Ngân hàng Đức dòm ngó Ngân hàng tiết kiệm nhà ở từ trong trứng
- 16/12/2013 08:30
 
Schwaebisch Hall - ngân hàng tiết kiệm nhà ở lớn nhất thế giới, có vẻ đang rất “thèm muốn” thị trường Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Lý do thì có nhiều. Họ đã rất thành công ở nước Đức quê hương. Điều này được minh chứng bằng những con số. Schwaebisch Hall hiện có 7 triệu khách hàng, 7,7 triệu hợp đồng với số vốn huy động khoảng 249 tỷ euro, chiếm khoảng 30,2% thị phần tiết kiệm nhà ở tại Đức.

  Ngân hàng tiết kiệm nhà ở: Chưa mở mà Ngân hàng Đức đã dòm ngó  
  Mô hình tiết kiệm nhà ở của Đức đã được một số quốc gia ở Châu Âu, Trung Quốc áp dụng thành công và đem lại nhiều lợi ích.  

Bước ra nước ngoài, tại 4 nước Slovakia, Séc, Hungary, Romania với dân số tổng cộng chỉ 48,1 triệu người mà họ đã có tới 3,3 triệu khách hàng với tổng số 3,7 triệu hợp đồng trị giá 53,2 tỷ euro.

Theo tiết lộ của ông Michael Donner, phụ trách các dự án quốc tế của Schwaebisch Hall thì ngân hàng cũng đang rất thành công tại Trung Quốc. Và so sánh những yếu tố tương đồng về văn hóa, tập quán…, rõ ràng, họ có lý do để kỳ vọng vào mô hình tiết kiệm nhà ở tại một thị trường 90 triệu dân đầy tiềm năng như Việt Nam.

Vậy đâu là những điểm được cho là ưu việt của mô hình này?

Một đại diện khác của Schwaebisch Hall, ông Christian Oestreich, Trưởng phòng Thị trường quốc tế cho biết, nguyên tắc hoạt động của ngân hàng tiết kiệm nhà ở dựa trên một hệ thống đóng, khách hàng cấp vốn cho khách hàng. Với lãi suất cố định trong toàn bộ thời hạn của hợp đồng, khách hàng không phải chịu rủi ro về lãi suất, tiền của người gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do, nên cũng không có chuyện bị mất đi hoặc bị chiếm đoạt…

Mức tiền tiết kiệm sẽ do khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận, khi người gửi đã tiết kiệm được 50% tổng số tiền cần dùng để mua nhà, họ sẽ được ngân hàng cho vay 50% còn lại. Các khoản tiết kiệm của khách hàng có lãi suất cố định, đồng thời tín dụng của ngân hàng cũng đảm bảo lãi suất thấp và cố định trong suốt kỳ cho vay.

Nhà quản lý thị trường bất động sản Việt Nam cũng khá hào hứng với mô hình này. Tại một cuộc hội thảo vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, đó là một mô hình thông minh và rất an toàn đối với cả khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng như khoản cho vay của các ngân hàng. “Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nước và nhận ra rằng, dòng vốn lâu dài, ổn định nhất là từ ý thức tiết kiệm của người dân”, ông Nam nói.

Nhiều người còn cho rằng, tiết kiệm nhà ở dưới hình thức ngân hàng là một mũi tên trúng rất nhiều đích.

Nhà nước được lợi vì không phải bỏ tiền ra “trợ cấp” như với mô hình Quỹ phát triển nhà ở đang tồn tại, đồng thời gia tăng nguồn thu từ thuế, giảm chi trợ cấp xã hội, thu hút vốn cho trái phiếu chính phủ và phát triển nhiều ngành khác… Người dân có lợi vì được vay thời gian dài với mức lãi suất thấp có thể biết trước. Còn lợi ích của ngân hàng tiết kiệm, chắc chắn là không nhỏ thể hiện qua sự “sốt sắng” của Schwaebisch Hall!

Nhưng tại sao một mô hình “đẹp” như thế mà ngay cả nhà quản lý như ông Nguyễn Trần Nam cũng chỉ “hy vọng” nó được triển khai từ năm… 2017?

Có thể thấy, về pháp lý, Việt Nam chưa hề có một văn bản nào điều chỉnh hoạt động tiết kiệm nhà ở. Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi có đề cập đến mô hình này. Nhưng từ dự thảo đến luật và hàng loạt văn bản hướng dẫn cần có đối với một lĩnh vực phức tạp liên quan đến cả ngành ngân hàng và ngành bất động sản sẽ không dễ tìm được sự đồng thuận để ra đời trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt trở ngại khác, điển hình như vấn đề lãi suất. Đại diện Schwaebisch Hall cho rằng, nguyên tắc của tiết kiệm nhà ở là huy động thấp và cho vay thấp hơn thị trường.

Nhưng liệu người dân Việt Nam có chấp nhận gửi lãi suất thấp để 10 - 20 năm sau được vay lãi suất thấp? Chưa kể đến việc với tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam, việc tiền gửi mất giá trong một thời gian dài chờ tiết kiệm được 50% giá trị căn nhà để vay cũng là một rủi ro không nhỏ.

Đồng thời, còn rất nhiều câu hỏi như liệu các tổ chức như Schwaebisch Hall có dễ vào Việt Nam để thành lập một tổ chức tín dụng đặc biệt như ngân hàng tiết kiệm nhà ở? Nếu có thì ngân hàng này sẽ hoạt động độc lập hay liên doanh như mô hình Trung Quốc? Ai sẽ được chỉ định hoặc được chọn liên doanh trên lĩnh vực đầy nhạy cảm và lạ lẫm này?

Để giải quyết thấu đáo những câu hỏi trên, có lẽ từ nay đến thời điểm 2017 như kỳ vọng của vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản