Quý III/2022, TP.HCM sẽ ban hành quy trình rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Trọng Tín - 07/07/2022 13:39
 
Quy trình sẽ được rút ngắn từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với dự án có nguồn gốc đất của tư nhân và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với các dự án nguồn gốc đất công.

Sáng 7/7, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân về Chương trình phát triển Nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030, trong đó “nóng” nhất là liên quan đến phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã gửi đến Sở Xây dựng những vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, bởi theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở, nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội là 10% trong tổng số nguồn ngân sách, còn lại là thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Tuy nhiên, phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa thút hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, bởi thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội luôn khó khăn hơn so với việc đầu tư nhà ở thương mại, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM trả lời chất vấn
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM trả lời chất vấn

Theo đại biểu Lê Xuân Viên, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 vượt chỉ tiêu, điều này đã cho cho thấy Thành phố rất nỗ lực trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở.

Tuy nhiên, dù kết quả thực hiện tổng thể vượt chỉ tiêu, nhưng nếu nhìn tổng thể, nhà ở thương mại đạt 213% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ đạt 123% chỉ tiêu, còn dự án nhà ở xã hội lại chỉ đạt 69%.

Báo cáo về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố, cho biết trong giai đoạn sắp tới, Thành phố đặt mục tiêu phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, tăng thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Quân cũng đưa ra sáu giải pháp để thực hiện.

Thứ nhất, Sở Xây dựng đã rà soát về quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại là 33 dự án. Trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, có thể triển khai ngay trong năm 2022 - 2023.

“Nếu xây dựng xong 14 dự án này sẽ đáp ứng được khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025. Nếu triển khai xây dựng xong toàn bộ 33 dự án nêu trên, Thành phố sẽ có thêm 70.000 căn nhà ở xã hội đến trong thời gian tới”, ông Quân cho biết.

Giải pháp thứ hai là rà soát, sắp xếp lại quỹ đất do nhà nước quản lý, bổ sung chỉ tiêu nhà ở xã hội để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án này. Theo ông Quân, hiện Thành phố đã chỉ đạo các quận huyện, TP. Thủ Đức và Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương rà soát để sớm đưa ra các chỉ tiêu cụ thể.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đang rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, các quỹ đất có quy mô lớn để tổ chức đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án là rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiện dự án.

Ông Quân cho biết hiện Sở Xây dựng đã tham mưu Thành phố quy trình rút ngắn từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với dự án có nguồn gốc đất của tư nhân và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với các dự án nguồn gốc đất công.

“Dự kiến quý 3/2022, Thành phố sẽ ban hành quy trình này”, ông Quân thông tin thêm.

Một nhiệm vụ nữa, ông Quân cho biết Sở Xây dựng đã đề xuất Thành phố mạnh dạn ủy quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Sở cũng đề xuất Thành phố dùng nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án nhà ở xã hội để có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phục vụ người lao động thu nhập thấp.

Liên quan đến quỹ đất xây nhà cho công nhân thuê, ông Quân cho biết, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 cho phép sử dụng đất thương mại trong khu công nghiệp, khu chế xuất để xây nhà lưu trú công nhân.

“Việc này đã tháo gỡ cho việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân ngay trong khu chế xuất, khu công nghiệp”, ông Quân nói và thông tin thêm, theo rà soát của Sở Xây dựng, hiện có khoảng 6 dự án trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có thể xây nhà cho công nhân thuê.

Có 16 chung cư thường xảy ra “điểm nóng” về tranh chấp chung cư

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng khi tình hình tranh chấp ở các chung cư trên địa bàn xảy ra ngày càng nhiều. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM, cho biết việc tranh chấp giữa ban quản trị và ban quản lý chung cư với cư dân có dấu hiệu tăng. Ở đây đang có sự xung đột về lợi ích.

Do đó, bà Châu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp để quản lý, nhất là đảm bảo hài hòa giữa ban quản trị và ban quản lý chung cư, để không tạo "điểm nóng", làm mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận đây là vấn đề rất nóng trên địa bàn của thành phố giữa cư dân với ban quản trị, giữa cư dân với chủ đầu tư khi có tranh chấp về hợp đồng, điều kiện sống, chi phí vận hành, bảo trì 2%... Việc này đã dẫn đến khiếu nại khiếu kiện của các cư dân trong các chung cư.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có 16 chung cư thường xảy ra điểm nóng vì hay có khiếu nại khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản trị.

Để giải quyết vấn đề này, tháng 6.2022, Sở Xây dựng đã ban hành kế hoạch 5272, phối hợp cùng với các quận, huyện, TP. Thủ Đức tổ chức kiểm tra để rà soát tính pháp lý các dự án cũng như việc thực hiện giao kết giữa ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư.

“Đến cuối tháng 7/2022, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp việc thực hiện kế hoạch trên”, ông Quân nói và thông tin thêm đến nay đã có quận, huyện hoàn thành việc rà soát các chung cư trên địa bàn.

Đến ngày 30/7, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM việc này, trong đó có tham mưu biện pháp chế tài xử lý trường hợp cố tình vi phạm. Từ đó, giải quyết căn cơ khiếu nại khiếu kiện cũng như các “điểm nóng” liên quan đến chung cư trên địa bàn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản