Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phát triển hạ tầng Tây Nguyên cần tránh tư tưởng làm manh mún
Hồng Dung - 11/03/2017 14:40
 
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ Tư (2017) đang diễn ra tại Buôn Ma Thuột, đề cập đến vấn đề về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các tỉnh Tây nguyên tránh tư tưởng làm manh mún, cần tập trung nguồn lực để cùng phát triển, để có công trình then chốt ở Tây nguyên.

Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ Tư (2017) đang diễn ra tại Buôn Ma Thuột do Ban Chỉ đạo Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức dưới sự chủ đạo Hội nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, đề cập đến vấn đề về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các tỉnh Tây nguyên tránh tư tưởng làm manh mún, cần tập trung nguồn lực để cùng phát triển, để có công trình then chốt ở Tây nguyên. Cùng với đó là quy hoạch lại dân cư, tránh manh mún, gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng; lưu ý trong phát triển hạ tầng phải chú trọng xã hội hóa, kể cả hạ tầng kinh tế và xã hội, theo hình thức PPP.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề cập đến môi trường đầu tư kinh doanh ở các tỉnh Tây Nguyên nhìn chung còn chưa tốt, chỉ số CPI còn kém. Đất đai rộng lớn nhưng tiếp cận khó khăn, tính minh bạch chưa cao, chi phí thời gian và chi phí không chính thức còn lớn, các chính sách hỗ trợ chưa tốt. “Chính vì vậy, hôm nay có 5 đồng chí bí thư tỉnh ủy, 5 chủ tịch tỉnh ở đây, các đồng chí phải có một chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương mình tốt hơn, có hình thức thu hút mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn để thu hút đầu tư phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó chủ tịch Văn phòng đại diện JICA Việt Nam thẳng thắn cho rằng, thực tế là Tây Nguyên kém hấp dẫn với FDI. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo vị Phó chủ tịch Văn phòng đại diện JICA Việt Nam, là Tây Nguyên còn có sự phát triển manh mún, chưa đồng bộ, chưa kết nối được các lợi thế của vùng.

Chủ tịch Tập đoàn CJ, nhà sáng lập của tập đoàn Samsung hiện đang triển khai một số dự án tại Tây Nguyên cho biết: “Hệ thống hạ tầng kho bãi còn nhiều hạn chế làm chi phí vận chuyển nguyên liệu còn quá cao. Đồng thời, việc thiếu hệ thống bảo quản sau thu hoạch làm tăng chi phí cho DN phải xây dựng hệ thống bảo quản từ khâu đầu tiên”.

Ở khía cạnh ngân hàng, Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Lê Minh Hưng nhận định, tính liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa DN và người sản xuất; giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác còn yếu, chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, làm chương trình cho vay theo chuỗi, cho vay ứng dụng công nghệ cao chưa có sức lan tỏa lớn.

“Hệ thống cung cấp hàng hóa còn yếu và thiếu, mới chỉ tập trung tại một số đô thị trung tâm, chưa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa làm ảnh hưởng đến khả năng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh trong vùng”, ông Hưng nói.

Ông Lê Minh Dương, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: “Hiệu quả liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Điều này thể hiện qua thu hút và sử dụng vốn FDI tại khu vực vẫn khiêm tốn so với các vùng miền khác của cả nước, cụ thể: lũy kế đến 2016, toàn vùng thu hút được 135 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 756 triệu USD”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tây Nguyên xuất phát điểm thấp, điều kiện khó khăn, không nên đặt mục tiêu quá cao với những mong đợi từ những dự án công nghiệp quy mô hớn mà nên kết hợp những tiềm năng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới chế biến sâu, phát triển sản phẩm tinh… Tóm lại, cần đổi mới trong tư duy chiến lược thu hút đầu tư, đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư”.

Về tư duy phát triển mới, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gợi ý: Thứ nhất, phải đoạn tuyệt với mô hình tăng trưởng dựa trên chủ yếu vào khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thứ hai, phải xem xét lại một cách căn bản phương thức phát triển dựa chủ yếu vào tăng vốn và tăng nhân lực-việc làm chất lượng thấp; thứ ba, phát triển nông nghiệp theo phương thức hiện đại; thứ tư, phát triển giao thông kết nối có tầm quan trọng đặc biệt, có thể nói là quyết định chiến lược.

Ngoài dư nợ tín dụng hiện tại trên 222 nghìn tỷ đồng đối với khu vực Tây Nguyên, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho 36 dự án, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến,… với số tiền cam kết đầu tư trên 29 nghìn tỷ đồng. Cụ thể một số dự án tiêu biểu bao gồm:
1. Agribank chi nhánh Kon Tum cam kết cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng đối với Công ty Dược liệu và thực phẩm Măng đen để triển khai dự án Nhà máy chế biến sữa dê công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum;
2. BIDV chi nhánh Nam Gia Lai thỏa thuận hợp tác, cấp tín dụng phục vụ trồng, chăm sóc, khai thác cây công nghiệp, gỗ lâm sản đối với Tổng Công ty 15 – Bộ Quốc phòng với số tiền 2.300 tỷ đồng.
3. SHB chi nhánh Hàm Long cam kết cấp hạn mức tín dụng 2.010 tỷ đồng đối với Công ty Quang Đức Kon Tum để đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Đăk Mi 1 và Đăk Mi 1A tại tỉnh Kon Tum.
4. VietinBank chi nhánh Gia Lai cam kết cấp hạn mức tín dụng 1.400 tỷ đồng đối với Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức để triển khai Dự án khu phức hợp công nghiệp các nhà máy nhiệt điện, sản xuất Xiro cô đặc và phân bón vi sinh tổng hợp tại tỉnh Gia Lai.
5. Vietcombank chi nhánh Đăk Lăk cam kết cấp hạn mức tín dụng 25 tỷ đồng đối với Công ty Fukunana Tây Nguyên để triển khai Trung tâm Phân phối, Nhân giống cây trồng công nghệ cao.
6. Agribank chi nhánh Gia Lai thỏa thuận tài trợ vốn thực hiện dự án nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh đối với Công ty Sinh học Minh Hoàng Gia Lai với số tiền 135 tỷ đồng.
Đắk Lắk: Mời gọi đầu tư 15 dự án tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt danh mục 15 dự án trọng điểm để xúc tiến mời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư