1
Ba gian nhà quê
Cuộc sống hối hả ở chốn thành thị cứ cuốn tôi đi, cho đến khi những cơn gió mùa Đông tràn về rét buốt, mới chợt nhận ra một năm sắp kết thúc rồi. Nằm cuộn tròn trên căn gác trọ nhỏ, cái lạnh cứ thấm qua da thịt, tôi mới nhớ ngôi nhà ấm cúng ở quê nhà biết bao.

Ngôi nhà dưới quê tôi là nhà ba gian hai chái truyền thống của làng quê Bắc Bộ. Những ngôi nhà truyền thống thường quay về hướng Nam, mùa hạ tránh được nắng gắt, mùa đông tránh được gió lạnh. Tôi vẫn nhớ hồi bé, thỉnh thoảng có những ngày trời đẹp, bố tôi trải chiếu ra hiên ngồi hóng mát với ấm trà nóng, mẹ ngồi bên cạnh nhặt rau, hình ảnh yên bình đó không bao giờ có thể phai mờ trong ký ức tôi.

Xưa nay cha ông ta vẫn có câu “trước cau, sau chuối”, đó là kinh nghiệm phong thủy được đúc kết từ bao đời nay. Cây chuối nhiều tàu lá to, mọc thành khóm, bụi, rất vững chắc, tạo thành thế huyền vũ (thế tựa núi) cho lưng nhà, trước nhà lại có một khoảng sân trống tạo thành minh đường, đem lại cho ngôi nhà một không gian hài hòa, hợp phong thủy. Trước sân nhà tôi có một hàng cau, bố tôi nói, hàng cau này do ông nội tôi trồng khi bà nội sinh ra bố tôi. Những cây cau thẳng tắp, vươn cao lên trời đón nắng đón gió, giống như bóng lưng bố tôi cao gầy che chở cho tôi suốt thời thơ ấu vậy.

Trước sân lại có một cái ao nhỏ, nơi bố tôi nuôi cá, vừa làm đẹp thêm khung cảnh khu vườn nho nhỏ, vừa có nước dùng sinh hoạt. Đồng thời đây cũng là thiên đường cho lũ trẻ chúng tôi nghịch ngợm. Những trưa Hè nóng bức, lũ trẻ thường rủ nhau trốn ngủ trưa, nhảy tùm xuống ao nghịch nước. Chúng tôi mỗi đứa ôm một cái bẹ chuối lớn, bì bõm đạp nước tập bơi, bùn đất mềm mềm dưới đáy ao bị chúng tôi khuấy tung lên đục ngầu. Có những ngày lũ trẻ mang rổ, lội ven ao xúc cua, xúc ốc, bắt cá...

Phía trên mặt ao bố tôi dựng một giàn tre, để mùa xuân trồng bầu, trồng mướp. Đến đầu Hè, bầu, mướp leo đầy giàn xanh mướt. Đem hái những trái ấy về luộc hoặc nấu canh, ăn giòn, ngọt và mát không gì bằng, là một món ăn rất trôi cơm trong những ngày Hè oi ả.

Trong phong thủy, lưng nhà có thế tựa núi, trước nhà có minh đường, lại hướng nhà về phía sông nước thì mới tốt. Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì ngưng. Phong thủy chú trọng sự lưu chuyển của khí, khí di chuyển mới tạo nên động và tĩnh, động và tĩnh giao thoa mới đạt đến sự cân bằng, hài hòa. Bởi vậy, một ngôi nhà truyền thống có vườn, có ao, luôn khiến người ở cảm thấy dễ chịu, mùa hạ thoáng mát, mùa đông kín gió, chứ không bí bức, oi nồng như những ngôi nhà bê tông cao tầng san sát ngày nay.

Mùa Đông thích nhất là quanh quẩn trong xó bếp. Nhà bếp được thiết kế riêng, nằm ở phía bên trái nhà chính. Cạnh bếp là giếng nước, để tiện lấy nước dùng sinh hoạt. Bếp kỵ đặt ở hướng Tây, Nam và Bắc.

Vì hướng Tây thuộc hành Kim, hướng Bắc thuộc hành Thủy, đều khắc với bếp thuộc hành Hỏa. Hướng Nam thuộc hành Hỏa, hỏa khí lại quá vượng, gây bất lợi về sức khỏe và tài lộc cho gia chủ. Bởi vậy, bếp nằm ở hướng Đông là đại cát đại lợi nhất, khi nhà quay hướng Nam, bếp sẽ nằm ở bên trái nhà chính là vậy.

Trong bếp rất rộng, bên trong có đặt bếp kiềng để đun rơm đun củi. Vì trong bếp còn để chứa củi nữa, nên nhà bếp lúc nào cũng được giữ cho khô ráo, sạch sẽ. Hũ gạo được đặt ở nơi kín đáo nhưng khô ráo, sạch sẽ. Bởi hũ gạo của mỗi gia đình là tài sản vô cùng quý giá, là biểu tượng của sự hưng thịnh và hạnh phúc của gia đình.

Người ta nói, một gia đình hạnh phúc thì căn bếp lúc nào cũng đỏ lửa, căn bếp nhà tôi ngày ấy cũng như vậy. Mùa đông, một lũ trẻ con lít nhít năm, bảy đứa cùng chui vào bếp đánh bài nhọ nồi, nướng ngô nướng khoai ăn, quây xung quanh bếp lửa đỏ rực, ấm áp vô cùng.

Nhà tôi không quay mặt thẳng ra phía đường, mà sau khi qua cổng nhà, phải đi thêm một đoạn ngõ nhỏ nữa mới vào đến sân nhà tôi. Trong khuôn viên nhà thường có bố cục rất đầy đủ, bao gồm nhà chính, nhà phụ, vườn cây, ao cá, nơi chăn nuôi gia súc gia cầm, sân phơi…, gần như có thể tự cung tự cấp cho cuộc sống. Hầu hết những ngôi nhà ba gian xưa cũ ở quê tôi đều như vậy. Điều đó thể hiện một điểm rất đặc biệt của văn hóa Việt Nam, đó là văn hóa làng xã.

Làng được lập nên từ tập hợp các hộ gia đình, mỗi hộ gia đình lại sống độc lập trong mỗi khuôn viên riêng, có thể tự cung tự cấp, nhưng cuộc sống nông nghiệp với nghề trồng lúa nước lại khiến mỗi hộ gia đình lại rất hòa đồng trong bối cảnh sinh hoạt chung của làng.

Ngày nay, trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu buôn bán, giao thương ngày một tăng cao, những ngôi nhà bê tông cao tầng mở ra mặt đường mọc lên như nấm sau mưa. Sau bao năm đổi thay, quê cũ giờ đã bớt đi nhiều những bóng cây cổ thụ, cây ăn quả, con đường đất lầy lội cũng được trải nhựa thẳng tắp, hai bên đường đầy những ngôi nhà gạch vữa mới xây. Cùng với sự thay đổi của thời đại, các bố cục phong thủy xưa kia cũng buộc phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống ngày nay, khi mà đất đai ngày càng đắt đỏ.

Thế nhưng, quanh năm sống trong căn hộ chung cư hay nhà ống chật hẹp, ngày ngày nghe tiếng tàu xe ồ ã, thiếu vắng màu xanh của cỏ cây, mà được một lần trở về ngôi nhà ba gian xưa cũ, đắm mình trong không gian yên ả, hít căng đầy lồng ngực bầu không khí tươi mới của thiên nhiên, ta mới cảm thấy tâm hồn được bình yên, bao nhiêu muộn phiền của cuộc sống hiện đại tất bật đều tan biến.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản