Sài Gòn những ngày không tươi đẹp…
Cơn mưa lớn đã khiến Sài Gòn thành sông. Chỉ một trận mưa mà biết bao nhiêu tấm hình đã được quăng lên mạng xã hội. Và từ đây, người ta cũng có thể tự đưa ra các phương án cho cuộc sống an cư của mình.
.
Sài Gòn ngập nặng sau mưa

1.

Tôi làm việc tại quận 3, và dạo gần đây, bài vở nhiều quá khiến ngày nào ra khỏi cửa tòa soạn thì trời cũng đã sập tối. Những ngày mưa lớn không dám đi về nhà vì sợ cây đè trúng xe và kẹt đường. Hài hước vậy đó. Người ta tạm quên đi nguy hiểm khi lưu thông trên đường, chỉ hãi nhất là đứng chờ dưới mưa và nhích dần từng mét.

Con đường trước nhà tôi là một trong những con đường trung tâm của quận Bình Tân. Đường rộng, phân chia 2 làn xe. Khi xây nhà, ai cũng ngạc nhiên khi thấy gia chủ để nền nhà cao hơn vỉa hè tới 80 phân. Nhưng nhìn vào các căn nhà trên đường Kinh Dương Vương thì thấy một bài học nhãn tiền: cứ một thời gian thì các con đường đều cao hơn nền nhà của dân.

Kỳ lạ! Đường này đua lên cao, nước tràn sang đường khác. Đường khác lại phải đua lên cao nữa và lại đẩy sang đường này. Cứ chạy vòng quanh thế, rất hấp dẫn và tò mò như tiểu thuyết chương hồi.

Có lần, tôi đi viết phóng sự về chuyện ngập đường trên tuyến đường Tân Hóa, quận Tân Phú, một bà chủ kinh doanh chăn drap gối nệm nói mà như khóc: “Trời ơi, lúc xây nhà thì nền cao hơn đường cả 1 mét, mà giờ thì vầy nè, sắp thành tầng hầm để xe đến nơi rồi”. Nắng thì bụi chạy vô “hầm”, mưa thì nước chảy vô “hầm”. Nhưng được cái an ủi, khi đường tôn lên cao tất nhiên là nhìn thẳng thớm, sạch đẹp hơn, giá nhà tự nhiên tăng cao, thiết lập một mặt bằng giá mới.

Nếu có đầu óc kinh doanh, thì cứ bán đi rồi mua chỗ khác để xây một căn nhà mới tinh ở cho sướng. Quan trọng nhất là căn nhà ấy cũng rất cần có nền tầng trệt cao hơn vỉa hè cả mét. Hơi khó khi chạy xe gắn máy vô, còn xe hơi thì chịu chết. Nhưng nhờ vậy, sẽ yên tâm nếu có nâng đường.

2.

Bữa rồi tôi đang viết bài dang dở thì phải chạy xuống dưới vườn, dù trời đang mưa lớn. Mưa trắng trời, vườn trắng xóa. Cá từ ngoài kênh tự vô ao, nhảy lên mừng vui hoan hỉ, trong khi tôi nhìn đám cây ngập trong nước mà xót xa, vì biết chắc thế nào cây cũng bị úng mà chết. Nhưng thôi, cũng đành. Quan trọng nhất là nhìn nước cuồn cuộn ngoài kênh. Lần đầu tiên mới thấy nước lớn đến thế.

Sài Gòn ngoại ô đã lấp đi khá nhiều kênh rạch, có thể do rác người ta sống trên dòng kênh đó thải trực tiếp ra (việc này mà xử lý thì tốn bộn tiền do dính đến rất nhiều chuyện giải tỏa), có thể do chủ động đặt cống mà cũng vì rác và bùn cát mà bị nghẹt lại. Nước không lưu thông được, tràn vào chỗ trũng. Vườn nào cũng thấp hơn đường, để thuận tiện lưu thông.

Nhưng sau khi mưa đã dứt, đường đã rút nước dần, thì có nhiều chung cư tầng hầm để xe vẫn còn ngập nước đến quá nửa thân xe. Và ngoài phố thì có những tuyến đường nước không chạy đi đâu được, cứ loanh quanh trong hẻm. Mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, điện có khi cúp, có khi mở. Đồ đạc ướt át, hư hỏng. Ai có con nhỏ thì bực bội và lo lắng đủ thứ trong người bởi bao nhiêu chuyện không đâu cứ ập vô đầu.

Bữa Sài Gòn mưa lớn ấy, tôi đi từ tòa soạn về tới nhà đúng hơn 2 giờ đồng hồ. Trên xe nhìn thấy bao nhiêu người dắt xe gắn máy đi ngược chiều vào đường xe hơi trên quốc lộ mà thấy thương. Cũng giống như việc không sợ cây đè bẹp người trong mưa mà chỉ sợ kẹt xe, người ta sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm khi đi ở làn đường không dành cho mình để né nước ngập.

Nếu là bạn, thì sẽ lựa chọn phương cách nào cho mình? Và nên ở chung cư hay nhà phố cũng vẫn là sự bàn luận chưa có hồi kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản