Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ra mắt show truyền hình thực tế về việc làm "Cơ hội cho ai - Whose Chance"
PV - 03/09/2019 07:36
 
Show truyền hình thực tế về việc làm “Cơ hội cho ai – Whose Chance” chính thức ra mắt với format các doanh nhân ngồi "ghế nóng" sắm vai "sếp" của doanh nghiệp để tuyển dụng nhân sự.

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ - Cengroup trao đổi về những vấn đề xoay quanh việc tuyển chọn và quản lý nhân sự, cũng như những chia sẻ hữu ích cho giới trẻ về công việc và định hướng nghề nghiệp; cùng ấn tượng khi làm “Sếp” trong chương trình “Cơ hội cho ai - Whose Chance”. 

Ông từng chia sẻ,“Các bạn trẻ cứ làm thuê đi, học kinh nghiệm quản lý từ chủ doanh nghiệp trước đã!”. Vậy cụ thể là các bạn trẻ sẽ học được gì khi "làm thuê" và ngoài học những điều này, làm thuê còn giúp gì cho các bạn trẻ không?

Các bạn nên làm tại các công ty trong ngành các bạn dự định khởi nghiệp, nếu chưa có, các bạn nên thử qua 2,3 môi trường làm việc khác nhau; mỗi môi trường nên làm từ 1-2 năm. 5-7 năm là thời gian đủ để các bạn trưởng thành chín chắn và tích lũy đủ tiền bạc và kiến thức cho bản thân mình trong hành trình làm thuê.

Đầu tiên là công tác điều hành, trong nhóm mình có thể chưa phải là người điều hành nhưng nhìn người khác điều hành như thế nào sẽ hiểu và học hỏi được từ họ.

Khi khởi nghiệp, nếu có ý tưởng phong phú nhưng không biết làm cách nào để triển khai thì các bạn trẻ nên làm thuê cho chính mình, có thể mở một shop nho nhỏ tự bán hàng chứ không phải là doanh nghiệp. Khởi nghiệp mà không tạo được đội, nhóm tốt, không biết cách động viên khuyến khích con người, không biết cách quản trị tài chính, lập kế hoạch... thì rất khó đi lên.

Có hàng hàng nghìn thứ mà trong trường đại học chưa dạy, bạn cần va vấp và học hỏi trong thực tế. Do đó, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp ngay khi tốt nghiệp rủi ro rất cao. Các trường đào tạo về quản trị kinh doanh MBA yêu cầu 2 năm kinh nghiệm làm việc mới đủ điều kiện học vì phải có kinh nghiệm làm việc thì khi học mới hiểu hết những kiến thức thực tế.

Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng thường xuyên nhảy việc/ chuyển việc của giới trẻ hiện nay?

Các bạn trẻ hiện giờ nhảy việc khi thấy không phù hợp, ngay cả khi chưa có việc mới vì cho là tuổi trẻ rất ngắn. Tôi hiểu được tâm lý này. Thực tế cho thấy, cứ níu kéo công việc cũ sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội. Trong khi thực tế các bạn không thích công việc đó, tâm trạng lại mệt mỏi và không hứng thú thì nên tìm một công việc khác phù hợp hơn.

Khi tuyển dụng các vị trí từ cấp trưởng nhóm, trưởng phòng, quản lý trở lên, tôi hy vọng các bạn có từ 5-7 năm kinh nghiệm ở khoảng 2-3 doanh nghiệp trước đó. Tôi không sợ các bạn nhảy việc. Nhưng cũng tùy trường hợp. Nếu 25 tuổi mà chuyển 10 công việc thì hơi quá đáng. 1-2 năm cho một công việc ở tuổi dưới 30 là chuyện hết sức bình thường. Theo đánh giá của tôi, đối với những ứng viên không qua thử việc 3 tháng ở một doanh nghiệp nghĩa là điểm trừ, làm được 1-2 năm là điểm cộng

Ông từng nói "sếp" khó tính mới là "sếp tốt". Vậy ông là người "sếp" thế nào ở Cengroup? Theo ông, đối với những bạn trẻ mới đi làm thì nên chọn một người "sếp" như thế nào để có thể hướng dẫn mình?

Tôi là sếp khó tính, tôi cầu toàn. Nhưng không khó tính theo kiểu nặng lời hay quát mắng nhân viên. Trong mười mấy năm ở tập đoàn, nhân viên chưa bao giờ nhìn thấy tôi cáu hay mắng mỏ nặng lời với nhân viên, hành động nặng lời nhất mà tôi từng thể hiện ra là không nói gì.

Đối với các bạn trẻ mới tốt nghiệp nên chọn một người "sếp" luôn đặt các bạn cao hơn khả năng của các bạn, luôn đặt kỳ vọng giao việc cao hơn khả năng, khi làm việc với vị "sếp" đó, các bạn cảm thấy đuối, cần phải cố gắng hơn thì đó là người "sếp" tốt. Nếu "sếp" giao việc đặt kỳ vọng thấp hơn thì rất chóng chán và không học được gì thêm cả. Áp lực mới tạo động lực. Chẳng hạn như năng lực 5 thì đặt lên 7. Con người ta thích sự chinh phục, thách thức hơn là những trải nghiệm an toàn. Nếu chạy với tốc độ dễ quá sẽ nhanh chóng dẫn đến cảm giác nhàm chán. 

Ông mong muốn được tìm ứng viên như thế nào tại show truyền hình thực tế “Cơ hội cho ai - Whose Chance”?

Tôi thì có quá nhiều vị trí công việc cần tuyển dụng. Điều quan trọng nhất qua chương trình “Cơ hội cho ai – Whose Chance”, các bạn sẽ hiểu được là thực tế khi phỏng vấn cần những kĩ năng gì, đàm phán với nhà tuyển dụng như thế nào. Các bạn có thể đọc trước bộ 100 câu hỏi tuyển dụng và cách trả lời nhưng khi “đối mặt” trực tiếp với các "sếp" lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Ấn tượng của ông khi tham gia chương trình “Cơ hội cho ai- Whose Chance” trong vai trò là “sếp”?

Tôi thấy rất thú vị và bất ngờ. Một thời gian khá dài tôi không tham gia vào công tác điều hành doanh nghiệp. Vì vậy công tác tuyển dụng thường chuyển cho bộ phận nhân sự và các giám đốc điều hành. Nhưng phải nói các bạn trẻ bây giờ rất năng động, có nhiều đam mê hoài bão; khả năng tiếp cận thông tin rất phong phú đa dạng, tích lũy được nhiều kiến thức khá tốt, những kiến thức cơ bản cả về xã hội lẫn chuyên môn. Các bạn đều có những kĩ năng cơ bản khi đến với chương trình này và đó là một điểm lan tỏa cho cộng đồng các bạn trẻ khác.

Tôi bất ngờ khi ngoài các bạn trẻ còn có các nhân sự cao cấp, các vị trí làm việc trực tiếp với HĐQT, ban điều hành. Ví dụ các bạn làm về chiến lược, giám đốc nhân sự, chuyên môn rất cao. Sức hút của chương trình không chỉ dành cho các bạn trẻ mới ra trường mà còn nhiều nhóm đối tượng khác nhau, từ chuyên viên cao cấp, chuyên gia, những người có tuổi …, rất phù hợp với tên chương trình “Cơ hội cho ai - Whose Chance”.

Có nhiều lúc tôi thấy tiếc nuối cho cả ứng viên và "sếp" khi hai bên không “gặp” được nhau ở vòng thương lượng lượng. Có thể vì vị "sếp" đó đến đây chưa có nhu cầu tuyển dụng vị trí của bạn ứng viên đó. Ngược lại, có thể bạn ứng viên đó đã sai lầm khi định giá bản thân vượt mức các "sếp" đánh giá. Hai mức đánh giá không gặp được nhau là điều đáng tiếc. Khi chiếc cặp bí mật được mở ra mà khớp được 2 bên thì cảm xúc lúc ấy của tôi vỡ òa....

Tôi tin là các khán giả trong trường quay và các bạn xem qua truyền hình đều đón chờ giây phút đó.Bản thân tôi thấy làm "sếp" không phải biết hết tất cả mọi thứ. Các bạn trẻ rất năng động, mang đến cho tôi góc nhìn mới về xã hội, công việc, cuộc sống của các bạn. Qua chương trình, tôi cũng hiểu hơn giới trẻ hiện nay đang nghĩ gì, mong muốn gì và đang làm gì để đạt tới ước mơ, hoài bão của mình.

“Cơ hội cho ai – Whose Chance” là chương trình truyền hình thực tế về việc làm đầu tiên ở Việt Nam theo chuẩn quốc tế. Ngoài việc tạo ra một sân chơi hữu ích cho các bạn trẻ trải nghiệm, học hỏi các kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc, xử lý tình huống, tìm được việc làm tốt, chương trình còn là cơ hội cho những nhân sự có kinh nghiệm tìm kiếm vị trí quản lý phù hợp với năng lực chuyên môn thông qua việc thể hiện bản thân và thương lượng trực tiếp cùng các sếp cấp cao của các Tập Đoàn, Doanh nghiệp lớn tại VN.

Chương trình do ALO Media phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam VTV tổ chức sản xuất, với format hoàn toàn mới lạ nhằm mang lại cơ hội việc làm cho mọi người với sự đồng hành của đối tác nhân sự Manpower Việt Nam, Nền tảng công nghệ bất động sản Cenhomes.vn và Sanco - Tivi điều khiển bằng giọng nói, sẽ phát sóng định kỳ vào 11h thứ 7 hàng tuần trên VTV3, từ ngày 14/9/2019.
Lại Văn Sâm “cầm trịch” show truyền hình mới về việc làm
Nhà báo Lại Văn Sâm vừa tiết lộ sẽ “cầm trịch” chương trình truyền hình thực tế về việc làm lần đầu phát sóng trên VTV3 khá mới lạ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư