Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 “bất động”: Doanh nghiệp địa ốc sốt ruột
Việt Dũng - 19/06/2021 15:32
 
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13 (đoạn qua TP.HCM) được phê duyệt từ năm 2000, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. Nút thắt hạ tầng này khiến các doanh nghiệp địa ốc sốt ruột.
.
.

“Bất động” sau nhiều lần đổi chủ

Quốc lộ 13 được ví như trục xương sống kết nối TP.HCM và Bình Dương, cũng là cửa ngõ quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách đi các tỉnh miền Đông và ngược lại, nên việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường là cần thiết.

Ngày 23/10/2000, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 969/CP-CN, cho phép Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Quốc lộ 13 - Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), dài 10,6 km, thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án gồm 2 phần chính là xây dựng mới cầu Bình Triệu 2 và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.

Nhưng khi cầu Bình Triệu 2 được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004, sau đó đã tổ chức thu phí hoàn vốn, phần nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, Cienco 5 xin trả lại dự án cho TP.HCM vì vốn đã đội lên 1.200 tỷ đồng do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng (vốn được duyệt ban đầu là 341 tỷ đồng).

Sau khi nhận lại, dự án được chuyển giao cho Sở Giao thông công chính TP.HCM (nay là Sở Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư, thay đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố và hoàn vốn bằng nguồn thu phí giao thông.

Song song với việc chuyển chủ đầu tư, UBND TP.HCM cũng điều chỉnh thiết kế kỹ thuật dự án, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi dài hơn 4,5 km bổ sung xây dựng theo mặt cắt ngang rộng 53 m, thay vì 32 m như phương án kỹ thuật cũ. Tổng mức đầu tư dự án được nâng lên 1.692 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa là 1.285 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2006.

Tuy nhiên, phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 bằng vốn ngân sách đã không được triển khai vì cuối năm 2005, UBND TP.HCM có quyết định chuyển dự án từ Sở Giao thông công chính sang Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Sau khi nhận chuyển giao, CII chia dự án thành 7 tiểu dự án để triển khai, nhưng do biến động giá đất, kinh phí bồi thường tăng, CII không thể triển khai và dự án chính thức nằm im từ năm 2007 đến nay.

Tháng 10/2019, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) đã trình HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 13. Theo đó, dự án sẽ triển khai trước năm 2023 với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu lấy từ ngân sách. “Nếu dự án thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021 thì đến năm 2025 sẽ hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP chia sẻ.

 Doanh nghiệp địa ốc trông ngóng

Trong khi phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe, thì đoạn đường khi về tới TP.Thủ Đức (TP.HCM) bị "thắt cổ chai" nên thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Do vậy, cả người dân và doanh nghiệp đều mong ngóng dự án sớm hoàn thành.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, dọc theo tuyến Quốc lộ 13, đặc biệt là khu vực thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, các dự án bất động sản đang mọc lên tua tủa. Có thể kể đến như Opal Skyline, Opal Central Park với khoảng 10.000 sản phẩm do Tập đoàn Đất Xanh phát triển tại trung tâm TP. Thuận An; Astral City của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt…

Mặt bằng giá chung của khu vực hiện dao động từ 38 đến 45 triệu đồng/m2 cho loại hình căn hộ và từ 40 đến 100 triệu đồng/m2 cho loại hình đất nền. Nhà xây sẵn không dưới 5 tỷ đồng/căn, thậm chí có những dự án biệt thự có mức giá cả chục tỷ đồng mỗi căn. Còn tại khu vực TP. Thuận An cũng đang manh nha triển khai với mức giá được “úp mở” sẽ tăng tới 40-60% so với 1-2 năm trước và được dự báo còn tăng khi dự án cải tạo Quốc lộ 13 thành hình.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, việc mở rộng Quốc lộ 13 không chỉ tạo nền tảng cho các dự án bất động sản, mà còn có ý nghĩa tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với Bình Dương. Khi khoảng cách giữa hai nơi trở nên thông thoáng hơn, xu hướng giãn dân ra vùng vệ tinh TP.HCM tự nhiên sẽ được thực hiện.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land (công ty thành viên của Tập đoàn Vạn Phúc) cho rằng, giao thông, hạ tầng là nền tảng, là xương sống của một vùng kinh tế và các dự án bất động sản là thực thể không thể tách rời trong sự phát triển chung của vùng kinh tế đó. Tất cả các yếu tố này sẽ tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, là động lực thu hút đầu tư.

Song, trước tình hình khó khăn trong bố trí ngân sách để đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông hiện nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13 có hoàn thành đúng tiến độ hay không vẫn là dấu hỏi lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản