Nhân tố tạo sự khác biệt cho Ninh Thuận
Toàn Chung - 15/11/2022 14:23
 
Hàng loạt dự án hạ tầng đang triển khai kết hợp với lợi thế về du lịch đã mang đến sự khác biệt cho Ninh Thuận trong lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư.
Quảng trường 16 tháng 4 và Bảo tàng Ninh Thuận nằm ở trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm
Quảng trường 16 tháng 4 và Bảo tàng Ninh Thuận nằm ở trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm

Sự trỗi dậy của các dự án hạ tầng

“Ninh Thuận hội đủ tiềm năng và lợi thế. Để kích hoạt tiềm năng đó, điều đầu tiên là cần đầu tư mạnh mẽ hạ tầng. Hạ tầng phải đi trước, đi nhanh”, đó là nhận định của ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận là một trong những điểm sáng của việc thu hút đầu tư khi có lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ, tiềm năng về lĩnh vực bất động sản nhiều, quỹ đất lớn, đặc biệt là đất ven biển, cơ chế chính sách thông thoáng.

Sắp tới, sân bay Thành Sơn được cho phép khai thác thành sân bay dùng chung, kết hợp giữa quân sự và dân dụng sẽ mở ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, Ninh Thuận sẽ có đầy đủ đường hàng không, đường sắt, quốc lộ, cao tốc và đường biển”, ông Cảnh nói và nhấn mạnh: “Giao thông phải đi trước, đi nhanh, mở đường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, tỉnh Ninh Thuận và Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá lại tổng thể khai thác dân dụng của sân bay Thành Sơn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.

Tỉnh Ninh Thuận đã đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững của địa phương.

“Sân bay Thành Sơn có diện tích 22 km2, gồm 2 đường cất, hạ cánh, 2 đường lăn và 4 vị trí sân đỗ; có đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ bay hòa mạng quốc gia, đảm bảo cơ sở vật chất, các điều kiện tiêu chuẩn để sử dụng, khai thác sân bay dùng chung kết hợp quân sự và dân dụng. Kết nối giao thông liên vùng khá thuận tiện giữa đường sắt, đường bộ và hàng không”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng cảng biển tổng hợp Cà Ná với diện tích khoảng 567 ha, công suất thiết kế 27 triệu tấn/năm, tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 25.430 tỷ đồng.

Cảng biển tổng hợp Cà Ná sẽ phục vụ tàu hàng lỏng đến 50.000 tấn, hàng tổng hợp, container và tàu nhập khí LNG đến 100.000 tấn; hàng rời đến 300.000 tấn, với tổng cộng 17 khu bến; được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn I sẽ xây dựng 2 bến tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, tổng chiều dài khu bến là 600 m, kinh phí đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng; Giai đoạn II sẽ đầu tư 4 bến và đê chắn sóng phía Đông dài 2.400 m, tổng kinh phí đầu tư khoảng 11.858 tỷ đồng; Giai đoạn III sẽ đầu tư 11 bến hàng còn lại, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 7.972 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã xây dựng hoàn thành 1 bến tàu và đang đưa vào khai thác thử nghiệm, dự kiến ngày 15/11 sẽ đưa vào sử dụng chính thức.

“Thuận lợi lớn nhất của Ninh Thuận chính là dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang triển khai nhanh, điều này sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển kinh tế địa phương. Để đón đầu khai thác hiệu quả tuyến cao tốc, Ninh Thuận đang đầu tư tuyến đường nối cao tốc xuống cảng biển khoảng 14,7 km, có tổng vốn đầu tư 901 tỷ đồng. Dự án có 6 làn xe, được khởi công trong tháng 11 này, khi hoàn thành sẽ kết nối từ cao tốc Bắc - Nam xuống thẳng Cảng biển tổng hợp Cà Ná”, ông Vinh thông tin.

Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai lập Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ. Trong ảnh: Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đang được nhiều du khách đến tham quan
Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai lập Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ. Trong ảnh: Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đang được nhiều du khách đến tham quan

Phát triển mạnh ngành kinh tế xanh

Trong chuyến công tác Ninh Thuận hồi tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận xét, Ninh Thuận là miền đất hội tụ những giá trị khác biệt.

So với các tỉnh, thành phố khác, Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng riêng biệt để phát triển năng lượng sạch, kinh tế biển, và đặc biệt là du lịch.

Về lĩnh vực du lịch, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận  khẳng định, tinh thần chung là tỉnh sẽ phát triển du lịch theo hướng xanh, sạch, tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt, chỉ Ninh Thuận mới có.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự hào khi khái quát một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ về du lịch tỉnh: “Định hướng phát triển du lịch của Ninh Thuận là trải nghiệm khác biệt. Nếu cứ đi theo sự phát triển như các tỉnh khác thì không thể nào bắt kịp họ, do vậy Ninh Thuận đã chọn ra những cái riêng có của tỉnh để khai thác”.

Theo ông Hòa, du lịch của Ninh Thuận có những khác biệt mà không phải địa phương nào cũng có được.

Ninh Thuận là nơi duy nhất tại Việt Nam, là một trong 18 điểm trên thế giới có vùng biển “nước trồi” (là hiện tượng đặc biệt thường xuất hiện ở vùng biển ven bờ, nước từ dưới sâu trồi lên lấp chỗ trống của lớp nước bên trên bị vận chuyển ra nơi khác theo hướng dọc bờ và tách bờ). Đây là một trong những lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, nhất là về độ mặn của nước biển và đặc biệt là cát biển sạch không có lẫn bùn.

Ngoài ra, nhắc đến Ninh Thuận là nói đến thủ phủ nho của cả nước. Từ nho, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển loại hình du lịch vườn nho, trong đó Làng nho Thái An (thôn Thái An, xã Vĩnh hải, huyện Ninh Hải) đã được biết đến là điểm tham quan, trải nghiệm thu hút đông đảo du khách tìm đến.

Hiện nay, một địa điểm còn nguyên sơ, đang được tỉnh chú trọng trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên là Phan Rá, nơi có rạn san hô sống và bảo tồn về loài rùa biển. Bên cạnh đó, điểm gần cuối của vùng duyên hải Nam Trung Bộ là nơi hiếm hoi có đến 2 vườn quốc gia, trong đó Vườn quốc gia Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đi cùng lợi thế tự nhiên, Ninh Thuận còn là địa phương có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo như nghệ thuật Chăm, Lễ hội Katê. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là tháp Pôklông Garai và tháp Hòa Lai, 18 di sản cấp quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh.

Một trong những niềm tự hào của Ninh Thuận là có khu du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp thế giới Resort Amanoi, do Tập đoàn Amanresort đầu tư. Khu nghỉ dưỡng này từng được tạp chí Condé Nast Traveler danh tiếng bình chọn là một trong 33 khách sạn tốt nhất thế giới.

Tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận được tổ chức vào cuối tháng 9/2022, tỉnh đã thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển và xúc tiến đầu tư du lịch, quảng bá sản phẩm và thu hút khách du lịch thông qua ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Sở Du lịch Hà Nội; Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội; Hội Doanh nghiệp trẻ TP. Hà Nội; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam...

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 57 dự án về  dịch vụ du lịch; đến nay đã có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư lớn như Crystal Bay, Vinpearl, T&T, TDH Ecoland khi nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với trải nghiệm của Ninh Thuận đã không ngần ngại chọn đây là điểm dừng chân để đầu tư chiến lược, khai phá tiềm năng của vùng đất còn hoang sơ này.

Có thể kể đến Dự án Sunbay Park Hotel và Resort Phan Rang với 15.000 phòng tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có gần 2.000 phòng nghỉ dưỡng cao cấp sẽ sớm được khai trương hoạt động, giúp bổ sung quỹ phòng nghỉ đang đứng trước nguy cơ không đáp ứng kịp nhu cầu du khách.

Hay tại huyện Ninh Chữ, Dự án Sailing Bay Ninh Chữ có quy mô gần 4.000 phòng với tiêu chuẩn 5 sao và 264 căn biệt thự cũng đã khởi công, tạo cú hích mới cho du lịch vùng tiểu sa mạc. Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp công việc, tham quan trải nghiệm văn hóa của du khách.

Mới đây, tại huyện Thuận Nam, Dự án Cap Padaran Mũi Dinh với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD, trải rộng trên diện tích gần 800 ha đã được khởi công xây dựng. Dự kiến sau khi hoàn thành, Dự án sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 17.000 phòng khách sạn, khu biệt thự trên núi và resort san hô.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản