Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà ở công nhân: Những mảng màu sáng - tối (Bài 2): Khu công nghiệp chưa thiết tha, công nhân phải "lê la" ở trọ
Nhóm phóng viên TP.HCM - 03/06/2022 08:53
 
Phần lớn công nhân KCN phải ở trọ nhà dân. Không riêng Đồng Nai, Bình Dương, ngay cả TP.HCM - vốn được xem là “thiên đường”, phần lớn nhà trọ không đảm bảo yêu cầu về ánh sáng, thông gió…
Khu nhà lưu trú cho công nhân của Công ty Showa Gloves (Bình Dương)
Khu nhà lưu trú cho công nhân của Công ty Showa Gloves (Bình Dương)

Bài 2: Khu công nghiệp chưa thiết tha, công nhân phải "lê la" ở trọ

Phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp phải ở trọ ngoài nhà dân. Không riêng Đồng Nai, Bình Dương, mà ngay cả TP.HCM - vốn được xem là “thiên đường”, thì phần lớn nhà trọ không đảm bảo yêu cầu về ánh sáng, thông gió…

Chốn “ngủ ngon” như “muối bỏ biển”

Theo ghi nhận của chúng tôi, những nơi doanh nghiệp, khu công nghiệp xây được khu lưu trú cho công nhân, thì đời sống, giấc ngủ của người lao động được đảm bảo. Nhưng con số này như muối bỏ biển.

Điển hình, TP.HCM có khoảng 2,2 triệu công nhân, nhưng chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, số còn lại phải thuê phòng trọ.

Tương tự, Đồng Nai có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp, song đa số công nhân phải thuê nhà trọ để ở.

Bình Dương có khoảng 1,6 triệu lao động, đa số là người ngoại tỉnh. Tỉnh này có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 50.000 người, số còn lại phải thuê nhà.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp đang hoạt động, 75 khu công nghiệp đang được quy hoạch và có trên 16 triệu công nhân, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách.

Tổng giám đốc một công ty quản lý, vận hành một khu công nghiệp ở Đồng Nai cho biết, chính sách, thủ tục xây dựng nhà cho công nhân trong khu công nghiệp còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở. Suốt 7 năm qua, công ty ông chưa thể giải quyết được thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân trong một khu công nghiệp ở Nhơn Trạch, cho dù rất nỗ lực.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), công nhân là một trong 10 nhóm đối tượng quy định được hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 49, Luật Nhà ở. Tuy nhiên, là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội, nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng. Do đó, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân và sinh sống ở nơi chật chội, thiếu thốn.

Khi dịch bệnh bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo… Cộng với đó là khó khăn về việc làm, khiến nhiều lao động bỏ việc về quê, gây thiếu hụt nguồn lao động, có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi sản xuất.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tính toán, trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà cho công nhân khu công nghiệp lên tới 163.500 căn. Đó là chưa tính các loại hình khác mà người lao động cũng cần như nhà ở xã hội khoảng 294.600 căn, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn.

Chỗ “ngả lưng” dân tự xây, đến thở còn thiếu không khí

Vì nhà ở do khu công nghiệp hay doanh nghiệp xây quá hiếm hoi, nên phần lớn công nhân phải ở trọ tại các phòng trọ do dân xây cho thuê.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung, với hơn 150.000 phòng, đáp ứng nhu cầu cho 450.000 người lao động.

Tương tự, Bình Dương hiện có 602.466 phòng trọ cho thuê, nhưng số nhà trọ đạt chuẩn chỉ hơn 10%, còn lại thiếu không gian công cộng, thiếu hệ thống thông gió, ánh sáng, chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm...

Theo thống kê mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn Thành phố hiện có hơn 60.400 nhà trọ với hơn 560.000 phòng do người dân tự xây dựng cho công nhân, người lao động thuê ở.

Năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân xây dựng phòng ở, nhà ở cho thuê. Trong đó, quy định diện tích sử dụng của phòng trọ không nhỏ hơn 10 m2, chiều rộng không nhỏ hơn 2,4 m, chiều cao chỗ thấp nhất không nhỏ hơn 2,7 m. Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ bảo đảm nhu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên…

Kết quả khảo sát của sở này mới đây cho thấy, tại TP.HCM, trong số hơn 560.000 phòng trọ cho thuê, có hơn 200.000 phòng không đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh; hơn 200.000 phòng có mái nhà dễ cháy, thấm dột; hơn 200.000 phòng không có cửa sổ.

Như vậy, đa số phòng, nhà trọ dân xây cho công nhân thuê ở không đáp ứng các tiêu chí “sống” mà cơ quan chức năng hướng dẫn.

Ông Nguyễn Minh H., chủ một dãy nhà trọ hơn 15 căn nằm trên phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức dẫn chúng tôi vào hành lang tầng trệt với hai dãy phòng hai bên. Hành lang tối lờ mờ, nhìn không rõ mặt người. Căn phòng ông H. định cho thuê nằm ở tầng trệt, diện tích chưa tới 13 m2, có bếp và nhà vệ sinh, gác xép, đủ chỗ nằm cho 3 người. Ông H. nói, nếu 3 - 4 người ở thì giá 1,4 triệu đồng/tháng, ở một người ông lấy 1,3 triệu đồng/tháng.

“Việc xin phép và xây dựng nhà trọ không dễ. Hơn 20 nhà trong xóm tôi, không ai xin được giấy phép xây dựng nhà trọ vì tiêu chuẩn, thủ tục, bản vẽ rắc rối. Chúng tôi phải xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, rồi sau đó mới xây ngăn thành phòng trọ, nên không thể tuân thủ mật độ xây dựng, khoảng lùi... như giấy phép”, ông H. bật mí.

Điểm nữa, giấy phép xây dựng là nhà ở, nên chủ nhà trọ không thể trình phương án kinh doanh khi vay ngân hàng, nên phải chịu lãi suất cao theo diện vay tiêu dùng. Chi phí cao buộc phải thu lại với giá cao.

Với thực trạng nhà ở công nhân tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM mà chúng tôi tiếp cận, nhà trọ do người dân xây chỉ là chốn “sống tạm qua đêm”, chứ không thể “an cư” hay tái tạo sức lực.

Cầu lớn, nhưng không dễ tăng cung

Khu lưu trú công nhân Thiên Phát nằm trong Khu chế xuất Linh Trung II (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) có gần 400 căn hộ. Mỗi căn diện tích 35 m2, giá thuê 1,7 - 2,2 triệu đồng/tháng. Các phòng được ban quản lý đăng ký tạm trú dài hạn để người thuê sử dụng điện, nước đúng giá. Ngay tầng trệt, chủ đầu tư mở nhà trẻ, nhận giữ ngoài giờ để lao động thuận tiện tăng ca. Công nhân muốn thuê phải có hợp đồng lao động.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát cho hay, sau gần 7 năm hoạt động, khu lưu trú luôn kín chỗ. Lúc nào khu nhà cũng có hơn 30 công nhân đăng ký trong danh sách chờ phòng trống để thuê.

Theo ông Lợi, nhu cầu thuê nhà ở lâu dài của công nhân rất lớn. Cách đây 10 năm, khi nghe Thiên Phát được cấp phép dự án nhà lưu trú cho công nhân, chủ tịch một tập đoàn của Nhật Bản, đầu tư vào khu công nghệ cao, đã đề nghị được trả trước 15 năm tiền thuê để giữ chỗ cho người lao động của mình.

“Chúng tôi cũng muốn xây mới và làm ngay, nhưng để thực hiện không phải dễ”, ông Lợi nói và dẫn chứng, đối diện khu lưu trú này là dự án 500 căn, thời hạn thuê đất 50 năm, bắt đầu từ năm 2008, nhưng đến nay mới được động thổ.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai hiện có 13 dự án nhà ở công nhân đã được xây dựng. Trong đó, có 3 dự án do các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thực hiện và 10 dự án do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của người lao động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nhà đầu “ngại” hồ sơ thủ tục, căn hộ hoàn thành lại bị khống chế về giá bán. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp chỉ đề xuất thực hiện các dự án nhà ở thương mại.                              

(Còn tiếp)

Hà Nội dự tính xây dựng 1,25 triệu m2 nhà ở xã hội
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội về Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư