Nhà ở xã hội: Đề án triệu căn, áp lực đang dồn vào 5 năm cuối
Thanh Vũ - 16/05/2025 18:25
 
Hiện cả nước mới hoàn thành 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô 73.000 căn. Con số này chỉ tương đương khoảng 7% so với mục tiêu trong đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Trong cuộc họp mới đây với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Xây dựng đã cập nhật những thông tin quan trọng về tình hình triển khai nhà ở xã hội trên toàn quốc.

Tính đến hết quý I/2025, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội. Hiện có 152 dự án đã khởi công, tương ứng với khoảng 131.000 căn. Ngoài ra, 419 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 419.000 căn.

Đáng chú ý, hiện cả nước mới chỉ hoàn thành 108 dự án, tương ứng với 73.000 căn. Như vậy, so với mục tiêu 1.062.200 căn vào năm 2030, cả nước chỉ còn 5 năm để hoàn thành 989.200 căn nhà ở xã hội, tương đương với 93% kế hoạch đề ra. 

Tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội đang được gấp rút xây dựng. Ảnh: Thanh Vũ


Trước đó, trong một buổi tọa đàm về nhà ở xã hội được tổ chức vào tháng 4/2025, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã thừa nhận rằng, các kết quả hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.

“Nguyên nhân một phần đến từ việc đề án được phê duyệt từ năm 2023, đến nay chúng ta mới thực hiện hơn 2 năm. Các bộ, ngành, địa phương, kể cả các chủ đầu tư vẫn cần thêm thời gian để bố trí quỹ đất, thực hiện thủ tục, triển khai xây dựng”, ông Chử Văn Hải lý giải.

Để tăng tốc phát triển nhà ở xã hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho phân khúc này. Theo đó, các thông tin liên quan tới thiết kế cơ sở, kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, môi trường… sẽ được tích hợp chung vào một giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian và thủ tục.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, không chỉ trông chờ vào 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở thương mại.

"Nhiều dự án nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại xây xong nhưng không có người ở, dẫn đến lãng phí. Chúng ta cần nghiên cứu để cho phép chuyển đổi các dự án này thành nhà ở xã hội, đặc biệt là những khu tái định cư đang bỏ hoang", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Tình trạng nhà tái định cư không được đưa vào sử dụng đang diễn ra tương đối phổ biến tại Hà Nội. Ví dụ tại dự án chung cư X2 Đại Kim (quận Hoàng Mai), đây là công trình do Sở Xây dựng TP. Hà Nội đặt hàng chủ đầu tư MHDI để bố trí tái định cư cho người dân. 

Sau 5 năm bàn giao, khu nhà ở tái định cư của MHDI vẫn vắng bóng cư dân. Ảnh: Thanh Vũ

Dự án có tổng cộng 750 căn hộ và đã được nghiệm thu từ năm 2020. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có 77 căn được đưa vào sử dụng. Nhiều dự án khác cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, gồm khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai); khu tái định cư CT1 Xuân La (quận Tây Hồ); khu tái định cư tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên)...

Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, Phó thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, mở rộng tiêu chí và đối tượng được hưởng chính sách. Đồng thời, nguồn tín dụng cũng cần được cải thiện theo hướng tăng ưu đãi cho nhà đầu tư và người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản