Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ba cửa mở cho giao thông Quảng Ninh
Anh Minh - 20/06/2017 19:18
 
Sân bay Vân Đồn, cảng Quảng Ninh và cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn sẽ là 3 cửa mở quan trọng để Quảng Ninh gia tăng kết nối với khu vực và thế giới.
Tàu 5.000 TEU giờ đã có thể ra vào ăn hàng tại Cảng CICT Cái Lân. Ảnh: Thanh Tân
Tàu 5.000 TEU giờ đã có thể ra vào ăn hàng tại Cảng CICT Cái Lân. Ảnh: Thanh Tân

Cánh cửa bầu trời

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã dành phiếu thuận quan trọng đối với đề xuất mới đây của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

“Ngay từ tháng 2/2017, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng 2030, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Vân Đồn - Quảng Ninh vào quy hoạch mạng cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn đến năm 2020”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết.

Được biết, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh liên tục có 3 văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT nâng hạng cho sân bay đang được Tập đoàn Sungroup triển khai xây dựng tại huyện đảo Vân Đồn.

Có thể hiểu được sự sốt sắng của UBND tỉnh Quảng Ninh đối với dự án, bởi đây được coi là công trình “mở cửa” bầu trời ra quốc tế cho địa phương có lợi thế đặc biệt trong phát triển du lịch này.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Quảng Ninh là nhằm thu hút nhà đầu tư quốc tế vào Khu kinh tế Vân Đồn đang trong lộ trình trở thành một khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ông Long cho biết, việc điều chỉnh sân bay Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đòi hỏi tiến độ hết sức khẩn trương để đáp ứng yêu cầu sớm đưa Dự án xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh vào khai thác.

Cảng hàng không Quảng Ninh được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2012, đây là cảng hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); sân bay quân sự cấp II, có chức năng là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế. Trong giai đoạn đến năm 2020, Dự án sẽ xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình; công suất 2 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030, đầu tư mở rộng nhà ga hành khách công suất có thể đáp ứng 5 triệu hành khách/năm nếu có nhu cầu.

Dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai theo hình thức BOT do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn - Tập đoàn Sungroup là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu bay là 2.124 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù chỉ là cảng hàng không nội địa, song để đáp ứng các chuyến bay quốc tế, Quảng Ninh đã chỉ đạo lập và triển khai dự án có đủ hạng mục và điều kiện để đảm bảo khai thác cảng hàng không quốc tế.

Cùng với khu du lịch phức hợp cao cấp có casino, Cảng hàng không Quảng Ninh là dự án động lực của Khu kinh tế Vân Đồn, chỉ có thể phát huy hiệu quả khi là cảng hàng quốc tế, vì một trong những mục tiêu quan trọng của Khu kinh tế Vân Đồn là du lịch, hướng tới đối tượng khách nước ngoài là chủ yếu.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh là một trong số ít dự án hạ tầng hàng không hiếm hoi đang được triển khai đúng tiến độ và có thể đưa vào khai thác trong quý II/2018.

“Với Cảng hàng không Vân Đồn - một sân bay đầu tiên tư nhân đầu tư, không chỉ giúp mở cánh cửa hàng không cho Quảng Ninh, mà còn mở ra một hướng rất mới cho đầu tư sân bay, là mô hình rất mới trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá.

Cầu mới Bạch Đằng

Cùng với việc nâng tầm Cảng hàng không Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, trong đó điểm nhấn chính là cầu Bạch Đằng.

Cầu Bạch Đằng thực sự là một cửa mở đường bộ quan trọng cho Quảng Ninh, bởi nếu công trình vượt sông này đưa vào khai thác, hành trình từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn khoảng 1,5 giờ chạy xe, so với hành trình hơn 4 giờ vật vã bằng tuyến Quốc lộ 18.

Được khởi công vào đầu năm 2015, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có tổng chiều dài 5,4 km, rộng 25 m, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Điểm đầu cầu kết nối với đường nối TP. Hạ Long và điểm cuối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Trong đó, riêng cầu Bạch Đằng dài 3 km, có kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu sẽ có 3 trụ tháp (trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp 2 bên cao 94,5 m) với 4 nhịp cầu dây văng.

Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng kinh phí lên tới hơn 7.600 tỷ đồng. Trong đó, hơn 7.200 tỷ đồng do Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng gồm liên danh 8 nhà đầu tư, số còn lại là từ ngân sách nhà nước.

Hiện mục tiêu hợp long cầu Bạch Đằng vào cuối năm 2017 vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của chủ đầu tư, các nhà thầu đang thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc. Bằng các giải pháp thi công tiên tiến nhất hiện nay, cây cầu có thiết kế phức tạp với dây văng nhiều nhịp đầu tiên do các đơn vị trong nước thiết kế, thi công đang dần hiện hữu.

Đến nay, công trình đã thực hiện được khoảng trên 70% tổng giá trị các hạng mục. Cụ thể, toàn bộ phần đáy và bệ 3 trụ tháp đã hoàn thành, hiện 3 trụ tháp đã đúc xong 19/24 đốt, dự kiến đến trung tuần tháng 4/2017 kết thúc hạng mục đúc thân trụ tháp. Song song với đúc trụ tháp, hiện 2 nhà thầu thi công là Trung Nam E&C và Cienco1 bắt đầu tổ chức lắp đặt đà giáo và xe đúc hẫng tại khối K0 để chuyển sang công đoạn đúc hẫng dầm cầu. Đây là công đoạn khó nhất của dự án, bởi cầu Bạch Đằng có kết cấu phức tạp, kết cấu bê tông cốt thép nhiều nhịp, chiều cao tháp thấp do bị khống chế bởi phễu bay của Cảng hàng không Cát Bi (TP. Hải Phòng). Vì thế, dẫn đến góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ, khuyến cáo cầu dây văng lớn hơn 22 độ), trọng lượng khối đúc lớn (450 tấn/khối), quá trình kiểm soát độ vồng khi thi công tháp và dầm dây văng đòi hỏi kỹ thuật cao... Những yếu tố kỹ thuật phức tạp này đã khiến các nhà thầu chịu áp lực lớn về chất lượng, thời gian.

“Là một trong những liên danh chủ đầu tư, đồng thời là nhà thầu trực tiếp thi công dự án, chúng tôi luôn xác định đây là công trình đặc biệt quan trọng. Do vậy, nhà thầu đã huy động các phương tiện, thiết bị thi công tiên tiến nhất hiện nay về công trường để đảm bảo tính an toàn, tiến độ đề ra”, ông Đinh Văn Thanh, Tổng giám đốc Cienco1 cho biết.

Trong khi hai cửa mở là Cảng hàng không Vân Đồn, cầu Bạch Đằng cần thêm thời gian để hoàn thiện thì một cửa mở quan trọng khác là Cảng container quốc tế Cái Lân vừa chính thức trở thành điểm trung chuyển của tuyến hàng hải ACS.

Theo đó, vào đầu tháng 6/2017, Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã chính thức khai trương tuyến dịch vụ ACS Cái Lân, đưa Cảng container quốc tế Cái Lân trở thành điểm trung chuyển của tuyến hàng hải đi qua 6 nước gồm Ấn Độ, tới Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc (ACS). 

“Để hoàn thiện chuỗi dịch vụ và nâng cao tối đa sự hài lòng của khách hàng, CICT đã đầu tư hệ thống máy móc và cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn thế giới và quy trình an ninh nghiêm ngặt”, ông Lê Hồng Quân, Tổng giám đốc CICT cho biết. Hiện, cảng CICT sở hữu 4 cẩu bờ Post Panamax, 12 cẩu bánh lốp RTG, hệ thống xe nâng, xe đầu kéo đảm bảo khai thác hàng container với năng suất chuẩn khai thác quốc tế.

Việc cảng CICT tại Quảng Ninh trở thành cảng duy nhất của miền Bắc đón được tàu có trọng tải 5.000 TEU là cơ hội tốt để cảng khai thác tối đa công suất và gia tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời, điều này cũng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Quảng Ninh có hàng hóa vận chuyển đến các nước nằm trong tuyến hàng hải ACS tiết kiệm được chi phí vận chuyển.

Tầm nhìn dài hạn

Được biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đánh giá cao tầm nhìn và sự năng động của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong công tác đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thời gian qua.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh hiện khá đầy đủ và phong phú. Các tuyến đường được đầu tư xây dựng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, mà còn có tính kết nối khá hoàn chỉnh với Hải Phòng và Hà Nội. Đặc biệt, sau khi cầu Bạch Đằng hoàn thành và đưa vào khai thác, Quảng Ninh sẽ có tuyến đường cao tốc nối thẳng từ Hải Phòng đến Vân Đồn.

“Quảng Ninh đã có chủ trương đầu tư đúng đắn trong việc phát triển hạ tầng giao thông, không chỉ tại địa phương, mà còn tập trung vào những tuyến đường trục chính và các công trình có tính liên kết vùng, góp phần cùng ngành GTVT thay đổi bộ mặt giao thông khu vực. Mục tiêu của Đảng và Chính phủ đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 2.000 km đường cao tốc thì tỉnh Quảng Ninh có sự đóng góp rất đáng kể”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, luôn ủng hộ chủ trương kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá của Quảng Ninh trong việc đầu tư xây dựng các dự án.

“Riêng đối với Dự án BOT Vân Đồn - Móng Cái, Bộ sẽ hỗ trợ Quảng Ninh trong việc tìm nguồn kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng để dự án đảm bảo tính khả thi và sớm khởi công xây dựng”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Xúc tiến đầu tư tại Quảng Ninh: Đẩy mạnh hợp tác nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà tư vấn
Sáng nay (14/4), Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA Quảng Ninh) và Công ty Luật TNHH Vietthink (Luật Vietthink) đã phối hợp tổ chức tọa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư