Nhập nhèm “một khu nghỉ dưỡng, hai loại dịch vụ” gây bức xúc cho khách du lịch
Hà Quang - 04/06/2017 09:20
 
Mô hình sở hữu biệt thự trong các khu nghỉ dưỡng để tự khai thác dịch vụ từng được giới thiệu như một xu hướng đầu tư đầy triển vọng, nhưng thực tế vận hành đang cho thấy nhiều bất cập.

Home stay trong... resort

Kết thúc kỳ nghỉ 3 ngày, 2 đêm tại một khu nghỉ dưỡng quy mô lớn tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hàng chục cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH Nam Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bày tỏ sự thất vọng với sản phẩm, dịch vụ nghỉ dưỡng nơi đây.

“Một khu nghỉ, hai loại dịch vụ” đang làm đau đầu nhiều chủ đầu tư Dự án nghỉ dưỡng. Ảnh: H.Q
“Một khu nghỉ, hai loại dịch vụ” đang làm đau đầu nhiều chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng. Ảnh: H.Q

Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nam Anh cho biết, khi đến nơi, họ mới biết, dịch vụ mà họ được hưởng không do chủ đầu tư dự án cung cấp, mà do một số nhà đầu tư cá nhân mua biệt thự nghỉ dưỡng và tự vận hành, khai thác dịch vụ. Việc lưu trú tại các biệt thự này giống như các nhà nghỉ “home stay”, hoàn toàn độc lập với khu nghỉ dưỡng, chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào chủ nhà. Muốn sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong khu nghỉ dưỡng, du khách phải mua thêm với chi phí thậm chí cao hơn rất nhiều so với giá thuê biệt thự.

“Trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về đơn vị cung cấp tour vì đã không nói rõ với khách hàng về sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp. Tuy nhiên, sự việc phần nào cũng tạo cho chúng tôi ấn tượng xấu về sự lộn xộn trong một khu nghỉ dưỡng được giới thiệu là sang trọng và đẳng cấp bậc nhất tại Thanh Hóa”, bà Thủy chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những trải nghiệm không như mong muốn mà Giám đốc Công ty TNHH Nam Anh đề cập ở trên cũng được nhiều khách hàng chia sẻ tại các khu nghỉ dưỡng mới được đầu tư xây dựng tại các tỉnh phía Bắc. Ở đây tồn tại song song 2 loại dịch vụ lưu trú, một do chủ đầu tư dự án cung cấp, một do các khách hàng sở hữu biệt thự tự cung cấp. Để tiết giảm chi phí, các đơn vị tổ chức tour thường “nhập nhèm” 2 loại dịch vụ này, gây bức xúc cho du khách - những người quyết định sự thành bại của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Hệ lụy từ nhiều phía

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện chủ đầu tư một dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn tại tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, vấn đề “một khu nghỉ, hai loại dịch vụ” đang làm đau đầu nhiều chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng. Năm 2016, doanh nghiệp này đã phải sử dụng đến biện pháp khá tiêu cực là ngừng cung cấp điện, nước sinh hoạt đối với một số chủ nhà tự khai thác dịch vụ lưu trú không theo đúng cam kết với chủ đầu tư.

Để giảm thiểu sự lộn xộn trong việc cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng nghỉ dưỡng, chủ đầu tư này đã phải đàm phán lại với chủ nhà về số lượng khách được lưu trú, các tiêu chuẩn dịch vụ được cung cấp. Tuy nhiên, đôi khi vẫn xảy ra tranh chấp giữa công ty cung cấp tour - khách hàng và chủ sở hữu biệt thự, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của dự án và chủ đầu tư.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Zen Việt Nam (đơn vị phát triển một số dự án nghỉ dưỡng như The Hill Villas, Zen resort, Sunset villas & resort…) cho rằng, những bất cập phát sinh ở mô hình “một khu nghỉ, hai loại dịch vụ” tại một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng thời gian gần đây xuất phát từ nhiều phía. Về phía chủ đầu tư, đó là nhu cầu huy động vốn, nhưng việc đồng thời bán dịch vụ nghỉ dưỡng và bất động sản để khách hàng tự khai thác gây ra nhiều vấn đề khó giải quyết.

Còn về phía khách hàng, việc có quá nhiều kỳ vọng như bảo toàn tài sản, thụ hưởng dịch vụ và sinh lời từ sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cũng khiến sản phẩm này nảy sinh những vấn đề bất cập. “Để xây dựng thành công sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư phải quản lý, vận hành dự án một cách chuyên nghiệp. Việc nhà đầu tư cá nhân là chủ sở hữu biệt thự trực tiếp quản lý, vận hành và khai thác dịch vụ có thể làm hỏng hình ảnh của dự án như thực tế đã xảy ra”, ông Trung phân tích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản