Lợi nhuận cho thuê tăng mạnh, bất động sản công nghiệp “ăn nên làm ra”
Trọng Tín - 06/08/2021 10:27
 
Bất chấp dịch bệnh, nhu cầu bất động sản khu công nghiệp vẫn tăng cao. Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này cũng tốt hơn.
Ảnh minh họa.
Nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn tăng cao trong những tháng đầu năm 2021.  ảnh: Lê Toàn

Lợi nhuận từ cho thuê tăng mạnh

Trong 7 tháng của năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm tích cực. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/7/2021 đạt 16,7 tỷ USD; vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Bởi thế, nhu cầu bất động sản khu công nghiệp vẫn tăng cao, khiến lợi nhuận trong quý II/2021 của một số doanh nghiệp trong ngành này như Kinh Bắc, Sonadezi, Tân Tạo, Viglacera... tăng mạnh.

Theo ông David Jackson,

Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, nửa cuối năm 2021 sẽ đặt ra một số thách thức cho Việt Nam khi dịch bệnh lây lan nhanh, xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát mạnh. Bên cạnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn.

Đó là hạ tầng chưa đồng bộ và chi phí logistics chưa cạnh tranh, một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu cải thiện được các điểm yếu này, thị trường có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

Công ty cổ phần Long Hậu cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 555 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp tăng 374 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại và các hoạt động khác cũng tăng thêm 6,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Long Hậu ghi nhận 666 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 250 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần nửa đầu năm 2020.

Tương tự, Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức cũng báo lãi sau thuế quý II/2021 tăng 53%, đạt hơn 109 tỷ đồng, chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp. Doanh thu thuần đạt 224 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng mạnh doanh thu cho thuê đất và phí quản lý. Sonadezi Châu Đức lãi gộp gần 150 tỷ đồng, tăng 68,5% so với quý II/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt gần 403 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ. Nhờ biên lãi gộp tăng, lợi nhuận gộp ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn doanh thu với 67%, lên hơn 257 tỷ đồng. Với kết quả này, Sonadezi Châu Đức đã vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021 chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Còn với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, dù chưa công bố Báo cáo tài chính bán niên, song nhiều khả năng có kết quả tích cực. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Kinh Bắc tiết lộ: “Chúng tôi nhận được thông tin nhà đầu tư thuê thêm đất trong khu công nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời các nhà đầu tư lớn tiếp tục đặt hàng. Chẳng hạn ở Hải Phòng, Tập đoàn LG mong muốn Kinh Bắc đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp giai đoạn III”.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, Kinh Bắc tự tin đặt kế hoạch vượt bậc với doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020. Công ty cho biết, sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng các dự án Khu công nghiệp Quang Châu, Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, Khu công nghiệp mới Phúc Ninh...

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Kizuna, doanh nghiệp chuyên về nhà xưởng xây sẵn tại Long An cũng phấn khởi cho biết, Kizuna đạt 80% kế hoạch cho thuê lấp đầy nhà xưởng mới của năm 2021.

Trước đây, Kizuna tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI mới, nhưng giờ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đã có sẵn nhà máy có nhu cầu thay đổi địa điểm, thay đổi quy mô sản xuất phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí và thuận lợi vận chuyển, đi lại với khu vực TP.HCM.

“Yếu tố sẵn sàng và dịch vụ hỗ trợ của các khu nhà xưởng dịch vụ Kizuna đã giúp các doanh nghiệp quyết định nhanh chóng khi thuê nhà xưởng tại đây”, bà Hiếu nói và cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên các hoạt động thương thảo được thực hiện online thông qua Internet, khách hàng tìm hiểu thông tin các xưởng thông qua các tài liệu và video, livestream… gởi qua email và các nền tảng giao tiếp xã hội.

Cần nguồn vốn đầu tư lớn vào hạ tầng

Báo cáo mới đây về ngành bất động sản công nghiệp được JLL Việt Nam công bố đã đưa ra dự báo, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực logistics và bất động sản công nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3 - 5 năm tới, khi các nhà đầu tư tìm cách gia tăng thị phần một cách mạnh mẽ. Đơn vị này dự báo khối lượng đầu tư vào lĩnh vực logistics  sẽ tăng từ 25 đến 30 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2019 - 2020, lên 50 - 60 tỷ USD trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Paul Fisher, Tổng giám đốc JLL Việt Nam đánh giá, hiện số lượng các quỹ đầu tư tiếp cận những lĩnh vực bất động sản logistics và công nghiệp tại thị trường Việt Nam liên tục gia tăng, thúc đẩy nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn. Không ít chủ sở hữu đang sử dụng phương án này để giải phóng vốn đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai các giải pháp công nghệ mới vào kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, so với các nước khác trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam còn trong giai đoạn sơ khai, chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, phát triển tại khu vực xa trung tâm. Thị trường đang cần nguồn vốn đầu tư lớn vào hạ tầng, xây dựng các cơ sở vật chất hiện đại. Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất rất lớn, thị trường logistics và bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản