Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Thu Lê - 04/07/2018 14:15
 
Vẫn với tinh thần đồng hành thực chất với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, sáng ngày 03/7, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2018 với sự tham gia của khoảng 700 doanh nghiệp. Lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là một trong những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân của tỉnh Quảng Ninh.
TIN LIÊN QUAN

Những kết quả đáng mừng

Theo báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh thì những năm gần đây số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng. Năm 2017 có 2.324 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 39% về số lượng và 13% về số vốn với với 2016.

Còn trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.300 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 45% kế hoạch năm, tăng 20% về số lượng và tăng 139% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Những doanh nghiệp được thành lập mới trong 6 tháng qua đã tạo việc làm cho 6.500 lao động.

Quang cảnh Hội nghị Tiếp xúc doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Thanh Tân.
Quang cảnh Hội nghị Tiếp xúc doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Thanh Tân.

Đặc biệt 270 doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động ở những năm trước thì nay đã hoạt động trở lại, tăng 8%. Và đến hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ninh có 16.450 doanh nghiệp đang hoạt động.

Doanh nghiệp tư nhân của tỉnh không ngừng lớn mạnh và phát triển; các nhà đầu tư lớn như Sun Group, VinGroup, Rent A Port, Tập đoàn Amata,….chọn Quảng Ninh làm điểm đến đầu tư chiến lược đã chứng tỏ sức hấp dẫn của địa phương này. Ngược lại, cũng chính nhờ các dự án, những công trình của doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai mà diện mạo đô thị của Quảng Ninh đang và sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh liên tục có sự tăng trưởng, dù những khó khăn khách quan tác động không nhỏ. 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh ước tăng đến 10,16% - đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây.

Tổng mức đầu tư toàn xã hội trong nửa đầu năm 2018 ước đạt 23.359 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tính hết đến tháng 6/2018, Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 9.607 tỷ đồng. Thu ngân sách ước đạt 20.998 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt khoảng 15.780 tỷ đồng.

Không ngừng cải cách - sáng tạo

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, Tư vấn trưởng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh (DDCI Quảng Ninh) đã nhấn mạnh một yếu tố rằng, chỉ khi nào chính quyền muốn cải cách, muốn đổi mới và cầu thị thực sự thì khi đó, cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ cùng đóng góp ý kiến và cùng thực hiện. Và thông qua DDCI Quảng Ninh, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám lắng nghe và dám hành động của chính quyền tỉnh được biểu hiện rõ rệt nhất.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính qua Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các cấp có sự đánh giá, giám sát của công dân thông qua công cụ đánh giá thái độ phục vụ ngay tại bàn làm việc của chuyên viên.

Hay như việc triển khai trang Fanpage DDCI QUẢNG NINH để có sự tương tác trực tiếp với doanh nghiệp và người dân đã tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Quảng Ninh từ quản lý sang phục vụ. Đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các địa phương, các sở ban ngành của tỉnh trong việc cải thiện năng lực điều hành của mình.  “Nhờ đó, ở Quảng Ninh không có chỗ cho sự ỉ lại, cho sự bàng quan với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân”, ông Nhật khẳng định.

Thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Quảng Ninh tiếp tục có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuân lợi cho doanh nghiệp tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Nhờ đó, đã cắt giảm được 40% thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định của pháp luật và Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Cụ thể như cấp giấy chứng nhận đăng lý thành lập doanh nghiệp chỉ còn 02 ngày; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữ nhà ở  và tài sản gắp liền với đất lần đầu chỉ còn 15 ngày (giảm 5 ngày). Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đã đạt 99%, nộp thuế điện tử đạt 95%. Quảng Ninh cũng đã triển khai hệ thống thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử. Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS đã được áp dụng tại toàn bộ các Chi cục Hải Quan…nhờ đó thời gian thông quan hàng hóa trung bình với hàng xuất khẩu chỉ còn 21h34’ và với hàng nhập khẩu là 39h45’.

Bên cạnh đó, các giải pháp về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được lãnh đạo Quảng Ninh quyết liệc chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, việc đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp không chỉ là thông qua những hội nghị gặp gỡ định kỳ một năm 2 lần, mà đó là sự xuyên suốt, và thường xuyên. Từ năm 2014 tới nay, Quảng Ninh tổ chức 9 cuộc gặp gỡ với 4.500 nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, giải quyết 775 kiến nghị của doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cũng đa dạng hoá các hình thức, kênh tiếp nhận, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua mạng xã hội, mô hình Cafe doanh nhân...

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã có chỉ đạo và yêu cầu hàng tháng UBND tỉnh họp phiên thường kỳ thì phải Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tham gia cùng. Hơn nữa, đều đặn 3 tháng/lần UBND tỉnh sẽ làm việc với Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh…

Còn ngay tại Hội nghị ngày 03/7 này, bên cạnh 45 kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới Ban tổ chức hội nghị (đã được giải đáp bằng văn bản), đã có 11 ý kiến được trình bày trực tiếp. Các ý kiến liên quan đến các lĩnh vực môi trường, đất đai, giáo dục, đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch,…đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải đáp cụ thể.

Hội nghị kết thúc vào giữa trưa nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp muốn có ý kiến, nên ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị gửi ý kiến về và cam kết sẽ có trả lời trước ngày 10/7.

Cần sự đồng hành của chính các doanh nghiệp

Tuy những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong thời gian quan là rất lớn nhưng ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn còn đó nhiều trăn trở. Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Long nói: “Mặc dù giữ ngôi đầu chỉ số PCI năm 2017, tuy nhiên so với thang điểm 100, Quảng Ninh còn có khoảng cách xa, vì vậy rất cần sự nỗ lực bền bỉ của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh và sự ủng hộ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Dự báo tình hình phát triển KT-XH chung còn nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành của tỉnh sẽ sát cánh, đồng hành chia sẻ cùng doanh nghiệp. Trên tinh thần hợp tác phát triển, các doanh nghiệp trên địa bàn phấn đấu xây dựng thương hiệu mạnh, trở thành tập đoàn kinh tế lớn của cả nước”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2020, Quảng Ninh phải đạt được con số 25.000 doanh nghiệp. Thời gian chỉ còn hơn 1 năm, nhưng nay mới chỉ có khoảng 16.450 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. “Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Do vậy, việc kiến tạo mội môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng càng quan trọng. Chúng tôi đang thực hiện các chính sách hỗ trợ cao nhất để khối kinh tế hộ gia đình chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp”, ông Long chia sẻ.

Song song với đó, ông Long cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy hoạch chiến lược của tỉnh cùng quy hoạch các ngành nghề để lựa chọn lĩnh vực kinh doanh phù hợp. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện bình đẳng trong kinh doanh cũng như lựa chọn nhà đầu tư đầu tư đảm bảo theo đúng quy hoạch đã xây dựng, đồng thời kiên quyết đối với nhà đầu tư chậm tiến độ hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư