Điểm mặt dự án cũ “hồi sinh” tại Hà Nội
Hà Quang - 30/04/2017 10:15
 
Trong số 9 dự án bất động sản tại Hà Nội đủ điều kiện kinh doanh từ tháng 4/2017, nhiều công trình đã bất động trong thời gian dài, có dự án đã thay tên, đổi chủ.

Những dự án cũ “hồi sinh”

Các dự án được Sở Xây dựng Hà Nội công bố đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai tháng 4/2017 nằm rải rác trên địa bàn các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, với tổng số 2.360 căn hộ chung cư và 536 căn nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại).

.

Trong số 9 dự án này, có số lượng căn hộ lớn nhất thuộc về Khu chức năng đô thị Đại Mỗ - giai đoạn I (Nam Từ Liêm), với 2 block A và B có tổng cộng 966 căn hộ, do Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska làm chủ đầu tư. Dự án có số căn hộ ít nhất thuộc về Tổ hợp Trung tâm thương mại, Văn phòng và Căn hộ ở Cầu Vĩnh Tuy (Long Biên), do Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng làm chủ đầu tư, với 192 căn.

Ở phân khúc nhà ở thấp tầng, dự án có số căn lớn nhất là khu thấp tầng thuộc Dự án Khu nhà ở Văn Phú Hibrand ở phường Phúc La (Hà Đông) với 359 căn. Dự án ít nhất chỉ có 4 căn thuộc về Khu nhà ở thấp tầng Sài Đồng tại 85 - Sài Đồng (Long Biên).

Đáng chú ý nhất trong số các dự án đủ điều kiện mở bán lần này là Khu thấp tầng thuộc Dự án Khu nhà ở Văn Phú Hibrand ở phường Phúc La (Hà Đông). Đây là một phần của Dự án Daewoo Cleve do Công ty TNHH Hibrand Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 6,5 ha, được khởi công tháng 12/2009. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng dở dang một số tòa nhà, Dự án đã bất động suốt nhiều năm.

Việc Hibrand Việt Nam mở bán các căn nhà thấp tầng tại đây cho thấy sự trở lại của nhà đầu tư Hàn Quốc sau nhiều năm chật vật triển khai Dự án.

Một dự án cũng được giới đầu tư đặc biệt quan tâm đợt này là Khu chức năng đô thị Đại Mỗ - giai đoạn I (Nam Từ Liêm) do Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska làm chủ đầu tư. Đây là dự án bất động sản nhà ở có diện tích lớn nhất (7,89 ha) do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC mua lại từ Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska hồi tháng 8/2013. Dự án hiện được biết đến với tên gọi FLC Garden City.

Trong số 9 dự án đủ điều kiện mở bán tháng 4/2017 còn có tòa nhà CT2-105 Khu đô thị Văn Khê mở rộng (Hà Đông), với 752 căn. Công trình này vốn là một phần của Dự án Usilk City do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư. Cuối năm 2015, dự án được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô sau thời gian dài đối mặt với áp lực kiện tụng từ phía khách hàng, nhà đầu tư.

“Bảo bối” của khách mua

Từ đầu năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố thông tin khá đều đặn về các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố được phép huy động vốn của khách hàng thông qua các hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

Thông tin chính xác về từng dự án giúp khách hàng, nhà đầu tư biết được năng lực thực sự của chủ đầu tư nhằm tránh rủi ro khi “mua nhà trên giấy”.

Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), với những thông tin này, người mua dễ dàng nắm bắt được tính chất pháp lý cũng như tiến độ triển khai dự án; có sự so sánh, đối chiếu về nguồn cung, giá cả… trước khi ký hợp đồng mua bán. Việc làm này cũng giúp khách hàng tránh được các thông tin “hỏa mù” từ phía chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những động thái mới từ phía cơ quan chức năng với thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thông tin chính xác về từng dự án giúp khách hàng, nhà đầu tư biết được năng lực thực sự của chủ đầu tư, nhằm tránh  rủi ro khi “mua nhà trên giấy”.

“Từ quý I/2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng công bố định kỳ số liệu về thị trường bất động sản và dự báo triển vọng cho quý tiếp theo, nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam và thị trường bất động sản nói riêng”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản