Bất động sản công nghiệp: Giá thuê ít biến động, dòng đầu tư tiếp tục tăng
Lê Quân - 28/07/2021 10:28
 
Với nguồn cung đa dạng, nên giá thuê đất công nghiệp trong quý II/2021 đã ổn định hơn. Các vị trí đẹp trong những khu công nghiệp có hạ tầng phát triển, giá thuê tăng nhẹ khoảng 5%.
So với các phân khúc khác, bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt bất chấp dịch bệnh
So với các phân khúc khác, bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt bất chấp dịch bệnh

Không có biến động lớn về giá thuê

Trong nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt cùng với diễn biến tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy, dù còn những khó khăn do Covid-19. Riêng quý II, CBRE Việt Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình ở các địa bàn công nghiệp trọng điểm phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm các tỉnh lân cận, tỷ lệ lấp đầy là 69%.

So với năm 2020, nguồn cung đa dạng hơn, nên tốc độ tăng giá thuê đất công nghiệp đã chững lại. Giá thuê trung bình tại địa bàn công nghiệp trọng điểm phía Bắc tăng cao nhất chỉ là 5% trong nửa đầu năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 13% trong năm 2020. Phần lớn giá thuê của các dự án khu công nghiệp vẫn tương tự quý IV/2020, trừ một số dự án có vị trí thuận lợi tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo CBRE Việt Nam, các lĩnh vực tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới là điện tử, kho vận, linh kiện ô tô, bao bì, đồ gỗ và thiết bị y tế. Đối với kho xưởng xây sẵn, nguồn cầu từ lĩnh vực kho vận, thương mại điện tử và bán lẻ sẽ giữ nhịp phát triển cho thị trường.

Theo CBRE, do dịch bệnh kéo dài nên trong nửa cuối năm 2021, các chủ đầu tư có kế hoạch giữ nguyên giá chào thuê và có thêm các hỗ trợ ngoài giá thuê để thu hút khách hàng.

Riêng tại “điểm nóng” về đất công nghiệp là Long An, dự báo thị trường này sẽ tăng nhiệt nhờ lợi thế nằm kề TP.HCM, là cửa ngõ về miền Tây Nam bộ, có quỹ đất lớn và gần đây được Chính phủ dồn lực đầu tư vào một số dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bến Lức - Long Thành… Hai năm qua, đã có nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp trong và ngoài nước tìm đến Long An gom quỹ đất để phát triển kho xưởng cho thuê.

Nhu cầu đầu tư rất lớn

Thực tế, thị trường bất động sản công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong các năm qua nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như: hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với nhiều tuyến đường cao tốc, cảng, sân bay đã và đang được xây dựng. Qua các đợt dịch Covid-19, Chính phủ đẩy mạnh kích cầu kinh tế bằng cách tăng chi tiêu công cho hạ tầng.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam tiếp tục gia tăng để tận dụng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với nhiều nước.

Mặt khác, Chính phủ đã tạo được uy tín lớn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc vừa ứng phó dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao Bộ phận bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam đánh giá, các yếu tố trên là những thuận lợi nền tảng có tính chất dài hạn, phù hợp với định hướng đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp sản xuất lớn trong và ngoài nước.

“Tình hình dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ xây dựng do việc đi lại, nhân công, vận chuyển vật liệu bị hạn chế, nhưng về dài hạn, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục mở rộng dự án đã cam kết tại Việt Nam”, ông Lê Trọng Hiếu nói.

Còn phía Savills Việt Nam, ông John Campbell, quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp cho rằng, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình hộ chiếu vắc-xin đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu bất động sản cũng như các nhà đầu tư.

Trong nửa cuối năm 2021 và dài hạn, CBRE dự báo tiềm năng thị trường vẫn rất tích cực, với nhu cầu lớn từ doanh nghiệp trong nước tiến hành mở rộng và các nhà đầu tư bên ngoài đầu tư thêm. Các tỉnh, thành phố cấp 2 sẽ tiếp tục là điểm nóng thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp trong nửa cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, do còn quỹ đất lớn, giá cho thuê cạnh tranh, hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ.

“Ở phía Nam có Bình Thuận, Vũng Tàu và Tây Ninh. Ở phía Bắc là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang. Giao dịch ở các tỉnh, thành phố này sẽ chủ yếu là đất cho cả sản xuất công nghiệp và đất phát triển kho xưởng”, ông Lê Trọng Hiếu nhận định.

Đáng kể là Dự án Trung tâm logistics quốc tế TP. Bắc Giang, do Công ty TNHH Logistics quốc tế Bắc Giang đầu tư, có quy mô hơn 71 ha tại xã Song Khê. Dự án này dự kiến khởi công trong tháng 8/2021 với mục tiêu xây dựng trung tâm logistics hiện đại, đa chức năng của khu vực, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và giao thương quốc tế.

Ở phía Nam, các dự án mới và mở rộng của Daiwahouse, JD, BWID vẫn đang tiếp tục thực hiện. Trong đó, Dự án JD Logistics Park của JD Propery, thành viên của tập đoàn thương mại điện tử JD.com, dự kiến khởi công vào tháng 9/2021 và hoàn thành xây dựng vào quý II/2022. Với tổng diện tích khoảng 100.000 m2, JD Logistics Park được phát triển theo mô hình kho vận hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà kho ở khu vực.

Còn với các thị trường truyền thống như Hà Nội và TP.HCM, do quỹ đất công nghiệp ngày càng ít, các nhà đầu tư sẽ thâm nhập thị trường qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A). Cũng do quỹ đất không còn nhiều và giá thuê đất đã quá cao, giao dịch ở những thị trường này sẽ tập trung vào kho xưởng cho thuê.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản