Sức nóng bất động sản công nghiệp dịu bớt
Lê Quân - 06/06/2021 09:18
 
Giá chào thuê và các giao dịch thuê đất công nghiệp có chiều hướng hạ nhiệt trong 2 đợt bùng phát Covid-19 gần đây, song về lâu dài, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Nam đều khá ổn định trong quý I/2021 	ảnh: lê toàn
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Nam đều khá ổn định trong quý I/2021 ảnh: lê toàn

Kiên trì với mục tiêu kép

Không chịu “nằm im” chờ Covid-19 đi qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng 36 (Công ty 36) đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh, vừa thúc tiến độ triển khai các dự án bất động sản công nghiệp tại Thanh Hóa theo kế hoạch.

Ông Đào Trung Kiên, Phó giám đốc phụ trách đầu tư - kinh doanh của Công ty 36 cho hay, từ đầu năm đến nay, một số thủ tục pháp lý đầu tư cho các cụm công nghiệp như lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng… đã được hoàn tất.

Tuy nhiên, do đặc thù là đơn vị chuyên xây lắp cho các dự án FDI, nên việc các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư và hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến tệp khách hàng của Công ty 36 bị thu hẹp. “Doanh số của chúng tôi giảm 20% so với cùng kỳ năm trước”, ông Kiên chia sẻ.

Trong khi đó, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - chủ đầu tư của Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ và KCN Quang Châu, đều nằm trong tâm dịch (Bắc Ninh và Bắc Giang) - đang phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

“Là đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, Tổng công ty không tránh khỏi những ảnh hưởng trong thời gian chống dịch, giãn cách xã hội…”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc nói.

Ứng phó với dịch bệnh, Kinh Bắc đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và các “Tổ an toàn Covid-19” để tuyên truyền, giám sát thực hiện các biện pháp phòng dịch. Lãnh đạo Tổng công ty cho biết, trong kế hoạch đầu tư năm 2021, Kinh Bắc vẫn xác định tăng tốc đầu tư hạ tầng ở một loạt dự án KCN như: Quang Châu, Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3.

Sẵn sàng đón “sóng”

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt gần 14 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bất động sản vẫn đứng vị trí thứ 3 trong top lĩnh vực đón lượng vốn ngoại lớn, với 1,05 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 0,75%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông David Jackson, CEO Công ty Quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản Colliers Việt Nam cho rằng, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và hạn chế đi lại quốc tế khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến các khu công nghiệp ở Việt Nam thận trọng hơn trong giai đoạn này.

“Họ sẽ không cử nhân viên sang Việt Nam để xúc tiến thành lập nhà máy mới hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Khó khăn trong việc sắp xếp các chuyến tham quan, các cuộc họp, đàm phán sẽ cản trở các khoản đầu tư vào Việt Nam trong ngắn hạn”, ông David Jackson cho biết.

Thế nhưng, về lâu dài, dịch bệnh khó tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI chảy vào các khu công nghiệp. Thậm chí, FDI vào Việt Nam có thể tiếp tục tăng nhờ 3 yếu tố then chốt: bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cộng với thương chiến Mỹ - Trung khiến Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn và khả thi để đầu tư; sự trỗi dậy của thương mại điện tử ở Việt Nam mang lại nhiều cơ hội; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu tài sản cố định, tiền thuê đất… của Việt Nam có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Với tầm nhìn dài hạn, Tổng công ty Kinh Bắc đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu dòng vốn đầu tư. Năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần so với năm 2020. Nguồn thu quan trọng năm 2021 của Kinh Bắc, ngoài KCN Tràng Duệ 3 (Hải Phòng), còn đến từ các KCN ở Bắc Ninh, đặc biệt là KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh. KCN này được phê duyệt từ cuối năm 2020, đang tiến hành thủ tục đón nhà đầu tư và đã được một số tập đoàn gia công sản xuất AirPods, iPad từ Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đưa vào “tầm ngắm” để đầu tư xây dựng nhà máy.

Đối với Công ty 36, trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lượng khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài bị thu hẹp, doanh nghiệp chủ động hướng tới các nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp sản xuất ở quy mô nhỏ và vừa. “Những khách hàng này tương đối phù hợp với quy mô cụm công nghiệp mà chúng tôi đầu tư. So với các dự án đầu tư nước ngoài, tiến độ lấp đầy các cụm công nghiệp sẽ kéo dài hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, song đây là giải pháp tạm thời”, ông Kiên cho hay.

Kể từ khi dịch bùng phát, Công ty 36 vừa tranh thủ thời gian hoàn thiện các sản phẩm bất động sản, xây dựng đội ngũ kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, vừa chủ động tìm kiếm quỹ đất cho dự án mới để chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam.

Chưa có đánh giá cụ thể từ phía các cơ quan chức năng và địa phương về tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đến việc thu hút FDI và thị trường bất động sản công nghiệp, nhưng ghi nhận trong quý I/2021 - giai đoạn gắn với đợt bùng phát Covid-19 lần 3, sức nóng của thị trường bất động sản công nghiệp có xu hướng dịu bớt.

Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, trong quý I/2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN ở miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) và miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) ổn định, đạt 85 - 90%. Mức giá chào thuê đất công nghiệp trung bình trong quý I/2021 cũng “mềm” hơn so với quý IV/2020. Cụ thể, tại miền Bắc, giá chào thuê đất công nghiệp cao nhất khoảng 1,8 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê; tại miền Nam, giá khoảng 1,7 triệu đồng/m2/ chu kỳ thuê và tại miền Trung là khoảng 768.000 đồng/m2/chu kỳ thuê.

 
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản