Nhân tố ngoại đưa bất động sản bán lẻ vào ổn định
Lê Quân - 27/05/2021 10:16
 
Trong khi các nhà bán lẻ nhỏ đóng cửa, thì xu hướng mở rộng của các thương hiệu bán lẻ quốc tế giúp thị trường bất động sản này trở nên ổn định, cả ở công suất và giá thuê.
Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông có diện tích sàn tới 150.000 m2 	ảnh: đ.t
Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông có diện tích sàn tới 150.000 m2     Ảnh: ĐT

Nhộn nhịp chuyển động của khối ngoại

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam phục hồi nhẹ sau cú sốc phong tỏa chống Covid-19 trong năm 2020. Trong đó, Đà Nẵng đón những tín hiệu lạc quan rõ rệt sau quãng thời gian bị gián đoạn.

Dẫn báo cáo của Bộ Công thương, Savills Việt Nam đánh giá, các nhà đầu tư nước ngoài đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 17% thị phần tại phân khúc trung tâm mua sắm và siêu thị, 70% phân khúc cửa hàng tiện lợi, 15% phân khúc siêu thị mini và 50% qua hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình và điện thoại di động. 

Theo ghi nhận của Colliers Việt Nam, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng khiến Đà Nẵng trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn. Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại ở Đà Nẵng trong quý I/2021 tăng 6 - 7 USD/m2/tháng so mới quý trước đó. Tỷ lệ lấp đầy ghi nhận đạt gần 90%.

Ở TP.HCM, đợt Covid-19 diễn ra trong tháng 2/2021 không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bán lẻ, giá thuê của các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm vẫn tăng 5-10 USD/m2/tháng so với quý IV/2020, còn các trung tâm thương mại ở vùng ven có giá thuê trượt nhẹ (giảm khoảng 2 USD/m2/tháng). Nhiều trung tâm thương mại vẫn giữ tỷ lệ lấp đầy lên tới 100% với hợp đồng khách thuê dài hạn. Tỷ lệ trống tại các trung tâm thương mại cao cấp tại quận 1, 2 và 7 hầu như đã hồi phục, thậm chí còn cải thiện so với năm ngoái.

Còn tại Hà Nội, giá thuê tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội giảm 3 - 5 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy vẫn ổn định, đạt gần 100% với khối đế bán lẻ và gần 90% với trung tâm thương mại.

Trong khi nguồn cung mới của toàn thị trường những tháng qua khá im ắng, thì các thương hiệu bán lẻ ngoại đẩy mạnh thâm nhập và mở rộng thị trường Việt Nam, tạo thêm triển vọng cho thị trường bán lẻ ở các thành phố lớn.

Thực tế, thị trường thú hút nhiều nhà bán lẻ quốc tế khi Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và phục hồi nhanh hơn hầu hết các thị trường khác. Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo đã ghi tên 2 cửa hàng ở Đồng Khởi (TP.HCM) và Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) vào 4 cửa hàng Uniqlo lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời lên kế hoạch mở cửa hàng mới tại Vincom Phan Văn Trị (TP.HCM). Trong khi đó, Matsumoto Kiyoshi, MUJI, Haidilao và Fila đã mở rộng hệ thống tại Việt Nam và mở thêm cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội.

Thương hiệu thời trang quốc tế MLB cũng đã chính thức đặt chân đến Việt Nam với những cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và Đà Nẵng. Còn nhà sản xuất và bán lẻ đồ trang sức Pandora (Đan Mạch) khai trương cửa hàng mới ở Vincom Center Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) vào đầu năm 2021 sau khi mở 2 cửa hàng liên tiếp vào tháng 12/2020.

Những tháng qua cũng chứng kiến H&M, sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, ra mắt các cửa hàng concept mới lạ ở các tỉnh, thành phố khác như ở Vincom Plaza Hạ Long (Quảng Ninh) và Vincom Plaza Hùng Vương (Cần Thơ).

Về phía siêu thị và đại siêu thị, Big C của Tập đoàn bán lẻ Central Retail (Thái Lan) dần đổi tên thương hiệu thành GO! và Tops Market từ tháng 3/2021, sau 5 năm trì hoãn. Điều này không cản trở kế hoạch mở rộng của Central Retail tại Việt Nam. Được biết, Central Retail sẽ phát triển các đại siêu thị GO! ở Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Buôn Ma Thuột và Quảng Ngãi, nhằm mang lại trải nghiệm bán lẻ hiện đại cho khách hàng.

Nguồn cung dồn về cuối năm

Nguồn cung bất động bán lẻ mới bị hạn chế trong quý I/2021, nhưng được cho là sẽ ổn định và tăng mạnh vào những tháng còn lại trong năm. Thị trường bán lẻ Đà Nẵng vừa chào đón “tân binh” trung tâm thương mại quốc tế VV Mall với tổng diện tích 35.000 m2 tại quận Ngũ Hành Sơn trong tháng 3/2021.

Theo ông Thomas Mark Clifford, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores (Trung Quốc), việc mở cửa VV Mall, với điểm nhấn là các thương thương hiệu thời trang nổi tiếng, cửa hàng miễn thuế quốc tế và nhà hàng, đánh dấu sự tham gia của Silver Shores vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Các chuyên gia Colliers Việt Nam đánh giá, ngành bán lẻ Đà Nẵng sẽ sôi động hơn với dự án từ các thương hiệu lớn. Trong khi hệ thống siêu thị Co.opmart đang tìm kiếm mặt bằng phù hợp để phát triển thêm một siêu thị mới tại Đà Nẵng, thì Tập đoàn bán lẻ Central Retail của Thái Lan đang có kế hoạch mở thêm điểm phân phối hàng hóa ở khu vực quận Cẩm Lệ.

Không ghi nhận nguồn cung bất động sản bán lẻ mới trong quý I/2021, nhưng TP.HCM dự kiến đón hơn 200.000 m2 mặt bằng bán lẻ từ nay đến hết năm. Nguồn cung mới sẽ tập trung tại khu Đông và nơi có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi qua.

Ở phía Bắc TP.HCM, Bình Dương nổi lên là điểm đến hấp dẫn của các nhà bán lẻ ngoại khi một trung tâm thương mại - hội nghị quy mô lớn thuộc Thành phố mới Bình Dương đã hoàn thành trong tháng 2/2021. Vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BECAMEX IDC) cũng đã ký kết thỏa thuận với 2 đối tác Hàn Quốc để vận hành trung tâm thương mại này.

Ngoài ra, Bình Dương cũng đang trong tầm ngắm của Central Retail khi tập đoàn này vừa đề xuất triển khai dự án trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất Việt Nam của họ tại thị xã Bến Cát. Dự án có quy mô 3 tầng với diện tích 3 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.

Nếu kinh tế diễn biến tích cực, tiêu dùng trong nước tăng lên và Covid-19 được kiểm soát tốt sẽ hỗ trợ sự phục hồi của thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Trong khi các nhà bán lẻ nhỏ đã đóng cửa, xu hướng mở rộng của các thương hiệu quốc tế như Uniqlo, Haidilao đang là một điểm sáng. Chưa kể, các thương hiệu quốc tế từ trung đến cao cấp như Balenciaga, Tiffany & Co cũng đang có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản