Dự án đô thị 3,5 tỷ USD của Berjaya tại TP. HCM có nguy cơ bị thu hồi
Trung Sơn (Vnexpress) - 15/08/2016 14:00
 
Từng được kỳ vọng là trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á nhưng sau gần 10 năm được cấp phép, dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (huyện Hóc Môn) vẫn là bãi đất hoang.
 Phối cảnh khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam ở huyện Hóc Môn
Phối cảnh khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam ở huyện Hóc Môn

UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) thuộc khu đô thị Tây Bắc và tìm cách giải quyết theo hai phương án: tìm cách tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Berjaya (Malaysia - chủ đầu tư) trong việc triển khai dự án hoặc thu hồi giấy phép.

Đây là dự án đã được UBND TP HCM được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 1/7/2008 có diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.

Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, Khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.

Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm được cấp phép đầu tư, hiện dự án vẫn là đồng cỏ bỏ hoang, lác đác vài ngôi nhà tạm bợ của những hộ dân chưa di dời khỏi vị trí quy hoạch khiến người dân trên địa bàn bức xúc.

Tại thời điểm năm 2008, VIUT là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép vào thành phố và được Chính quyền TP HCM đặt nhiều kỳ vọng, bởi Berjaya được đánh giá là nhà đầu tư bất động sản lớn.

Khu đô thị Tây Bắc TP HCM có diện tích hơn 9.000 ha, thuộc địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, cách trung tâm thành phố gần 30 km là một trong ba khu đô thị vệ tinh quan trọng của thành phố, bao gồm Khu đô thị Nam Sài Gòn và Khu đô thị Thủ Thiêm. Việc phát triển Khu đô thị này được cho là sẽ tạo động lực phát triển khu kinh tế phía Tây Bắc thành phố và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh.

Cùng với việc yêu cầu rà soát các dự án trong khu đô thị Tây Bắc, UBND TP HCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Tây Bắc theo hướng kết hợp phát triển các khu dân cư mới với chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải được yêu cầu xác định các trục đường chính cần thực hiện, thứ tự ưu tiên triển khai để tạo động lực thu hút, mời gọi đầu tư phát triển khu đô thị này. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường theo hình thức đối tác công tư (PPP) với phương thức thanh toán bằng quỹ đất.

Lãnh đạo thành phố chấp thuận hủy bỏ chủ trương "tạm không phát triển thêm dự án nhà ở thương mại tại Khu đô thị Tây Bắc" trước đây và giap Ban Quản lý Đầu tư - xây dựng khu đô thị Tây Bắc xây dựng Đề án thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, để tạo động lực phát triển trong những năm tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản