Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Thuốc đắng” trị lãng phí
Nguyên An - 30/03/2022 08:18
 
Sự thiếu ý thức, thiếu kỷ cương ngay trong việc báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên nhân không nhỏ làm giảm hiệu quả của công tác này.

Chính vì vậy, rất cần một liều thuốc "đắng" hơn để có thể chữa trị tận gốc "căn bệnh" kéo dài nhiều năm đó.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 là chuyên đề được Quốc hội chọn để giám sát tối cao trong năm 2022.

Thời điểm này, dù mới chỉ có kết quả giám sát bước đầu, nhưng cũng đủ để phơi bày căn bệnh trầm kha trong lĩnh vực này: đó là chậm/không báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định.

Thông tin từ Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, mặc dù hạn cuối cùng để nhận báo cáo từ các cơ quan chịu sự giám sát là ngày 28/2/2022, nhưng đến ngày 23/3/2022, vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 hội đồng nhân dân và 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa gửi báo cáo cho Đoàn.

Với kinh nghiệm hơn 5 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khái quát, mỗi năm, Quốc hội đều nhận một báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội, thì số bộ, ngành, địa phương báo cáo đúng thời hạn rất ít. Đặc biệt, có những nơi đến cuối năm còn chưa ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của năm đó.

Điều đáng nói là, từ năm 2018, khi có đến 4/34 bộ, cơ quan trung ương; 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo đúng hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm khắc phê bình. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, nhưng có bộ, ngành, địa phương vẫn không gửi báo cáo kết quả thực hiện, vì thế, năm sau rồi năm sau nữa, tình trạng đó vẫn tái diễn.

Việc này, theo đánh giá của Chính phủ là thể hiện sự thiếu ý thức, trách nhiệm chưa cao trong chấp hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm ảnh hưởng đến công tác tổng kết, đánh giá và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung của cả nước.

Còn Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) năm nào cũng nhấn mạnh, “thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Ảnh hưởng không nhỏ là điều chắc chắn. Bởi số liệu không đầy đủ thì không có thể có đánh giá chính xác, từ đó không thể có giải pháp toàn diện. Chưa kể, không có gì để đảm bảo là việc "nhờn" Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ không lây sang quá trình thực thi các luật khác.

Trong bối cảnh "đất đai, tài sản thì bỏ hoang, ngân sách thì để xói mòn, chi tiêu thì lãng phí, vượt định mức, vi phạm", rồi "những công trình làm nghèo đất nước nhiều vô kể, có tới hàng ngàn", như khái quát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì yêu cầu lập lại kỷ cương, trước mắt là ngay từ khâu gửi báo cáo thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là không thể coi nhẹ. Cuộc giám sát tối cao này là một cơ hội để chấn chỉnh.

"Thuốc đắng"cho căn bệnh này, theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - không chỉ là làm rõ lý do còn tới 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND và 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa gửi báo cáo, bao giờ sẽ gửi báo cáo, mà phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cơ quan, tổ chức không chấp hành quy định về báo cáo. Làm thế không chỉ để lập lại kỷ cương, mà còn để Đoàn giám sát của Quốc hội nắm được thông tin chính xác, thực chất, toàn diện lĩnh vực giám sát.

Lập lại kỷ cương, xử lý nghiêm khắc có lẽ cũng hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. Những năm trước, ít nhất là từ mốc 2018, nếu tiếp sau công khai danh tính các bộ, ngành, địa phương chậm/không gửi báo cáo hàng năm là thông tin người đứng đầu các cơ quan này đã bị xử lý thế nào, thì có lẽ không có chuyện trong danh sách chưa gửi báo cáo đến Đoàn giám sát, có cả HĐND TP. Hà Nội và TP.HCM. UBND TP.HCM đã nhiều lần gửi chậm và lần này cũng chưa gửi báo cáo.

Giám sát phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm. Với các dự án, công trình thì cần thời gian và điều kiện nhất định mới làm rõ được trách nhiệm gây lãng phí. Song với việc chậm/không gửi báo cáo, thì cả địa chỉ và trách nhiệm đã “rõ như ban ngày”. Vấn đề là trong cuộc giám sát tối cao này của Quốc hội, có liều thuốc nào đủ "đắng" để chữa dứt điểm căn bệnh thiếu ý thức, coi thường kỷ cương phép nước nhiều lần được nêu tại nghị trường hay không.

Làm rõ trách nhiệm tại dự án làm nghèo đất nước
“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là một trong 2 chuyên đề được Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư