Quảng Nam kiến nghị gỡ khó cho dự án bất động sản
Linh Đan - 24/03/2024 08:39
 
Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV xem xét gỡ khó cho các dự án bất động sản, trong đó có hàng chục dự án đến nay vẫn chưa xác định được giá đất.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 30 dự án bất động sản triển khai chậm, gặp các vướng mắc với nhiều nguyên nhân. Cụ thể, 9 dự án Sở Xây dựng đang thẩm định chi phí đầu tư xây dựng; 2 dự án đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; 5 dự án đơn vị tư vấn đang thực hiện; 1 dự án Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh đang thẩm định; 4 dự án đã trình Hội đồng Thẩm định giá đất, nhưng bị hoàn trả hồ sơ; 5 dự án đã trình UBND tỉnh và bị hoàn trả hồ sơ; 5 dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hợp đồng với các đơn vị tư vấn có chức năng để lập lại chứng thư thẩm định giá đất và xem xét, trình Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh.

Do việc tạm dừng các thủ tục hành chính về đất đai (tạm dừng việc cấp giấy theo block với các diện tích còn lại, tạm dừng việc chuyển nhượng, tách thửa cho bên thứ ba) nên rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khó khăn và có đơn kiến nghị.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV xem xét các hướng xử lý.

Đối với các dự án kinh doanh bất động sản nhà ở đã hoàn thành xong 100% việc đầu tư hạ tầng, đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo các quyết định phê duyệt giá đất trước đây, đã quyết toán xong hồ sơ dự án, UBND tỉnh kiến nghị thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo block) và cho phép tách thửa chuyển nhượng đến 80% diện tích đất ở của dự án; đối với phần diện tích 20% còn lại, thì nhà đầu tư phải cam kết không chuyển nhượng và chờ sau khi có kết quả xác định lại giá đất, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) thì mới tiếp tục cấp giấy và cho phép tách thửa chuyển nhượng.

Đối với các dự án đã cơ bản hoàn thành hạ tầng khung theo quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn một phần nhỏ diện tích đất vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng (không ảnh hưởng đến hạ tầng khung của dự án), UBND tỉnh kiến nghị giao nhà đầu tư làm việc cụ thể với UBND các huyện, thị xã, thành phố để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Trong trường hợp không thể thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng thì cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch và kết thúc dự án để cấp giấy và cho phép tách thửa chuyển nhượng”, ông Lê Trí Thanh nêu quan điểm với Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV.

Đối với các dự án còn lại, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai khắc phục nhanh những sai sót mà Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ ra; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn chỉnh dự án để tiến hành cấp giấy, cho phép tách thửa chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, Luật Đất đai hiện hành (Điều 52) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không quy định đối với trường hợp dự án được giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng 34 dự án/71 quyết định giao, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, các quyết định giao đất, cho thuê đất nêu trên là chưa đảm bảo quy định pháp luật đất đai hiện hành (kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu là giao đất không đúng với diện tích đất theo phân kỳ chủ trương đầu tư).

Điều này làm phát sinh trường hợp, một dự án được giao, cho thuê đất nhiều lần và phải xác định nhiều giá đất tương ứng theo các thời điểm giao đất, cho thuê đất, đồng thời phát sinh ngân sách nhà nước trong việc thuê đơn vị tư vấn xác định nhiều lần phương án giá đất cụ thể trong cùng một dự án.

Hiện nay, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP, tại quy định chuyển tiếp (Điều 3) chỉ xem xét, xử lý đối với trường hợp đã giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013.

Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương xem xét đối với các dự án đã giao đất, cho thuê đất nhiều đợt theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2023 trở về trước và trên thực tế doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục về xây dựng (đã có giấy phép xây dựng), đã triển khai thi công các công trình, hạng mục đầu tư, thì không thu hồi, hủy bỏ các quyết định giao đất, cho thuê đất đã ban hành; đồng thời, cho phép UBND tỉnh tiếp tục triển khai công tác xác định giá đất (khoảng 30 dự án còn tồn đọng chưa làm giá đất) theo quy định tại Nghị định số 12/2024/NĐ-CP.

Đối với các dự án đã thực hiện giao đất theo tiến độ bồi thường trước đây, UBND tỉnh kiến nghị cho phép điều chỉnh dự án đầu tư (thực hiện việc phân kỳ đầu tư) để giao đất theo tiến độ đầu tư thành 2 đợt (đợt 1, giao đất đối với các diện tích nhỏ lẻ, “da beo” để hoàn chỉnh hạ tầng khung theo quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đợt 2, giao toàn bộ 100% diện tích còn lại để hoàn thành toàn bộ hạ tầng dự án theo quy hoạch chi tiết 1/500)…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản