuất hiện cục bộ các vết bong tróc bê tông nhựa mặt đường và ổ gà theo khảo sát khả năng do tác động của mưa lớn kéo dài mấy ngày qua, lưu lượng xe tăng đột biến và phương tiện chở quá tải.

Tiến hành khắc phục những vị trí bị bong tróc
Tiến hành khắc phục những vị trí bị bong tróc

Theo khảo sát thì chưa thấy hư hỏng đại trà, hư hỏng không thành vệt mà ở mỗi vị trí có 4-5 ổ gà với kích thước nhỏ. Đoạn tuyến từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi có khoảng 2 vị trí/gói thầu. Chúng tôi đang cho thi công khắc phục và sửa chữa. Hiện một bên tuyến đã khắc phục xong, nếu trời nắng như hôm nay thì ngày mai sẽ xong toàn tuyến”.

Ngoài các vị trí bong tróc trên, cũng đã xuất hiện tình trạng xói lở taluy nền đắp ở 4 vị trí. “Vấn đề này là bình thường ở hầu hết các công trình có nền đường đắp mới và đã được sửa chữa kịp thời” – ông Nguyễn Tiến Thành cho biết.

Nguyên nhân bong bật có thể do tụ nước, vệ sinh lớp bê tông tạo nhám và bê tông mịn chưa sạch sẽ
Nguyên nhân bong bật có thể do tụ nước, vệ sinh lớp bê tông tạo nhám và bê tông mịn chưa sạch sẽ

Nguyên nhân bong tróc ban ban đầu có thể do bong bật giữa bê tông nhựa tạo nhám và bê tông hạt mịn do tưới phụ gia dính bám vị trí đó chưa đảm bảo chất lượng; có thể vị trí đấy vệ sinh chưa sạch, trũng nước cục bộ, bánh xe liên tục chạy qua tạo bong tróc...

Cũng không loại trừ nguyên nhân do tác động của  lưu lượng xe lớn, trong đó có cả xe quá tải. Theo tính toán, sau khi thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tháng 9/2018), lượng phương tiện lưu thông tăng cao đạt trên dưới 6.000 phương tiện/ngày tăng gấp 4-5 lần so với thời điểm thông xe đoạn JICA (tháng 12/2017).

Bên cạnh đó, trên toàn tuyến cao tốc này chưa tích hợp trạm cân tải trọng vào các trạm thu phí nên việc hạn chế tải trọng xe chưa thể thực hiện được. Ngoài ra, có thể xe cộ lưu thông trên tuyến bị chảy dầu hoặc trong quá trình thi công trước đây máy móc chảy dầu điêzen ra mặt đường gây nên hiện tượng ổ gà.

Theo giám đốc Ban Nguyễn Tiến Thành, Dự án đang trong giai đoạn bảo hành, hư hỏng không phải do khâu thiết kế nên việc khắc phục thuộc trách nhiệm các nhà thầu. Tuy nhiên, Ban cũng sẽ phối hợp với Chủ đầu tư VEC và các chuyên gia, tư vấn giám sát theo dõi chặt chẽ nếu xuất hiện tần xuất dày sẽ yêu cầu nhà thầu khoan cắt mẫu bê tông để truy tìm nguyên nhân.

Công tác khắc phục đã hoàn thành một bên tuyến, bên còn lại sẽ hoàn thành trong ngày 10/10
Công tác khắc phục đã hoàn thành một bên tuyến, bên còn lại sẽ hoàn thành trong ngày 10/10

Theo ông Thành, toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi lác đác có một số điểm bong tróc. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ở đoạn tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ (đoạn tuyến này được đưa vào khai thác tháng 12/2017).  Tập trung chủ yếu ở hai gói thầu số 4 và số 6. Trong đó tập trung tại Km27 (bên trái) và Km 45 cả bên trái và bên phải. “Việc bong tróc, sụt lún có thể xảy ra ở bất cứ công trình mới nào và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát”.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản