Phác thảo diện mạo thành phố thông minh
Hữu Tuấn - 01/05/2018 07:40
 
Bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, thành phố thông minh (Smart City) tại Việt Nam sẽ giải quyết các vấn đề cấp thiết của người dân, đưa địa phương “cất cánh” bay cao…

“Đo ni đóng giày” cho Smart City TP.HCM

TP.HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc như nạn kẹt xe, ngập nước. Nạn kẹt xe mỗi năm gây thiệt hại khoảng 27.000 tỷ đồng, còn nạn ngập nước gây thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Vậy khi xây dựng Smart City, các vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?

Trong tương lai không xa, người dân ra đường chỉ cần bật bản đồ hoặc Apps trên smartphone để kiểm tra lộ trình của mình có bị tắc nghẽn không. Trên mỗi tuyến đường, cột đèn giao thông tại TP.HCM sẽ trang bị hệ thống camera giám sát chuyển hình ảnh về trung tâm xử lý. Hệ thống sẽ tự động đo đếm lượng phương tiện, phân tích và điều khiển hệ thống đèn giao thông phù hợp, không cần sự can thiệp của con người. 

Phú Quốc đang từng bước trở thành đô thị thông minh để phát triển bền vững và tiến tới thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đủ sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế
Phú Quốc đang từng bước trở thành đô thị thông minh để phát triển bền vững và tiến tới thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đủ sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế

Ngoài hệ thống bản đồ số, sẽ có hệ thống vé điện tử cho hành khách đi xe bus, hệ thống thu phí tự động tại các trạm BOT, các trạm cân tự động, chọn chỗ đỗ xe thông minh… 

Giao thông thông minh chỉ là một phần trong việc hướng đến xây dựng Smart City TP.HCM. Bằng các hệ thống cảm biến, đo đạc tự động và phân tích thông minh về môi trường, TP.HCM sẽ dự báo được tình trạng ngập nước, triều cường, từ đó có thể cảnh báo và có phương án xử lý sớm, tránh gây thiệt hại cho người dân. 

“Trong lĩnh vực y tế, khi một bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện nào đó, tất cả hồ sơ của người này đã được lưu trữ mà không cần phải dùng sổ khám bệnh như hiện nay. Các dữ liệu đều được cập nhật dùng chung cho tất cả các bệnh viện và liên thông với hệ thống thanh toán của Bảo hiểm Y tế. Cùng với đó, hệ thống công nghệ cũng sẽ khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng khám chữa bệnh”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết.

Theo lộ trình của Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Smart City TP.HCM sẽ mang lại những tiện ích cho người dân như: dịch vụ chính quyền điện tử, hệ thống giao thông thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải… Có 7 lĩnh vực đột phá được ưu tiên phát triển gồm: cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; giao thông; chống ngập; môi trường; y tế, dịch vụ sức khoẻ cộng đồng, an toàn thực phẩm; an ninh trật tự an toàn xã hội; chỉnh trang đô thị.

Giao thông thông minh chỉ là một phần trong việc xây dựng Smart City
Giao thông thông minh chỉ là một phần trong việc xây dựng Smart City

Điểm thông minh của Smart City TP.HCM là một “khung kiến trúc công nghệ mở” để các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng và người dân có thể giám sát một cách minh bạch. Khung công nghệ cho Smart City TP.HCM được tích hợp những công nghệ tiên tiến trong một mô hình kiến trúc thống nhất và có tính mở, kế thừa những thành quả về ứng dụng công nghệ thông tin của TP.HCM. 

“Khung công nghệ sẽ là nền tảng để TP.HCM thiết lập những năng lực cơ bản của một đô thị thông minh, đó là: phân tích, dự báo trên nền tảng dữ liệu lớn, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực chuyên ngành, cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp và các ứng dụng - tiện ích thông minh phục vụ mọi mặt của đời sống xã hội”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết.

Phú Quốc: Đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam

Nếu như những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương… xây dựng Smart City với những đặc trưng riêng của mình, phục vụ hàng triệu người dân, thì cấp đô thị thông minh nhỏ hơn như Phú Quốc cũng được thiết kế theo nhu cầu của chính địa phương. 

Phú Quốc đang từng bước trở thành đô thị thông minh và những tiện ích thông minh đã xuất hiện tại huyện đảo này ngay từ đầu năm 2018. Khi bước chân xuống sân bay Phú Quốc, nơi 4G phủ sóng “tận chân răng”, wifi free khắp đảo, du khách sẽ nhận được thông báo qua smartphone, website, Apps về thời tiết, giới thiệu về Phú Quốc, bản đồ các điểm du lịch, các đặc sản của Phú Quốc… 

Thậm chí, du khách sẽ được báo resort nào còn phòng trống, giá phòng, giá dịch vụ các điểm du lịch và cả cảnh báo sóng lớn, thời tiết thích hợp cho các môn thể thao trên biển… Smart City Phú Quốc còn có cả hệ thống lưu trú trực tuyến ghi nhận thông tin lưu trú của du khách.

Du khách cũng sẽ thường xuyên được cập nhật kết quả quan trắc môi trường từ 4 trạm quan trắc không khí và 1 trạm quan trắc nguồn nước. Hệ thống sẽ thông báo các chỉ số không khí, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, các chỉ số nguồn nước… cho du khách.

Hệ thống giao thông thông minh Phú Quốc cũng đã hoàn thành với hệ thống camera giám sát khắp đảo, giúp điều tiết, xử lý giao thông thuận lợi. Đặc biệt, với hệ thống này, các khu vực công cộng, khu dân cư trọng điểm, phức tạp sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và người dân trên đảo. 

Cùng với đó là giải pháp thành phố an toàn (safe city) với các ứng dụng trên di động giúp người dân, du khách có thể báo cáo sự cố (tai nạn, trộm cắp, các hành vi vi phạm trật tự an ninh đô thị…) cho cơ quan quản lý, cũng như giúp cơ quan và lực lượng có trách nhiệm nhanh chóng tiếp nhận, điều động xử lý.

Giờ đây, doanh nghiệp, người dân Phú Quốc sẽ không phải đi tàu vào Kiên Giang để giải quyết các thủ tục hành chính. Hệ thống chính quyền điện tử của Phú Quốc đã cung cấp gần 450 thủ tục hành chính công mức 3 cấp huyện và cấp xã. Hệ thống đã sẵn sàng kết nối liên thông từ cấp xã tới các sở, ngành trong toàn tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp tại Phú Quốc có thể thực hiện các thủ tục hành chính như dịch vụ cấp phép, đăng ký giấy tờ... trực tuyến. Mỗi công dân sẽ có một tài khoản điện tử để giao dịch với chính quyền các cấp.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Phú Quốc là một viên ngọc, nhưng sau 10 năm tăng trưởng kinh tế, đã bộc lộ nhiều hạn chế, nếu không giải quyết kịp thời, sẽ phát triển không bền vững, như ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, mức độ hài lòng của du khách, dịch vụ hành chính công phục vụ người dân… 

“Vì vậy, xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc là chủ trương quyết đoán, kịp thời để Phú Quốc phát triển bền vững và tiến tới thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đủ sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế”, ông Nghiệp khẳng định.

Hiện trên cả nước có hơn 30 mô hình Smart City đang được các doanh nghiệp như VNPT, Viettel phối hợp với Microsoft, Fujitsu, IBM… triển khai. Mỗi địa phương đều đặt ra những “đề bài” khác nhau phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của địa phương. Vì vậy, rất khó tìm ra một “mẫu số chung” cho các Smart City tại Việt Nam. Nhưng chắc chắn ằng, việc xây dựng Smart City sẽ mang lại sự thay đổi của chính quyền, lợi ích to lớn cho người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản