Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM: Sống dậy sau 15 năm bất động
Gia Huy - 16/08/2016 09:32
 
Sau 15 năm án binh bất động, sai phạm giăng đầy, những chuyển động mới tại Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM đang khiến hàng ngàn cán bộ, giảng viên mua đất tại đây kỳ vọng.

Như Báo Đầu tư đã thông tin về việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM, vào tháng 7/2001, UBND TP.HCM đã có chủ trương xây dựng Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM tại phường Phú Hữu, quận 9 (gọi tắt là Dự án 245) quy mô hơn 80ha. Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.263 tỷ đồng. Thành phố cũng giao cho Công đoàn Đại học Quốc gia làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật công nghệ môi trường Sài Gòn (Công ty EDICO) làm chủ điều hành Dự án.

Khi Dự án vừa được chấp thuận chủ trương xây dựng, Công ty EDICO đã thực hiện các thủ tục nhằm ghi nhận địa điểm thực hiện, ký 1.065 hợp đồng góp vốn mua nền của cán bộ, giảng viên công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng thời sang nhượng 145 hợp đồng về quyền sử dụng đất…

Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM đã tái khởi động. Ảnh: Gia Huy
Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM đã tái khởi động. Ảnh: Gia Huy

Trong hợp đồng trách nhiệm được Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM ký với người góp vốn theo hình thức góp vốn đổi đất nêu rõ: “Dự án được thực hiện bằng 100% vốn của cán bộ - giảng viên do Công đoàn tổ chức đầu tư để giải quyết nhu cầu đất làm nhà ở cán bộ, giảng viên. Dự án được thực hiện theo phương thức, tính đủ chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư lập dự án theo quy định của Nhà nước, hoàn tất trình tự quy định về đất đai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phân lô giao nền và cấp quyền sử dụng đất cho người góp vốn. Dự án không hoạch toán lợi nhuận như các dự án kinh doanh khác”. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ nêu rõ vấn đề góp vốn, chứ không nêu rõ thời gian đối tượng góp vốn được nhận đất xây nhà.

Sau đó, ngày 20/1/2004, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 222/QĐUB tạm giao đất cho chủ đầu tư và ngày 12/7/2005, văn bản giao đất chính thức được UBND TP.HCM ban hành. Tuy nhiên, tới năm 2008, cán bộ, giảng viên góp vốn vẫn chưa được chủ đầu tư cấp đất xây nhà ở nên đã xảy ra khiếu kiện.

Để giải quyết những vướng mắc tại dự án trên, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 694/VPCP-V.II truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM kiểm tra lại Dự án (giai đoạn I) thực hiện trên diện tích đất 80,83ha. Ngày 27/10/2008, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 2284/KL-TTCP báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra Dự án.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư và Công ty EDICO, trong đó, Công đoàn Đại học Quốc gia đã ký 516 hợp đồng, 638 lô đất diện tích 15,385ha với các cá nhân không thuộc Đại học Quốc gia; làm trái các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng (thời điểm ký hợp đồng góp vốn đầu tư và mua bán nền chưa tiến hành lập các thủ tục theo quy định của pháp luật, như chưa lập quy hoạch chi tiết 1/2000, quy hoạch 1/500, chưa có báo cáo khả thi dự án, chưa được thẩm định và phê duyệt, chưa có quyết định thu hồi đất, dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…).

Kết luận cũng nêu rõ trách nhiệm sai phạm trên thuộc về ông Vũ Đình Chính, Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia TTP.HCM và chỉ ra rằng, EDICO không đủ điều kiện để thực hiện việc góp vốn đầu tư như đã ghi trong Hợp đồng số 08/ĐT-DA. Thanh tra Chính phủ còn nêu rõ sai phạm của Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM là không đủ năng lực, thẩm quyền và trách nhiệm.

Tuy nhiên, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của báo chí, sau 15 năm án binh bất động, gần đây, Dự án đã có tín hiệu chuyển động tích cực.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào ngày 3/8/2016, ông Lê Lan Nam, quyền Trưởng ban chỉ đạo Dự án cho biết, chủ đầu tư (là Công đoàn Đại học Quốc gia) đã có kế hoạch cụ thể, dự kiến, tới tháng 12/2017 sẽ giao đất cho người dân xây nhà tại Dự án. Ngoài ra, UBND TP.HCM đã rút Công ty EDICO ra khỏi Dự án. Như vậy, tới thời điểm này, EDICO không còn liên quan tới Dự án.

“Dự án bắt đầu xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước. Để có thêm vốn phát triển Dự án và giúp người dân mua đất giảm chi phí, UBND TP.HCM cùng chủ đầu tư đã có hướng đi cụ thể”, ông Nam nói. Theo ông Nam, để phát triển Dự án, chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ cùng UBND TP.HCM cho phép thu hồi 15ha đất của Công ty EDICO để lập dự án thành phần xây dựng chung cư trên diện tích 5,5ha  đất nhằm kêu gọi nhà đầu tư bên ngoài tham gia, qua đó tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng toàn Dự án. Đối với tính pháp lý của 5,5ha đất, sau khi kêu gọi đầu tư, đấu thầu thành công,Thành phố sẽ cấp đất riêng cho nhà đầu tư này, thay vào đó doanh nghiệp được cấp đất sẽ hỗ trợ vốn để Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng hạ tầng Dự án. Vẫn theo ông Nam, chủ đầu tư đã đóng đủ tiền sử dụng đất, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư thay đổi thiết kế tại các dự án thành phần.

Ông Nguyễn Công Lập, Phó trưởng ban phát triển dự án cho biết thêm, sau khi khắc phục sai phạm của thời kỳ đầu, cuối năm 2015, chủ đầu tư đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, nên tới thời điểm này, người mua đất có thể yên tâm xây nhà. Còn ông Ducksu, đại diện Công ty NIBC (Hàn Quốc) thì cho biết, Công ty ông đang tìm hiểu dự án này để có thể hợp tác đầu tư phát triển nhà ở xã hội tại đây.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đầu tư, các hoạt động xây dựng hạ tầng kết nối giao thông đã được khởi động trong khuôn viên Dự án. Hy vọng rằng, sau 15 năm án binh bất động, Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ đảm bảo tiến độ đề ra và khách hàng mua nhà sẽ không còn phải thắc thỏm với những đồng vốn đã trót chôn vào Dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản