Nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt, đưa thị trường phát triển bền vững
Tú Ân - 19/04/2023 13:21
 
Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/4 đã phân tích, đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, tuy nhiên những biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới và một số khó khăn nội tại khiến đà hồi phục chậm lại, thể hiện qua tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32% - mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023. 

Là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang gặp những thách thức lớn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền và các nút thắt pháp lý làm suy giảm lòng tin của khách hàng và sự vận hành ổn định, bền vững của các thành viên thị trường. Với vai trò đầu ra của nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và là hạ tầng thiết yếu cho các ngành kinh tế trọng yếu như công nghiệp, du lịch, dịch vụ…,  sự suy thoái của thị trường bất động sản đang là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế chung suy giảm tốc độ tăng trưởng. 

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên Tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh đã chỉ rõ những điểm nghẽn lớn nhất với thị trường bất động sản là: “Tăng trưởng tín dụng, trong đó có dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục khi quý I/2023 chỉ đạt 1,6%; áp lực đáo hạn trái phiếu còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 100.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất của những vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án, theo thông tin từ Bộ Xây dựng. Chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai dự án. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết”.

Chẳng hạn, chỉ riêng phân khúc bất động sản du lịch, tính đến đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 83.000 căn condotel chờ giấy chứng nhận sở hữu, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50-70 năm.

Với vai trò đầu ra của nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh như vật liệu - xây dựng, nội thất, thị trường lao động… là hạ tầng thiết yếu cho các ngành kinh tế trọng yếu như công nghiệp, du lịch, dịch vụ…, sự suy thoái của thị trường bất động sản đang là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế chung suy giảm tốc độ tăng trưởng.   

Thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản như Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 -2030 và Nghị định số 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có nội dung quan trọng mở đường cho việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho sản phẩm căn hộ du lịch… vân vân… 

“Chúng tôi tin rằng các chính sách nói trên có thể tháo gỡ nhiều nút thắt thị trường, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để tạo thanh khoản và nguồn cung sản phẩm. Đồng thời, trong tầm nhìn dài hơn, những sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… cũng là những vấn đề rất quan trọng, cần được bàn luận, kiến giải từ các chuyên gia và các thành viên thị trường”, ông Lê Trọng Minh cho biết.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, kiến nghị, đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường:

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam: Thực thi chính sách cần nhanh hơn, chi tiết hơn

Thời điểm 2011-2013 thị trường bất động sản xảy ra khủng hoảng thừa, hàng hoá nhiều nhưng không hấp thụ được vào thị trường. Thời điểm này ngược lại, quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường… Tất cả các vấn đề này xuất phát từ hệ thống pháp lý, chính sách…

Chính phủ đã nhận thấy vấn đề và bắt đầu có động thái xử lý, tìm biện pháp tháo gỡ. Với vấn đề nguồn vốn thì có các gói hỗ trợ…, trái phiếu doanh nghiệp vướng mắc có Nghị định 65, Nghị định 08. Nguồn vốn có rồi, định hướng rõ tới sản phẩm nhà ở xã hội… nhưng điểm nghẽn cơ bản cuối cùng phải xử lý là pháp lý, làm thế nào để các dự án được phê duyệt, được tham gia thị trường… Chỉ khi giải quyết được bài toán này thì các dự án đầu tư mới được giải quyết các câu chuyện cơ bản.

Đ
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

 Để giải quyết triệt để vấn đề thị trường hiện nay, chúng tôi có một số đề xuất:

 Thứ nhất, xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, đây là sản phẩm này sẽ kích hoạt giao dịch tốt hơn trên thị trường, vốn đang trong tình trạng thiếu giao dịch trầm trọng. Có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, ổn định trở lại.

 Thứ hai, xây dựng và sớm ban hành các quy định quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư… Đây là các vấn đề bị vướng nhiều nhất theo thống kê của chúng tôi.

 Chẳng hạn, không phê duyệt giá đất thì không được cấp phép xây dựng, dự án đắp chiếu nằm chờ. Đặc biệt, chuyển nhượng dự án là vấn đề mong sớm được xử lý. Các doanh nghiệp suy yếu nhiều sau 2 năm đại dịch, không thể tiếp cận vốn, cần chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư có năng lực, từ đó thoát nợ, có vốn mới… Nhưng quy định là phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng, nhiều dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng, để có sổ đỏ còn cần rất nhiều năm… Theo tôi, cần nghị định ngắn có tính chất cởi mở để có thể chuyển nhượng được dự án, đặc biệt là các dự án đã xử lý gần xong… đẩy nhanh việc đưa dự án mới tham gia thị trường, tạo nguồn cung hàng…

Thứ ba, các doanh nghiệp phải cấu trúc, tái cấu trúc để giảm chi phí sản xuất – kinh doanh, không chỉ nhằm sinh tồn mà để giảm giá thành sản phẩm

ô
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội  Các nhà thầu Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam: "Nhà thầu xây dựng có nguy cơ biến mất"

Đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ. Ngành xây dựng đóng góp 6% vào GDP Việt Nam 2022. Thị trường bất động sản cần xây dựng, không có xây dựng thì không có dự án, không có bộ mặt đô thị…

Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý 1/2023 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023. Đây là trạng thái bi bét nhất từ trước tới nay.

 Khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà Hoà Bình là dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Vấn đề ở đây là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, lãi vay 11-13%/năm, trường hợp chủ đầu tư khó khăn như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây… Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong…

 Ở góc độ chủ đầu tư, tôi nhận thấy chúng tôi kỳ vọng những điểm nghẽn pháp lý được xử lý, thông suốt. Về nguồn vốn, bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp có thể xoay sở, giải pháp về pháp lý mới là điều chúng tôi quan ngại nhất.

TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia: "Cần làm nhanh để tránh đổ vỡ thị trường"

 Mỗi khi thị trường bất động sản lao dốc thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đều giảm sút và rơi vào cảnh khó khăn. Nếu không đủ năng lực tài chính để xử lý thì sẽ lan sang nhiều lĩnh vực khác. Bất động sản là ngành quan trọng với nền kinh tế, có độ lan toả cao và là một ngành luôn tạo ra khủng hoảng kinh tế. Theo nghiên cứu về khủng hoảng từ những năm 1970 tới nay, chí có 2 nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế là tỷ giá hối đoái (gần đây ít xảy ra vì cơ chế thả nổi) và thị trường bất động sản. Trong 15 năm trở lại đây, phần lớn khủng hoảng bắt đầu từ thị trường bất động sản.

TS
TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia.

Vấn đề không chỉ là tìm cách phục hồi thị trường, mà còn là ngăn chặn rủi ro lớn với hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính. Cần tranh thủ làm thật nhanh những quyết định, cơ chế đã được ban hành. Chúng ta chưa bước tới bờ vực nhưng phải hành động thật nhanh nếu không sẽ không kịp.

Hai đối tượng theo tôi nên tập trung hiện nay là các doanh nghiệp bất đống sản đang điêu đứng. Đây là nhóm không có khả năng tiếp cận vốn mới từ ngân hàng, đang trong quá trình đàm phán tái cấu trúc, đảo nợ…

 Thứ hai là người mua bất động sản theo hướng đầu tư, những người phải vay tiền ngân hàng để mua bất động sản, hiện phải chịu lãi vay cao, không thanh khoản được bất động sản đã mua. Đối tượng này nợ ngân hàng và nếu xảy ra vấn đề thì cả người vay và nhà băng cho vay phải gánh chịu hậu quả.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam: Nhận diện khó khăn lớn của thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản đối diện nhiều thách thức đến từ vĩ mô – chính trị, chính sách pháp lý, thị trường vốn, khó khăn thị trường bất động sản.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam.

Về vĩ mô – chính trị, IMF dự báo kinh tế suy thoái nhẹ cuối năm nay. Lạm phát ở các quốc gia đang ở mức cao, các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Việt Nam đang ở mức thấp thứ 2 trong 10 năm qua. Đây là những yếu tố tác động lớn tới thị trường bất động sản.

Thứ hai là chính sách pháp lý. Lớn nhất là vướng mắc trong thủ tục cấp phép dự án, riêng tại TP.HCM có 116 dự án chưa được tháo gỡ; chưa nhất quán giữa các quy định điều chỉnh của các luật; động thái tăng cường thanh tra, kiểm tra… ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.

Thứ ba, thị trường vốn. Có 3 kênh  vốnchính trên thị trường. Đầu tiên là vốn vay ngân hàng, các chủ đầu tư dùng đòn bẩy vốn vay là nhiều nhất, thứ hai kênh trái phiếu, thứ ba là từ khách hàng. Cả 3 kênh này hiện đang bị tắc và khó.

Từ giữa tháng 4/2022 khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát vốn cho vay bất động sản, thì nguồn vốn từ kênh này bị tắc nghẽn, thị trường đảo chiều nhanh chóng. Năm 2023, với kênh trái phiếu, có khoảng 300.000 tỷ đồng sắp đáo hạn. Từ tháng 5 tới tháng 9 là thời điểm cao điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp với con số lớn.Room tín dụng ngân hàng, hiện đã tăng nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp thì điều kiện tiếp cận vốn rất khó.

Thứ tư, khó khăn của thị trường xuất phát từ nguồn cung, sức cầu, mặt bằng giá và tâm lý. Hiện nguồn cung rất khan hiếm trên thị trường, chỉ bằng khoảng 10% so với giai đoạn trước, có những phân khúc lượng cung giảm tới 79%, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng gần như đóng băng nhiều năm nay.

Thực tế, nguồn cung tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Riêng với căn hộ hạng C tại TP.HCM, 3 năm rồi không có dự án nhà ở thương mại có giá 35 triệu đồng/m2. Có thể nói căn hộ hạng C tại TP.HCM đã “tuyệt chủng”. Với nhà ở xã hội, cả năm 2022 chỉ có 9 dự án trên cả nước.

Lệch pha cung cầu là vấn đề rất lớn hiện tại, kéo theo hệ quả là sức cầu thị trường. Nhu cầu hiện chỉ bằng 20-30% cùng kỳ năm trước ở hầu hết các phân khúc.

Theo đó, giải pháp tháo gỡ cần đồng bộ ở cả 4 vấn đề này và chia làm 3 nhóm chính: góc độ quản lý nhà nước; doanh nghiệp bất động sản và góc độ người mua.

Ở góc độ quản lý nhà nước, các bộ ban ngành đã có động thái tích cực nhưng ở mức độ nào đó cần hướng dẫn cụ thể hơn, đẩy nhanh hơn.

Với doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp đều đã vận động, bắt đầu tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy; chủ động đàm phán với trái chủ, giãn thời gian đáo hạn các lô trái phiếu. Ưu tiên phát triển những dự án chiến lược, đã hoàn thiện pháp lý, tránh việc đầu tư dàn trải…

Góc độ người mua, sau chu kỳ bất động sản hiện nay, tính minh bạch của thị trường gia tăng, kiến thức của nhà đầu tư tăng. Đã qua thời nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng, bây giờ tập trung vào trung dài hạn, phù hợp với sự phát triển bền vững. Hiện tại, cần cân nhắc tỷ lệ đòn bẩy vay mua bất động sản, có kế hoạch trả nợ gốc và lãi phù hợp, hiệu quả.

Ông Gibran Bukhari, Giám đốc Kinh doanh Masterise Home: "Khách hàng đang có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi"

Hiện tại, khách hàng và nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi và nghe ngóng nhiều hơn. Các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có Masterise Home đều thực thi các biện pháp vượt qua khó khăn. Theo tôi, đây là thời điểm phù hợp để mua hơn là chờ đợi.

Ông Gibran Bukhari, Giám đốc Kinh doanh Masterise Home
Ông Gibran Bukhari, Giám đốc Kinh doanh Masterise Home

Bên cạnh đó, tôi cho rằng nhà đầu tư không nên tìm tới các sản phẩm đang xuống giá, vì đó là sản phẩm phải điều chỉnh về giá trị thực. Trên thị trường, các sản phẩm đáng sống vẫn giữ nguyên giá trị và luôn hấp dẫn. Những chủ đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính tốt sẽ luôn mang tới giá trị cho khách hàng và sẽ đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư.

Tôi đã tới nhiều thị trường quốc tế và các nhà đầu tư luôn quan tâm tới thị trường Việt Nam, điều này cho thấy tiềm năng của thị trường là rất tích cực.

Masterise Homes xác định tự “gỡ vướng” bằng cách củng cố niềm tin của khách hàng bằng tiến độ tốt và chất lượng đúng với cam kết. Riêng trong tháng 3 vừa qua, Masterise Homes đã cất nóc 3 dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sắp mở cửa căn hộ và dinh thự mẫu tại dự án để khách hàng có thể trực tiếp trải nghiệm một cách chân thật về chất lượng thiết kế, xây dựng và hoàn thiện.

Hai là tạo động lực từ những ưu đãi giải pháp gia tăng giá trị cho khách hàng, để sản phẩm họ mua giá trị luôn tăng theo thời gian. 

Ví dụ như chính sách thanh toán nhàn hạ, mua căn hộ sắp bàn giao nhưng không lo thanh toán gấp, hay gói cam kết cho thuê shophouse, hay gói hỗ trợ hoàn thiện nội thất.

Ba là mở rộng phạm vi kinh doanh ra thị trường quốc tế. Có một thực tế là trái với khách hàng trong nước, khách hàng nước ngoài có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của bất động sản Việt Nam. Mới đây báo cáo của Knight Frank công bố cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến của nhà đầu tư Singapore sở hữu BĐS ở nước ngoài. Vì vậy chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động bán hàng ở thị trường nước ngoài, và những giao dịch sôi động ở thị trường quốc tế cũng tạo niềm tin cho khách hàng trong nước.

Luật sư Nguyễn Hải Thảo, Công ty Mayer Brown (Viet Nam) LLC: "Cần thay đổi chính sách và chủ đầu tư tự vận động"

Từ thời điểm khủng hoảng toàn cầu 2008 cho tới nay, các hoạt động đầu tư tại Việt Nam vẫn diễn ra liên tục. Vào thời điểm khó khăn đó, các doanh nghiệp bất động sản và các chủ đầu tư đều gặp khó khăn và lên tiếng dữ dội. Tuy chính quyền đã có những phản ứng rất nhanh, nhưng để chính sách thực sự phát huy hiệu quả cần thời gian dài hơn, có thể mất vài năm.

Luật sư Nguyễn Hải Thảo, Công ty Mayer Brown (Viet Nam) LLC
Luật sư Nguyễn Hải Thảo, Công ty Mayer Brown (Viet Nam) LLC

 Hiện tại, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành nhưng theo tôi, không thể tạo nên thay đổi ngay trong một quý. Để gỡ vướng cho thị trường, cần cả yếu tố thay đổi chính sách và chủ đầu tư tự vận động.

 Có một số vấn đề về pháp lý có thể cân nhắc. Ví dụ, Luật nhà ở hiện nay quy định nguồn vốn dùng để phát triển các dự án nhà ở thương mại không bao gồm vốn vay nước ngoài. Có nên cho phép doanh nghiệp phát triển bất động sản thương mại được phép vay vốn nước ngoài? Thật ra doanh nghiệp vẫn thực hiện nhưng đi đường vòng để phù hợp với quy định pháp luật.

 Theo tôi, các quy định pháp luật đã đầy đủ, nhưng vấn đề nằm ở chuyện diễn giải pháp luật. Ở mỗi trường hợp, mỗi địa phương vẫn diễn ra những cách diễn giải khác nhau, điều này cũng tạo nên cái khó cho chủ đầu tư, doanh nghiệp. Các luật sú cũng phải điều chỉnh tư vấn và cập nhật thái độ ứng xử với các diễn giải và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng: "Khó khăn cũng là cơ hội cho thị trường"

 Khó khăn vướng mắc của thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cũng nhiệm vụ của các doanh nghiệp.

 Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường. Chúng ta đã thấy nhiều giải pháp được triển khai đã có kết quả cụ thể và tác động tích cực với thị trường. Tại thời điểm này Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi 3 chính sách rất quan trọng: Luật Đất đai, Luật nhả ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Những nội dung như chính sách về chuyển nhượng dự án bất động sản và nhiều nội dung khác đã được sửa đổi, bổ sung thì Quốc hội cơ bản rất đồng tình và cho thêm một số ý kiến để Chính phủ sửa đổi và nghiên cứu, trình Quốc hội trong cuộc họp tháng 5 tới.

 Với các chủ đầu tư, tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng, thời điểm này có nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội để điều chỉnh và cơ cấu lại các hoạt động cho phù hợp, tự cân bằng. Thị trường sẽ có những thanh lọc và lựa chọn nhất định đối với các chủ thể tham gia thị trường, ví dụ như môi giới, cung cấp, nhà thầu, tư vấn... Khó khăn, thách thức luôn đồng hành với cơ hội cho người có khả năng vượt lên.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hộ
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộ

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Cần bổ sung thêm các quy định để gia tăng cơ hội cho thị trường",

 Tôi rất chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tôi có thêm một ý khác khi nhận diện vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Thị trường đang vận động và gặp ách tắc. Vấn đề là tại sao thị trường dừng lại? Khung pháp lý là vấn đề mấu chốt, nhưng khung pháp lý này đã đưa vào áp dụng từ năm 2014 tới nay?

 Theo tôi, cần tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất, phải giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng nhất, nếu ưu tiên giải quyết sẽ có tác động lan toả.

 Thứ hai là nếu các dự án đang chậm lại vì thủ tục chưa phù hợp, đòi hỏi nhanh hơn thì cần đơn giản hoá các chính sách trùng lặp, chồng chéo để tiết kiệm thời gian. Sắp tới sửa 3 Luật, nhưng chắc chắn cần thêm thời gian. Vì vậy, có thể bổ sung thêm các quy định để gia tăng cơ hội cho thị trường. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc vướng thông tư thì sửa thông tư, một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định.

Sắp tới, trong quá trình sửa các Luật liên quan, tôi khuyến nghị, chúng ta xây dựng theo hình tháp, một Luật có nhiều thông tư, Nghị định nhưng tôi cho rằng nên xây dựng Luật theo hình tháp ngược. Nghĩa là một thông tư, nghị định có thể hướng dẫn nhiều Luật có liên quan đến vấn đề đó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản