Chống xói lở bờ biển kém hiệu quả do thiếu vốn hay yếu công nghệ?
Lê Quân - 31/12/2019 09:29
 
Suất đầu tư thấp, cộng với thiếu những đánh giá nguyên nhân cụ thể sạt lở của từng vùng để có giải pháp công nghệ phù hợp, khiến nỗ lực chống xói mòn, sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không đạt như mong muốn.
Trượt lở và xói mòn bờ biển là hiện trạng đang diễn ra phổ biến (ảnh minh hoạ)
Trượt lở và xói mòn bờ biển là hiện trạng đang diễn ra phổ biến (ảnh minh hoạ)

Điểm sạt lở tăng chóng mặt

Do đặc thù hình thành bởi phù sa bồi lắng từ sông Mê Kông và dòng bùn cát ven biển nên Đồng bằng sông Cửu Long có nền địa chất yếu và rất dễ bị xói lở. Chỉ bằng cảm quan thông thường đã dễ nhận thấy hiện tượng xói lở bờ sông, biển tại khu vực này ngày càng nghiêm trọng.

Năm 2010, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở, đến năm 2019, con số này tăng gấp 7 lần, lên 681 điểm - con số khiến không ít chuyên gia và các nhà quản lý lo ngại.

Một số nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được chỉ ra, gồm sự thay đổi tính chất cơ học đất hai bên bờ sông; sự bào mòn lòng sông; khai thác cát trong lòng sông thiếu khoa học; tác động của sóng do tàu, thuyền lưu thông; các công trình lấn lòng sông (mố cầu, khu dân cư)...

Tham gia khảo sát hiện trạng sạt lở tại 12 tỉnh Tây Nam bộ mới đây, PGS-TS. Nguyễn Viết Thanh (Đại học Giao thông - Vận tải) cho biết, nhiều địa phương than rằng, với suất đầu tư chỉ khoảng 20-40 triệu đồng cho 1 mét dài kè biển, chỉ có vài công trình phát huy hiệu quả, còn nhiều công trình khác không đem lại tác dụng như mong muốn.

“Rất cần xem lại suất đầu tư sao cho phù hợp, bởi điều kiện đất ở khu vực Tây Nam bộ rất yếu, trong khi sóng tương tác lớn. Đặc biệt, nhất thiết phải có nghiên cứu đánh giá hiệu quả suất đầu tư vào các công trình chống xói mòn biển hiện nay để tìm giải pháp mới phù hợp hơn”, ông Nguyễn Viết Thanh khuyến nghị.

Về mặt công nghệ, ông Thanh nhấn mạnh, vừa rồi có một số công nghệ mới được áp dụng tương đối thành công vào chống xói lở bờ biển tại Tây Nam bộ, nhưng cũng có những công nghệ mới chưa thành công, đơn cử tại Cà Mau.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề đối với Việt Nam, bản thân các nhà khoa học như ông Thanh muốn đưa các ứng dụng công nghệ mới ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông, kè biển cũng khó và nên chăng các cơ quan quản lý nhà nước cần “thiết kế” biện pháp khuyến khích thuận lợi hơn để các nhà khoa học có cơ hội áp dụng các công nghệ mới thông qua tăng cường nghiên cứu sâu về công nghệ, các kết cấu mới để áp dụng trong tương lai.

“Để làm được điều này, đòi hỏi nhà nghiên cứu và nhà quản lý phải đồng hành với nhau. Nếu nhà nghiên cứu đi theo một con đường mà không ăn nhập với tư tưởng của nhà quản lý thì khó mà thành công”, ông Thanh nhấn mạnh.

Hội nghị GEOTEC HANOI 2019 thu hút sự tham gia của gần 1.000 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và  42 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hội nghị GEOTEC HANOI 2019 thu hút sự tham gia của gần 1.000 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và 42 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đi tìm lời giải

Nghiên cứu sâu về động lực học biển và bảo vệ bờ biển, ông Thanh đánh giá, mỗi khu vực có điều kiện đặc trưng rất riêng biệt. Dọc bờ biển thì thủy triều, sóng, dòng chảy do sóng gây ra cũng khác nhau, đi kèm với đó là quá trình vận chuyển bùn cát cũng khác nhau.

Đi tìm lời giải chống xói mòn cho từng khu vực bờ biển, trước hết cần có quy hoạch tổng thể. Từ quy hoạch tổng thể này, những người làm dự án sẽ dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện nay, chẳng hạn như mô hình toán hay mô hình vật lý để đưa ra giải pháp bố trí không gian phù hợp cho một khu vực cụ thể. Từ đó mới đưa ra những công nghệ chống chọi lại tác động của sóng lớn.

“Song hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào có thể quy định rõ công trình nào phải làm mô hình vật lý, công trình nào chỉ cần làm theo mô hình toán. Do đó, rất khó để áp dụng trong điều kiện cụ thể”, ông Thanh nói.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và chống xói mòn bờ biển bằng giải pháp công trình hay phi công trình là bài toán phải lựa. Con người luôn có xu hướng chọn giải pháp thân thiện môi trường và phát triển bền vững, tuy nhiên nhiều giải pháp phi công trình chỉ mang tính tạm thời, rất khó để chống chọi lại tác động của sóng biển và xói mòn. Điển hình tại tỉnh Tiền Giang, trồng khoảng 200 ha rừng ngập mặn để chống xói lở bờ biển, nhưng thiệt hại do sóng mất gần 400 ha, như vậy hiệu quả trồng rừng ngập mặn chưa như mong đợi.

Vừa qua, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số giải pháp, nhưng mới chỉ gặt hái được thành công sơ bộ. Để đánh giá được hiệu quả các giải pháp này trong thời gian dài, cần phải kiểm chứng thực tế.

“Với mong muốn chung tay chống biến đổi khí hậu và góp sức vào sự phát triển bền vững của đất nước, FECON luôn chủ động nghiên cứu các giải pháp công trình bền vững, từ nghiên cứu khảo sát địa hình địa chất, cho đến thiết kế lựa chọn giải pháp, ứng dụng công nghệ phù hợp để thi công xây dựng và sử dụng trong quá trình khai thác”, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Công ty cổ phần FECON khẳng định.

Đối với các giải pháp chống xói lở bờ sông, biển, FECON quy tụ mạng lưới đầu ngành trong nước cũng như khu vực phối hợp cùng nghiên cứu các giải pháp công nghệ cụ thể, nhất là đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tại Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật và hạ tầng lần thứ 4 (GEOTEC HANOI 2019) vừa qua, lần đầu tiên 2 nội dung “Trượt lở và xói mòn cùng với Kỹ thuật nền móng bờ biển” được đưa vào chương trình thảo luận với nhiều giải pháp thiết thực do các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất.

GS. Eun Chul Shin, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình thế giới cho rằng, thực tế cho thấy, nguyên nhân các giải pháp chống xói mòn bờ biển không đạt hiệu quả là do chưa tìm cách giảm được tác động của sóng.

Các nước Hà Lan hay Mỹ đều dùng mô hình vật lý để mô phỏng lại sóng tác động vào công trình chắn sóng, từ đó mới đưa ra giải pháp cụ thể. Với Việt Nam, giải pháp đưa ra có thể là dùng ống địa kỹ thuật geotube (đê chắn sóng mềm) 2 hàng, với hàng trước có nhiệm vụ tiêu tán phần nào tác động của sóng và giảm lực sóng cho hàng phía sau, từ đó giúp năng lượng sóng vào bờ sẽ giảm dần và nâng cao hiệu quả chống xói lở.

GS. Eun Chul Shin lưu ý, đã có trường hợp geotube bị phá hỏng do sóng mạnh tác động gây sụt lún khu vực chân geotube hoặc quá trình bơm dung dịch cát không đều và không đủ.

Theo chuyên gia này, để triển khai giải pháp chống xói mòn hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách rõ ràng, bỏ tiền đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu cụ thể. Thậm chí, nên thành lập các nhóm nghiên cứu quy mô lớn, tập trung vào địa kỹ thuật, kỹ thuật thủy lực và các công nghệ khác như Singapore đã triển khai.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với 169 công trình.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống sạt lở, sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tổ chức vào quý III năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ giải quyết hoặc kiến nghị Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, với số vốn hơn 3.000 tỷ đồng trong các năm 2019, 2020 để cùng với số vốn đã giải quyết nhưng chưa giải ngân xong hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản