Thù lao cho Ban Quản trị chung cư cao hơn lương công chức nhà nước?
Hữu Tuấn - 16/10/2015 16:04
 
Ngày 16/10, Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) phối hợp với Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam (VBMA) tổ chức Tọa đàm đóng góp ý kiến vào Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tại cuộc Tọa đàm này, nhiều vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư đã được đưa ra thảo luận, góp ý kiến cho Dự thảo Quy chế quản lý nhà chung cư.

Tòa đàm
Tòa đàm đóng góp ý kiến vào Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do VBMA tổ chức ngày 16/10/2015.

 

Ông Nguyễn Công Hồng, Phó tổng giám đốc Vihajico, Chủ đầu tư dự án Ecopark nêu thực tế, hiện nay tại Dự án Ecopark do chủ đầu tư đã làm công việc quản lý, vận hành chung cư rất tốt nên người dân không muốn thành lập Ban Quản trị. Khi tổ chức Hội nghị tòa chung cư, chỉ có đại diện 4 hộ gia đình trên tổng số 1.500 hộ dân đến họp. Vậy có cần thiết phải thành lập Ban Quản trị hay không? Mặt khác, đối với việc thành lập Ban quản trị ở một số chung cư, trong đó có Ecopark, có nhiều Block nhà thì thành lập Ban Quản trị của cả Cụm chung cư hay thành lập từng Ban Quản trị của từng tòa nhà?...

Về vấn đề này ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Luật Nhà ở đã quy định khu chung cư bắt buộc phải có Ban Quản trị từ 3-5 thành viên mỗi tòa chung cư. Thông tư và Quy chế chỉ diễn giải và làm rõ thêm.

Đối với các cụm chung cư có chung tầng hầm, chung máy phát điện dự phòng và các diện tích khác thì có thể thành lập Ban quản trị cụm chung cư. Tuy nhiên, ông Khởi cũng cho biết, nếu quy định rõ là "bắt buộc" thì sẽ nảy sinh vấn đề phức tạp.

"Nếu một trong các tòa thuộc Cụm chung cư đó không muốn thành lập Ban quản trị cụm chung cư thì sẽ rất phức tạp", ông Khởi cho biết.

Về số lượng thành viên Ban Quản trị và thù lao cho họ, nhiều đại biểu cũng nên vấn đề tại nhiều dự án có số lượng Ban quản trị khá đông, tới hơn 10 người, chi phí thù lao thành viên Ban Quản trị tới 4-5 triệu đồng, cao hơn cả lương công chức tốt nghiệp đại học, cá biệt có Dự án như Keangnam thuê người nước ngoài với chi phí hàng chục triệu đồng/tháng...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam (VBMA) dẫn ví dụ từ kinh nghiệm quản lý của Tòa nhà 170 Đê La Thành và Chung cư Nam Đô Complex đề xuất rằng, Quy chế nên quy định cụ thể mỗi Ban quản trị của một tòa nhà chỉ cần 3 thành viên và nhất thiết phải có 1 người của Chủ đầu tư, 2 thành viên còn lại do Hội nghị cư dân chung cư bầu. Đối với Cụm chung cư, có bao nhiêu tòa nhà trong cụm thì số lượng người Ban Quản trị tương ứng với số tòa nhà.

"Phụ cấp thành viên Ban Quản trị cũng ở mức vừa phải, theo tôi chỉ khoảng 2 triệu đồng/người/tháng là hợp lý. Nếu từ 5-6 triệu đồng/người/tháng thì sẽ là gánh nặng cho người dân. Đối với tài khoản phí bảo trì, tôi kiến nghị rằng để tránh thất thoát, chi tiêu không đúng mục đích thì dứt khoát phải là Đồng chủ tài khoản của Chủ đầu tư và Ban Quản trị", ông Hiệp đề xuất.

Liên quan đến vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc Ban Quản trị có quyền rút tiền, chi tiêu sửa chữa tòa nhà như thế nào, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, Dự thảo quy chế sẽ "trao quyền" cho cư dân thông qua Ban Quản trị, chỉ khi có chữ ký của các thành viên Ban Quản trị mới được rút, chi tài khoản của 2% phí bảo trì.

Khoản 6, khoản 7, Điều 17, Dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư:

6. Kinh phí hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư bao gồm các chi phí hợp lý để Ban quản trị hoạt động và do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp trên cơ sở quyết định của Hội nghị nhà chung cư; kinh phí này được ghi rõ trong quy chế hoạt động của Ban quản trị và được quản lý thông qua một tài khoản riêng của Ban quản trị.

7. Mức thù lao của các thành viên Ban quản trị do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp và được Hội nghị nhà chung cư quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng tòa nhà, cụm nhà chung cư, từng địa phương; trường hợp nhà chung cư có đơn vị quản lý vận hành thì thù lao của các thành viên Ban quản trị được chi trả hàng tháng qua đơn vị quản lý vận hành; nếu nhà chung cư không có đơn vị quản lý vận hành thì thù lao này do Ban quản trị thu và chi trả cho từng thành viên, trừ trường hợp thành viên Ban quản trị từ chối nhận thù lao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản