Bất động sản công nghiệp hướng đến dự án sinh thái
Trọng Tín - 12/04/2021 10:49
 
Nhiều địa phương mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào VN. Các nhà đầu tư cần hướng đến dự án sinh thái để tiết kiệm tài nguyên.

Hút lượng vốn khủng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu công nghiệp Gia Bình II (Bắc Ninh). Dự án có quy mô 250 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.956,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư - Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka để thực hiện Dự án là hơn 1.201 tỷ đồng.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái là xu hướng hiện nay. Đây là tập hợp cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên một địa bàn và cùng tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thông qua các hoạt động cộng tác về quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên. Điều này cũng có nghĩa là cộng sinh công nghiệp, hay nói cách khác, các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc trao đổi và chia sẻ nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ, từ đó tăng cường phát triển bền vững.

Trong khi đó, tại Hưng Yên, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng. Theo đó, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hòa Phát này sẽ rót hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư phần mở rộng thêm với diện tích 92,5 ha tại Khu công nghiệp Phố Nối A.

Ngoài hai địa phương nói trên, việc bổ sung và mở rộng khu công nghiệp diễn ra ở hầu hết những địa phương đang được coi là điểm đến đầu tư và có tỷ lệ đất công nghiệp cho thuê lấp đầy cao. Một báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp được Công ty CBRE Việt Nam chỉ ra, từ năm 2021 trở đi, khách thuê đất tại các khu công nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất bằng cách tìm thuê tại các khu vực mới nổi. Hiện các chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, nên nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp cũng đang lớn dần.

Nhiều địa phương xin mở rộng và quy hoạch khu công nghiệp mới với diện tích hàng ngàn héc-ta với kỳ vọng “lót ổ” đón dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, có 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 46.584 tỷ đồng và tổng diện tích hơn 5.824 ha.

Hướng đến khu công nghiệp sinh thái

Không phải ngẫu nhiên, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy và chuyển một phần dây chuyền sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ Trung Quốc. Hầu hết các báo cáo đều chỉ ra, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bởi nguồn nhân lực giá rẻ, mà còn bởi môi trường đầu tư đang ngày càng được cải thiện.

Nhận định thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục có những tăng trưởng vượt bậc, khi “nhu cầu vẫn ở mức cao và các nhà đầu tư vẫn háo hức tiến lên”, song ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc các khu công nghiệp DEEP C cho rằng, việc phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu họ muốn thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng và có thương hiệu tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có khu công nghiệp nào đạt tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái, mà chỉ có một vài dự án đang trong giai đoạn xây dựng theo tiêu chí này.

“Việt Nam cần hướng tới các nhà đầu tư và lĩnh vực cụ thể sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất có thể. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên quỹ đất và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khác”, ông Bruno Jaspaert nói.

Các chuyên gia của CBRE Việt Nam cũng lưu ý, để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ khu công nghiệp sinh thái, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp...

Do đó, bộ máy quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tại các địa phương cần tinh giản và được trang bị công nghệ thông tin hiện đại, kết nối với trung tâm thông tin FDI quốc gia và các doanh nghiệp FDI. Các địa phương cũng như những nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần phải quan tâm nhiều vấn đề khác. Đơn cử, việc đồng bộ giữa nơi sản xuất với nơi ở, nơi vui chơi giải trí của các chuyên gia và người lao động cần phải được các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp quan tâm đầu tư.

Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam, nếu chia giai đoạn hình thành hệ sinh thái công nghiệp cần phải qua 3 bước cơ bản là công nghiệp; công nghiệp - đô thị; công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thì bất động sản công nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mới phát triển trong giai đoạn thứ hai. Ban đầu khởi động bằng một vài khu công nghiệp, khu chế xuất, giờ đây đã nâng lên thành khu công nghiệp - đô thị, còn để phát triển sang hệ sinh thái khu công nghiệp cần thêm thời gian.

“Hiện một vài địa điểm có tiềm năng phát triển mô hình này, ví dụ tại khu vực phía Nam có Khu công nghệ cao ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) nhờ tính liên kết vùng rất tốt vì nằm ngay cửa ngõ vùng TP.HCM, tương lai đó sẽ là một hệ sinh thái khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam”, ông Hiếu dự báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản